Thứ 2, 25/11/2024, 09:48[GMT+7]

Ngọt ngào hương vị bánh quê

Chủ nhật, 12/11/2023 | 18:57:12
3,428 lượt xem
Từ những hạt gạo trắng ngần, bao đời nay, người dân Thái Bình đã khéo léo kết hợp các nguyên liệu quen thuộc để sáng tạo nên những món bánh mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người dân quê lúa và làm say lòng biết bao thực khách.

Bánh nghệ được nhiều người yêu thích.

Đến với những phiên chợ quê, ai cũng sẽ bị hấp dẫn bởi những mâm bánh đơn giản, độc đáo như: bánh hú, bánh mật, bánh bèo... Với hương vị thơm ngon, béo ngậy và màu vàng tươi bắt mắt của những chiếc bánh nghệ từ lâu đã trở thành thức quà vô cùng quen thuộc của tuổi thơ bao thế hệ ở huyện Tiền Hải. Cứ đến 4 giờ sáng, căn bếp nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Hiên, xã Nam Chính lại đỏ lửa để chuẩn bị làm bánh nghệ. Công việc này đã được chị duy trì hơn chục năm nay. Chị Hiên chia sẻ: Tôi được mẹ truyền lại nghề làm bánh từ khi còn nhỏ nên quyết định không đi làm ở các công ty mà tiếp nối nghề của gia đình. Công việc không quá vất vả nhưng khá cầu kỳ, nhiều công đoạn. Nhưng trăm hay không bằng tay quen, khi đã nắm trong tay bí quyết và quen nghề thì mọi việc sẽ không quá khó. Trước đây phải xay bột, giã bánh bằng chày cối thì bây giờ đã có máy móc thay thế nên rất nhàn. Mỗi ngày, tôi dùng khoảng 20kg gạo để làm bánh nghệ. Gia đình tôi bán thêm nhiều loại bánh khác nhưng bánh nghệ vẫn là món được mọi người yêu thích hơn cả.

Theo chị Hiên, để làm ra chiếc bánh nghệ thơm ngon cần phải tỉ mỉ từ công đoạn làm bột bánh. Người làm phải lựa chọn loại gạo tẻ phù hợp để vỏ bánh sẽ không bị quá khô hoặc quá dẻo. Sau khi ngâm gạo với nước sạch trong 3 tiếng sẽ để ráo cho độ ẩm vừa đủ. Đúng với cái tên “bánh nghệ”, màu vàng của bánh tạo nên từ màu vàng của củ nghệ tươi. Thế nhưng để màu bánh đẹp thì tỷ lệ giữa gạo và nghệ phải thật chính xác. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu như: hành lá, hành khô, tóp mỡ trộn đều, xay nhuyễn. Bánh khi được hấp chín có màu vàng tươi, mùi thơm thoang thoảng của nghệ và có hương vị thơm ngậy, bùi bùi.

Với bà Nguyễn Thị Dương, xã Nam Trung, những chiếc bánh nghệ là món ăn không thể thiếu mỗi khi đi chợ. “Đây là món quà quê truyền thống ở quê hương chúng tôi. Từ người già đến người trẻ ai cũng thích ăn bánh nghệ vì nó vừa dễ ăn lại có giá thành rất phù hợp với người dân. Những người từ Bắc vào Nam khi được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi” - bà Dương chia sẻ.

Xã Bách Thuận (Vũ Thư) là mảnh đất giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền. Vì thế, “kho tàng” ẩm thực của nơi đây cũng vô cùng phong phú với nhiều món ăn độc đáo và hơn 30 loại bánh. Đối với những người con xa quê như ông Nguyễn Đình Sử, mỗi dịp về quê là cơ hội để ông được thưởng thức món bánh bèo truyền thống, cảm nhận hương vị của tuổi thơ. “Xa quê hàng chục năm nhưng mỗi dịp về quê tôi phải ra chợ và tìm cho được mâm bánh ngày cũ. Dù chỉ ăn một vài cái là no bụng nhưng hương vị rất hấp dẫn. Bánh có mùi thơm của gạo, của lá dong, ngậy béo của hành mỡ. Bánh này không chỉ độc đáo ở cách làm, hương vị mà còn ở cách ăn” - ông Sử chia sẻ.

Theo các bậc cao niên trong làng, bánh bèo đã có cách đây hàng trăm năm. Trước đây, có khoảng 4 - 5 gia đình làm bánh bèo nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 2 cơ sở sản xuất. Là gia đình có truyền thống làm bánh bèo 4 đời nên cơ sở của anh Nguyễn Đình Tích, thôn Trung Hòa bận rộn quanh năm suốt tháng. Bên cạnh bán bánh ở chợ, gia đình anh còn cung cấp bánh cho nhiều chợ trong khu vực. Anh Tích cho biết: Chỉ với nguyên liệu đơn giản là gạo, mỡ, hành đã tạo nên những chiếc bánh bèo. Bột gạo tẻ được pha với nước theo tỷ lệ nhất định, đổ vào khuôn tròn có lót lá dong và mang đi hấp. Khách đến ăn bánh bèo thường thích ăn bằng lạt tre vót nhọn, vừa cắt vừa ăn. Bánh bèo bán cho tất cả mọi người để ăn sáng, chủ yếu là tầng lớp lao động nên giá rất rẻ và no lâu.

Bánh bèo là món ăn sáng quen thuộc của người dân xã Bách Thuận, họ thường sử dụng thanh tre vót nhọn để ăn.

Để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của khách hàng, cách đây 5 năm, gia đình anh Tích đã đầu tư 70 triệu đồng để mua bếp điện, nồi hơi. Nhờ đó, mỗi ngày vợ chồng anh có thể làm được 1.200 chiếc bánh bèo, đặc biệt vào ngày lễ, tết số lượng bánh làm ra sẽ cao hơn nhiều.

Cuộc sống hiện đại ngày nay có nhiều thứ quà bánh đắt tiền nhưng cũng không thể nào thay thế được chiếc bánh quê dân dã. Những chiếc bánh nhỏ khu chợ quê dù rẻ tiền nhưng đã ghi dấu cả bầu trời tuổi thơ của bao thế hệ. Có thể thấy, dù chỉ là những món bánh dân dã, bình dị nhưng đã làm nao lòng biết bao thực khách. Đó cũng là sự công nhận, minh chứng về sự khéo léo và sáng tạo của người dân Thái Bình từ hạt gạo tạo nên được những sản vật của quê hương.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày