Thứ 2, 25/11/2024, 03:08[GMT+7]

Bánh chưng xanh ấm vị tết

Thứ 4, 07/02/2024 | 08:05:18
13,661 lượt xem
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, bánh chưng từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào trong tâm thức của người Việt mỗi khi tết đến xuân về. Tết Giáp Thìn đang đến gần cũng là lúc làng nghề bánh chưng Phố Lẻ, xã Phúc Khánh huyện Hưng Hà lại hối hả, rộn ràng chuẩn bị gạo nếp, lá dong, lạt mềm… để gói bánh chưng phục vụ nhu cầu mua sắm tết cho người dân.

Dịp tết Nguyên đán cơ sở bánh chưng Ngoan Trần gói gần 15.000 chiếc bánh chưng phục vụ khách.

Những ngày này, về Phố Lẻ chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi bánh thơm nồng toả ra từ sự kết hợp của lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt. Hương vị này đã tạo nên nét đặc trưng riêng của bánh chưng Phố Lẻ mà không thể lẫn với bất kỳ nơi nào. 

Nhiều khách hàng lựa chọn bánh chưng Phố Lẻ để làm quà biếu.

Xuân này bà Nguyễn Thị Thu Tỉnh đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, cũng là gần 50 năm gắn bó với nghề nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, khéo léo gói ra những chiếc bánh chưng vuông vức mà không cần đến khuôn, đó cũng là nét độc đáo của bánh chưng Phố Lẻ. 

Bà Tỉnh chia sẻ: Làm bánh chưng là nghề truyền thống được các cụ truyền lại nên tôi đã kế thừa và luôn giữ lửa cho nghề phát triển. Để gói được chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn cầu kỳ, lá dong phải chọn những chiếc lá còn tươi màu xanh, tàu lá còn nguyên vẹn không rách và rửa sạch sẽ, gạo phải ngâm đãi sạch và phải là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ phải thổi dẻo rồi nắm lại, thịt thái ngang khổ, ướp gia vị. Người gói bánh phải biết kết hợp, pha trộn các nguyên liệu để tạo thành một chiếc bánh sao cho hài hòa, cân bằng.

Công đoạn chọn lá dong tại cơ sở bà Nguyễn Thị Thu Tỉnh.

Ở Phố Lẻ, gói bánh chưng là nghề gia truyền nên làm quanh năm. Nhưng dịp tết nhu cầu của người dân tăng cao nên các hộ làm nghề ở đây tất bật hơn, không kể ngày đêm, họ giành hết thời gian, tâm huyết để gói bánh chưng tết. Mỗi người một công đoạn nhưng ai lấy đều rất chuyên nghiệp và tỉ mỉ. 

Chị Trần Thị Ngoan, chủ cơ sở bánh chưng Ngoan Trần cho biết: Trước đây, chúng tôi luộc bánh chưng bằng củi nhưng bây giờ chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nghệ luộc bánh này có ưu điểm là người làng nghề bớt mệt nhọc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bánh luộc ra thơm, dẻo. Dịp tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi nhận gói gần 15.000 chiếc bánh chưng cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp, đình, chùa… để làm quà tặng cũng như ăn tất niên. Bằng những sản vật của địa phương như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, chúng tôi mong muốn làm ra đặc sản bánh chưng ngon xứng với thương hiệu “Bánh chưng Phố Lẻ” từ bao đời nay.

Nguyên liệu để làm nên một chiếc bánh chưng ở Phố Lẻ.

Nhân thịt gói bánh chưng ở Phố Lẻ. 

Bánh chưng là món ăn cổ truyền của dân tộc, gợi nhớ và mang lại cho mỗi người không khí xuân, ngày tết, sự gắn kết, đoàn tụ gia đình. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, con người càng bận rộn hơn nên không có thời gian để gói bánh chưng và quây quần ngồi trông bánh bên ngọn lửa hồng ấm áp. Nhiều gia đình đã chọn cách mua bánh chưng tại cơ sở làm bánh có uy tín, bày lên mâm cỗ ngày tết để cúng gia tiên.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, thị trấn Hưng Nhân cho biết: Hương vị của bánh chưng Phố Lẻ rất đặc biệt, ăn rất dẻo, vừa miệng và đặc biệt là nhân đỗ trong bánh được quyện với thịt ba chỉ rất ngậy, thơm, khác hẳn với bánh những nơi khác. Vì vậy, năm nào tôi cũng đặt 20 chiếc bánh để để ăn và làm quà biếu.

Không ai biết bánh chưng Phố Lẻ nổi tiếng từ khi nào, chỉ biết đời nối đời, cha truyền con nối đến bây giờ. Làm bánh chưng đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cho nhiều người dân nơi đây. 

Bà Lê Thị Hiền, Công chức văn hóa - xã hội xã Phúc Khánh cho biết: Hiện nay ở Phố Lẻ có gần 10 cơ sở chuyên gói bánh chưng quanh năm. Ðặc biệt, trong những ngày giáp tết hay những ngày lễ hội, các cơ sở phải thuê thêm lao động làm thời vụ để đáp ứng nhu cầu người dân. Thị trường tiêu thụ bánh chưng không chỉ ở trong nước mà nhiều người còn mua mang sang cả nước ngoài để làm quà. Chúng tôi cũng đang xây dựng bánh chưng Phố Lẻ trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Các gia đình ở Phố Lẻ thường luộc bánh chưng bằng củi khô.

Bên nồi bánh chưng đang bập bùng ánh lửa hồng của những gia đình nơi đây, hương vị tết đã quyện vào trong gió mang hương thơm đi khắp muôn nơi. Ồ tết đã đến thật rồi! 

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày