Thứ 2, 25/11/2024, 02:41[GMT+7]

Những món ăn đặc trưng ngày Tết của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Thứ 3, 13/02/2024 | 14:51:42
3,870 lượt xem
Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú trong văn hóa, trang phục mà còn nổi bật với nét ẩm thực độc đáo đặc biệt trong dịp Tết của những dân tộc thiểu số, rất nhiều món ngon thú vị hấp dẫn.

Thịt trâu gác bếp

Đây là món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến ẩm thực truyền thống ngày lễ Tết đồng bào dân tộc vùng cao. Từng miếng thịt trâu được tẩm ướp với những gia vị thơm ngon như gừng, tỏi, sả, ớt và đặc biệt là bộ đôi gia vị nổi tiếng và chỉ có vùng núi Tây Bắc mới có được đó chính là hạt dổi - mắc khén.

Từng loại nguyên liệu gia vị được giã nhuyễn rồi sau đó được ướp đều với từng miếng thịt trâu, và xuyên vào các que. Tiếp đến chúng được sấy trên bếp than củi sao cho miếng thịt được khô lại.

Khâu nhục

Khâu nhục trở thành đặc sản quen thuộc trong các dịp lễ Tết, đám cưới, đám hỏi… của người Tày, người Nùng, người Sán Dìu.

Khâu nhục là thịt được ướp đẫm gia vị gồm các loại như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu... sau đó hấp cách thuỷ tận nửa ngày cho thịt thật mềm. Miếng thịt khâu nhục khi ăn cho cảm giác như tan trong miệng mới là đạt đủ độ ngon. Khi trình bày và thưởng thức khâu nhục, người ta sẽ thường để rau cải xanh, mộc nhĩ cùng với ớt.

Bánh láo khoải

Đây là một loại bánh của người dân tộc Mông. Bánh láo khoải còn được gọi bằng cái tên khác là lức khoải hay rớ khoải. Món bánh này không được làm thường xuyên mà chỉ hay xuất hiện vào dịp Tết .

Nguyên liệu chính để làm bánh láo khoải là ngô nghiền đồ chín, sau đó nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, bôi mỡ trộn mật ong xung quanh.

Khi ăn, bánh sẽ được thái mỏng rồi nướng trên than củi hoặc thái chỉ nấu với đường, ngoài ra cũng có thể dùng bánh láo khoải để nấu với quả đậu Hà Lan như nấu canh.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp là tên của món cá gập nướng, là một đặc sản của người Thái ở vùng Tây Bắc. Đây là một món không thể thiếu trong những ngày lễ Tết, đặc biệt là trên mâm cơm đãi khách.

Những con cá chép, trắm, trôi... thật tươi sau khi được làm sạch vẩy sẽ được mổ dọc sống lưng rồi nhồi các nguyên liệu vào và gập lại, sau đó nướng trên than hồng. Đặc biệt là cá còn được tẩm thêm một lớp mầm măng của cây sa nhân, phết bên ngoài da cá là thính gạo cùng với bột riềng. Khi nướng chín từng loại gia vị được tẩm ướp sẽ cùng với mùi cá nướng dậy một hương thơm lan tỏa khắp nơi.

Bánh cooc mò

Bánh cooc mò hay còn gọi là bánh sừng trâu xuất hiện ở khá nhiều vùng dân tộc thiểu số, dễ thấy ở địa bàn của người Tày, Nùng hay dân tộc Cơ Tu. Người ta thường làm loại bánh này vào dịp lễ Tết hoặc những sự kiện quan trọng.

Bánh cooc mò được làm từ những hạt nếp được lựa chọn với những tiêu chuẩn cao, hạt phải đều nhau, chắc, thơm, phần nước làm bánh thì phải dùng nước suối trong, mang vị ngọt của thiên nhiên núi rừng nơi đây. Lá dong thì cũng phải được xanh mượt tươi đẹp.

Canh thụt

Đây là món ăn lạ của đồng bào M’nông, thường xuất hiện trong bữa cơm đầu năm mới. Nguyên liệu dùng nhiều loại rau quen thuộc ở Tây Nguyên như rau nhíp, đọt mây, còn có cả cá suối.

Cách nấu món canh thụt rất độc đáo, nguyên liệu được bỏ vào một ống lồ rồi đem nướng trên ngọn lửa, dùng một que tre để thụt vào, đảo đều các nguyên liệu cho đến khi trong chín mềm.

Bánh chưng đen

Nếu đã quen thuộc với bánh chưng xanh thì hãy khám phá nét độc đáo của một số dân tộc vùng cao như người Tày, người Thái... với món bánh chưng đen vô cùng lạ mắt.

Để tạo ra màu đen của bánh chưng, người ta sử dụng tro đốt rơm hoặc một số loại cây rừng, rây thật mịn rồi trộn với gạo nếp thơm. Cũng với nhân thịt lợn, đỗ xanh nhưng bánh chưng đen của các dân tộc vùng cao lại được gói thành đòn như bánh tét của người trong Nam. Khi cắt ra, miếng bánh tròn trịa, dẻo quánh với phần nhân vàng ươm, thơm mùi cây cỏ núi rừng. 

Theo afamily.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày