Thứ 3, 23/07/2024, 16:32[GMT+7]

Thơm nồng bánh khúc quê tôi.

Thứ 6, 17/09/2010 | 15:21:51
5,129 lượt xem
Gạo để làm bánh khúc là loại gạo tẻ ngon, pha ít gạo nếp, xay ra thành bột nước rồi trộn với rau tầm khúc đã được giã. Sau đó, dùng 1 tấm vải, lót tro ở dưới để thấm hết nước trong bột và nhào kỹ để rau và bột quyện đều với nhau, nắm lại thành những nắm to.

Đây không chỉ là món ăn hấp dẫn mà còn là sự tưởng nhớ về cội nguồn quê hương, sự tri ân của thế hệ con cháu với những người có công với quê hương, đất nước.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, với lễ hội Sáo Đền, với tiếng diều vi vút gió, tôi còn được tận hưởng hương vị thơm nồng đặc trưng của món bánh khúc quê hương.

 

Thuở nhỏ, mải học mải chơi, mỗi lần mẹ làm bánh, tôi vô tư cầm chiếc bánh khúc nóng hổi, ăn ngon lành mà chẳng hề bận tâm suy nghĩ. Giờ đây khi đã lớn hơn một chút, có dịp tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của món bánh khúc, tôi hiểu rằng đó không chỉ là một nét đẹp văn hóa ẩm thực mà còn thể hiện truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân quê tôi.

 

Tục truyền rằng, vào giữa thế kỷ 18, tướng quân Đô đài lực sỹ Nguyễn Tất Ứng người làng Kiều Thần, tổng An Lão, nay là xã Song An huyện Vũ Thư đã dẫn quân đi dẹp giặc ngoại xâm đúng vào dịp tết Nguyên Đán. Cuối tháng Giêng thắng trận trở về, bà con liền tổ chức ăn Tết lại để anh em tướng, sĩ cùng đón xuân.

 

Bởi vậy ở một số xã của huyện Vũ Thư thuộc tổng An Lão cũ như Song An, Minh Quang, Hòa Bình, Trung An... mới có “Tết cùng” với loại bánh khúc rất đặc trưng vào mỗi dịp mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Rau khúc.

Tuy nhiên nơi lưu giữ được những hương vị rất riêng của món bánh này cũng như phong trào làm bánh khúc dịp Tết Cùng cho đến ngày nay phải kể đến xã Song An - quê hương của cụ Nguyễn Tất Ứng. Đây không chỉ là món ăn hấp dẫn mà còn là sự tưởng nhớ về cội nguồn quê hương, sự tri ân của thế hệ con cháu với những người có công với quê hương, đất nước.

 

Ngày ấy, cuộc sống của bà con còn thiếu thốn. Tận dụng loại rau tầm khúc mọc nhiều ngoài ruộng, người dân địa phương đã chọn những ngọn tươi non, đem về rửa sạch, giã nát và loại bỏ xơ. Gạo để làm bánh khúc là loại gạo tẻ ngon, pha ít gạo nếp, xay ra thành bột nước rồi trộn với rau tầm khúc đã được giã. Sau đó, dùng 1 tấm vải, lót tro ở dưới để thấm hết nước trong bột và nhào kỹ để rau và bột quyện đều với nhau, nắm lại thành những nắm to.

 

Để tăng độ dẻo cho bánh, người dân quê tôi đem luộc những nắm bột này, vớt ra và tiếp tục nhào kỹ. Dùng hành, thịt ba chỉ và mộc nhĩ băm nhuyễn làm nhân bánh, cho gia vị: hạt tiêu, nước mắm, mì chính... để tạo mùi thơm và độ ngậy cho bánh khúc. Để có một chõ bánh khúc ngon, phần đồ bánh cũng đòi hỏi kỹ thuật khá công phu.

 

Bánh được cho vào chõ từng lớp một, cứ mỗi lớp, từng chiếc bánh lại được khoác trên mình một màu áo trắng tinh, thơm phức của những hạt nếp cái hoa vàng đặc sản. Lớp bánh thứ nhất chín rồi mới xếp lớp bánh thứ hai, cứ vậy lần lượt cho đến hết. Khi hấp bánh, lửa phải thật đều để hơi xông lên đều trong chõ. Chiếc bánh khúc ngon phải có màu đen bóng, nhưng xôi vỏ áo của bánh thì phải có màu trắng muốt, đồng thời có mùi thơm nồng của rau khúc, mùi ngậy béo của hành mỡ, hạt tiêu.

 

Sau Tết âm lịch, xuân về, bạn bè, người thân trong mỗi gia đình quê tôi lại có dịp quây quần bên bếp lửa, cùng nhau thưởng thức chõ bánh khúc nóng hổi để hương quê thêm đậm nghĩa, đậm tình. Và, những bộn bề của cuộc sống dường như cũng tan biến hết chỉ còn lại tiếng sáo diều trong trẻo, bình yên...

                                                         Quỳnh Lưu

(Đài PT Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày