Chủ nhật, 22/12/2024, 08:39[GMT+7]

10 món miền Tây phổ biến trong đám giỗ

Chủ nhật, 08/12/2024 | 14:48:04
1,551 lượt xem
Mâm cơm đãi khách dịp đám giỗ của người miền Tây thường bày biện nhiều món, thể hiện sự phong phú ẩm thực và hiếu khách ở vùng sông nước.

"Đám giỗ bên cồn" là cụm từ xuất phát từ loạt video của nhà sáng tạo nội dung hơn 11 triệu lượt theo dõi trên TikTok. Các video của nhân vật này tái hiện đời sống thường ngày của người dân miền Tây. Văn hóa đi ăn đám giỗ được nhắc đến nhiều lần, tạo làn sóng trên mạng xã hội từ đầu tháng 12.

Anh Tâm Trần, sống ở Cần Thơ, làm trong lĩnh vực văn hóa truyền thông, chia sẻ "đám giỗ bên cồn" xuất hiện trên mạng xã hội tương tự đám giỗ nhiều nơi ở miền Tây. Đám giỗ thường là dịp bà con làng xóm, anh chị em họ hàng trong gia đình tụ họp gần như đông đủ. Anh Tâm cho hay đám giỗ thậm chí còn đông vui hơn ngày Tết.

Gia chủ có đám giỗ thường đãi khách với đủ món ăn. Buổi tiệc này xưa thường kéo dài 2-3 ngày, nay chủ yếu tổ chức trong ngày. Một mâm cỗ đám giỗ có khoảng 7-10 món ăn đặc trưng vùng sông nước, có nhà đãi món chay. Chủ đám thường làm riêng các món bánh tét, bánh ít, xôi vò để khách làm quà đem về nhà. Anh Tâm giới thiệu 10 món ăn thường thấy trong mâm cỗ đám giỗ truyền thống miền Tây.

Các món ăn được chuẩn bị cho đám giỗ. Ảnh: NVCC

Các món ăn được chuẩn bị cho đám giỗ. Ảnh: NVCC

Gỏi củ hũ dừa tôm thịt

Món gỏi xuất phát từ Bến Tre, phổ biến trong mọi bữa ăn của người miền Tây. Củ hũ dừa là phần trên của cây dừa, nằm sâu trong thân, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài và cuống lá. Để lấy củ hũ phải chặt cả cây dừa. Phần này thường được bào mỏng thành sợi dài, dùng làm món gỏi cùng tôm sú bóc nõn, thịt ba rọi, tai heo thái mỏng, rau răm, hành tây và lạc rang giòn. Phần mắm trộn có vị chua ngọt. Gỏi là món ăn giải ngấy trong bữa cỗ.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây. Đồng Tháp thường được nhắc đến như cái nôi của món này, bởi đây là vùng đất trù phú với nhiều đồng ruộng và kênh rạch, nơi cá lóc đồng sinh trưởng tự nhiên, thịt chắc và thơm ngon. Trong các bữa tiệc, người miền Tây thường đãi khách món ăn này.

Món cá lóc nướng trui nguyên con. Ảnh: Quỳnh Mai

Món cá lóc nướng trui nguyên con. Ảnh: Quỳnh Mai

Cá lóc được giữ nguyên con, không cần sơ chế kỹ, chỉ làm sạch đất cát bên ngoài rồi xiên vào que tre nướng trực tiếp trên rơm khô. Lửa rơm cháy lớn, làm chín cá từ trong ra ngoài, giữ nguyên vị ngọt tự nhiên và mùi thơm hấp dẫn. Khi ăn, cá được bóc lớp da cháy bên ngoài, để lộ phần thịt trắng mềm, thơm lừng. Món ăn thường được cuốn bánh tráng cùng rau sống, chuối chát, khế chua, chấm kèm nước mắm me.

Heo quay bánh hỏi

Heo quay bánh hỏi là đặc sản Cần Thơ, Bạc Liêu, hương vị đậm chất miền Tây Nam Bộ. Món ăn là sự kết hợp giữa heo quay giòn rụm, thịt mềm ngọt và bánh hỏi cân bằng vị béo. Bánh hỏi được làm từ bột gạo, sợi mỏng, sau khi hấp chín thường được phết thêm chút dầu hành để tăng hương vị. Heo quay được chọn từ thịt ba chỉ, quay vàng đều, da giòn tan nhưng thịt vẫn giữ được độ mềm và mọng nước.

Khi ăn, bánh hỏi và heo quay thường được cuốn cùng bánh tráng, rau sống, chuối chát, dưa leo, chấm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đậm đà. Món ăn này không chỉ là đặc sản trong các dịp lễ, tiệc mà còn được người dân dùng trong bữa cơm thường ngày.

Cà ri gà

Người Chăm và Khmer tại miền Tây có thói quen sử dụng gia vị cà ri trong ẩm thực, nổi tiếng có món cà ri gà. Món này thường xuất hiện trong mâm cỗ miền Tây và mâm cơm ngày thường. Cà ri gà được nấu từ nước cốt dừa, bột cà ri và các gia vị đặc trưng, mang hương vị béo ngậy, cay nhẹ và thơm. Món này thường ăn kèm bánh mì hoặc bún. Một số gia đình thường dùng thịt vịt thay thịt gà.

Món cà ri vịt bày biện trong đám giỗ. Ảnh: Nhật Minh

Món cà ri vịt bày biện trong đám giỗ. Ảnh: Nhật Minh

Lagu bò

Món lagu bò du nhập vào miền Tây Nam Bộ từ Pháp thuộc. Người miền Tây tiếp nhận món ăn này và chế biến lại hợp khẩu vị địa phương. Đây cũng món ăn đặc trưng trong mâm cỗ miền Tây, vào dịp lễ hội, đám cưới hay cúng giỗ. Lagu bò được làm từ thịt bò nạm hầm cùng với các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, đậu que, và hành tây. Gia vị gồm có nước mắm, tiêu, tỏi, hành và đường và nước dừa. Nước dùng của món lagu bò có vị ngọt hòa quyện với vị mặn của nước mắm.

Bánh tét

Bánh tét không thể thiếu trong mâm cúng giỗ miền Tây, và các dịp lễ Tết Nguyên đán hay các sự kiện quan trọng của gia đình. Món bánh tượng trưng cho sự gắn kết gia đình và cầu mong sự đủ đầy, may mắn.

Bánh tét được làm từ gạo nếp dẻo thơm, đậu xanh, thịt ba chỉ và gói lá chuối. Gạo nếp được ngâm mềm, trộn với đậu xanh đã hấp chín, thêm ít muối để tạo độ ngọt và béo cho bánh. Thịt ba chỉ được xào sơ qua với gia vị. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, bánh tét được gói thành hình trụ dài, đem luộc trong nhiều giờ cho đến khi bánh chín đều. Người dân thường tụ tập gói bánh tét trong 1-2 ngày trước đám giỗ, ngày nay thuận tiện hơn có thể đặt mua. Món ăn này thường được gia chủ làm quà biếu khách đem về sau bữa cỗ.

Canh khổ qua

Canh khổ qua xuất hiện trong các dịp đặc biệt như cúng đình, đám giỗ. Món canh được chế biến từ mướp đắng, thịt bằm, nấm mèo và gia vị, vị đắng hòa quyện cùng độ ngọt từ nước hầm xương. Khổ qua có tính hàn, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa, giúp cân bằng khẩu vị trong các bữa cỗ nhiều món đạm.

Món khổ qua nhồi thịt. Ảnh:Lê Hữu Tường

Món khổ qua nhồi thịt. Ảnh: Lê Hữu Tường

Bánh bò

Bánh bò là món ăn truyền thống, phổ biến trong ẩm thực miền Nam, xuất hiện nhiều vào dịp lễ, Tết của người miền Tây. Món bánh này tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn. Bánh bò được làm từ bột gạo, đường, nước cốt dừa và men, tạo thành một loại bánh có kết cấu xốp mềm, hương vị ngọt nhẹ và béo. Khi chín, bánh có hình dạng hoa nhỏ, với các lớp bông mềm. Món bánh này thường ăn kèm với nước cốt dừa hoặc mật ong để tăng thêm hương vị.

Bánh ít

Bánh ít có hình dạng nhỏ, thường được gói trong lá chuối hoặc lá dứa, tạo nên hương vị đặc trưng. Bánh được làm từ bột nếp trộn với đậu xanh hoặc dừa nạo, gói trong lá chuối và luộc chín. Bánh có lớp vỏ ngoài mềm, dẻo, có hai vị mặn và ngọt. Món này cũng được gia đình để riêng để biếu khách sau bữa cỗ.

Xôi vò

Xôi vò được làm từ gạo nếp ngâm mềm, kết hợp đậu xanh hấp chín, trộn đều với nhau. Khi chế biến, người nấu thường vo từng nắm xôi thành viên nhỏ. Tùy cách chế biến món xôi được rưới dầu ăn hoặc mỡ hành lên trên. Xôi vò thường được ăn kèm với dừa nạo hoặc mè rang, giúp tăng thêm hương vị bùi bùi, ngọt ngào cho món ăn.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày