Thứ 2, 06/01/2025, 21:01[GMT+7]

Canh cua đồng lên ngôi đặc sản

Thứ 3, 21/12/2010 | 14:46:54
5,339 lượt xem
Nói đến cua đồng, mọi người quá quen thuộc. Loại thủy sản sinh sôi sống trong nước ngọt, ở lỗ trong các bờ ruộng khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nó cho ta một món ăn giã nhuyễn lọc nước nấu canh thật tuyệt vời. Có chăng nay độ tuổi mười lăm, hai mươi ít biết và không được ăn canh cua đồng.

Canh Cua đồng cung cấp cho con người những món ăn hàng ngày vừa ngon vừa bổ mà không mảy may có sự độc hại với sức khỏe con người.

Với ngày xưa, nhưng chưa phải xa xôi như trong truyện cổ tích thần thoại, mà chỉ mới cách đây vào ba chục năm vào thập niên 80 thế kỷ trước. Quê tôi muốn ăn canh cua xách giỏ ra đồng hơn tiếng đồng hồ là cả nhà sáu, bảy người thoải mái một bữa canh nấu với mồng tơi hoặc rau đay hay mướp quả, ngọt lựng mà “chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”.

 

Sáng ra, các bà các chị chỉ cần tranh thủ lúc sớm cầm giỏ ra đồng đi mấy bờ ruộng, nước mát cua bò ra cũng bắt được lưng giỏ. Trưa hè tháng 5 tháng 6 âm lịch làm đất cấy lúa mùa, bọn trẻ chúng tôi xách giỏ ra đồng chỉ vồ hai bên bờ ruộng cũng được giỏ đầy cua bò lên tránh nắng.

 

Đúng như bài thơ “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa có đoạn:

“...Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...”

 

Bác thợ cày đeo giỏ sau lưng cày xong thửa ruộng cũng chộp được mấy chục chú cua to kềnh. Đồng ruộng những năm ấy không chỉ có cua mà có cả một tập đoàn thủy sản sống trong nước trong đất và mương máng: cua cá, tôm tép, ốc ếch, lươn chạch...

 

Canh Cua đồng cung cấp cho con người những món ăn hàng ngày vừa ngon vừa bổ mà không mảy may có sự độc hại với sức khỏe con người. Khi chúng tôi còn bé mẹ làm cho hơn chục chiếc vó nhỏ bằng vải màn sáng đi học, chiều về đem vó ra ruộng đặt hoặc ở mương máng ném tí cám rang thơm thỉnh thoảng đi lượt, tối về là có lưng rổ tép, rang ăn vài bữa hoặc làm mắm chua.

 

Tháng chín, tháng mười âm lịch thời tiết chuyển mùa ráp hanh, bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa đơm mấy chiếc đó tre ngang bờ ruộng sáng sau lượt về cũng được mấy bơ tép ngon, ăn không hết thì đem bán. Những ngày, đêm mùa hạ của tuổi thơ êm đềm trôi đi xa lắc bao giờ mà đến nay tôi vẫn còn nhớ, những ngày xách giỏ chạy tung tăng, lấm lem bắt cua trên đồng và những đêm mưa mùa hẹ nằm nghe tiếng ếch ngoài đồng âm vang như bản nhạc hợp xướng của đồng quê muôn thủa.

 

Tiếng những chú ếch con nhanh như tiếng đàn măng rô luyn hòa cùng tiếng uôm uôm của những chú ếch già như một giàn hòa tấu. Đến mùa gặt cha mẹ tôi đi cắt lúa, hôm nào cũng tóm được một, hai chú ếch to, da vàng, béo múp. Rồi cha tôi bẻ chiếc măng tre vườn nhà thái nhỏ ngâm qua nước vôi trong ít phút cho bớt độ đắng, nấu với thịt ếch, thêm vị thơm của lá lốt, ớt cay.

 

Một món ăn dân dã dễ kiếm của người nông dân mà giờ đây trở thành món ăn đặc sản. Có chăng chỉ nơi nào có mô hình nuôi ếch mới còn được món ăn này mà chỉ với hàng thượng cấp lắm tiền. Đêm mùa hạ giờ có nghe tinh mới thấy tiếng một chú ếch lẻ loi đơn độc đâu đó ngoài đồng mà đêm đêm vẫn bị những chiếc đèn soi rà quét săn bắt đến tận cùng.

 

Từ khi thực hiện chương trình đổi mới đất nước, nông nghiệp nông thôn đưa vào gieo cấy các giống lúa ngắn ngày năng suất cao đời sống nông thôn và toàn xã hội được cải thiện ngày một có chất lượng hiệu quả. Trên đồng ruộng ở mỗi địa phương hàng năm phải đón nhận hàng chục tấn đạm, lân, kali, NPK chăm bón lúa và hàng tấn thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc đánh chuột độc hại để bảo vệ mùa màng và chính nó đã hủy diệt vĩnh viễn mầm sống của tập đoàn loài thủy sản tự nhiên. Một nguồn thực phẩm quý từ ngàn xưa để lại.

 

Tôm cá còn có thể nuôi thả được mà ăn, nhưng cua đồng, tép ốc thì vĩnh viễn xa rồi trong bước đi hiện đại mà chính chúng ta đã hủy diệt đánh mất nó trong những bữa ăn của mình. Tiếc quá và nhớ lắm bát canh cua đồng bốc khói mùi thơm phức nấu với mồng tơi, dau đay, nấu với hành củ, những vầng gạch cua, vàng nổi lên múc chan vào bát bún sợi gạo trắng ăn thật “quên đời”. Chỉ ăn một lần mà nhớ mãi món ẩm thực làng quê.

 

Quê ơi, giờ tìm kiếm đâu ra được bát canh cua đồng ngọt lựng như vậy. Nó chỉ còn trong trí nhớ và sự tưởng tượng của mỗi người đã sống về những ngày xa xưa ấy khi cua đồng có quanh năm trên đồng ruộng, gắn bó với cuộc sống đơn giản của người nông dân. Nghĩ mà nuối tiếc, nuối tiếc đến thẩn thơ.

 Lê Thanh Nhuận

Thụy Dũng, Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày