Chủ nhật, 18/05/2025, 17:49[GMT+7]

Bánh cuốn chợ Gú:Ðậm đà vị biển

Chủ nhật, 19/06/2016 | 14:47:02
5,264 lượt xem
Bánh cuốn là món ăn dân dã mà người Việt Nam vô cùng ưa thích. Ở nhiều nơi, bánh cuốn đã trở thành đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội), bánh cuốn chả thịt nướng Phủ Lý (Hà Nam), bánh cuốn Mễ Sở (Hưng Yên), bánh cuốn trứng Lạng Sơn... Về miền biển Diêm Điền (Thái Thụy), chúng ta có cơ hội được thưởng thức món bánh cuốn nhân tôm chợ Gú để lại hương vị khó quên cho biết bao thực khách khi một lần thưởng thức.

 

Vị của biển

 

Nằm ngay tại trung tâm thị trấn Diêm Ðiền,  chỉ mất vài bước chân từ phía đường chính đi vào, ta đã có thể bắt gặp ngay một khu chợ đông đúc người lại qua, buôn bán đa dạng các mặt hàng hải sản, ấy chính là chợ Gú. Những hàng bánh cuốn nhân tôm nằm phía sâu bên trong chợ, xen kẽ bên những quán bún, phở, cháo, chè nhưng dễ nhận biết qua những bàn ăn chật kín, những bịch bánh được đóng sẵn, đặt ngay ngắn trên mặt bàn để phục vụ khách mang về. Bánh cuốn nhân tôm bán ở chợ Gú ngày hai buổi sáng chiều. Tại đây, người ta đã quen với lời rao đặc trưng của người phụ nữ miền biển: “Ai bánh cuốn đi, ai bánh cuốn nào, bánh cuốn Diêm Ðiền, bánh cuốn nhân tôm đây”. Nghe danh bánh cuốn nhân tôm nhiều người lầm tưởng với món bánh “quý tộc” nhân là những con tôm to tròn xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng, nhưng bánh cuốn nhân tôm chợ Gú lại là món ăn hết sức bình dân với phần nhân thịt tôm xay nhuyễn giá chỉ từ 15.000 - 17.0000 đồng/kg ai cũng có thể mua. Món ăn này đã xuất hiện ở chợ Gú hơn nửa thế kỷ trước. Vì là quê hương miền biển, lắm cá nhiều tôm nên người dân nơi đây đã tận dụng chính nguyên liệu sẵn có để tạo ra món ăn độc đáo này.

 

Theo bà Nguyễn Thị Tấm (xã Thụy Lương, Thái Thụy) - người đã có 40 năm làm nghề, để có được món bánh cuốn ngon, hai yếu tố quan trọng nhất là phần bánh tráng và phần nhân bánh phải được chuẩn bị kỹ ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Ðể làm phần bánh tráng, trước kia người ta dùng gạo Mộc Tuyền còn ngày nay loại gạo sử dụng phổ biến là Q5. Các loại gạo này nấu cơm tuy cứng nhưng làm bánh thì rất phù hợp. Nó tạo nên độ giòn, dai cho vỏ bánh vì lớp bánh tráng rất mỏng nên bánh vẫn giữ được độ mềm dẻo, không bị nát. Trước kia, để làm bánh tráng, người thợ làm bánh thường rất vất vả, thức khuya dậy sớm để xay, tráng. Ngày nay, nhờ khoa học công nghệ, công đoạn làm bánh tráng được “nhường” lại cho máy móc, người thợ bánh cũng phần nào đỡ vất vả hơn. Bánh tráng hiện nay đã không cần đến sức người, nhưng phần nhân bánh thì không máy móc nào có thể thay thế được. Tôm biển tươi sau khi sơ chế đem bóc nõn, xay nhuyễn, mỡ hành phi thơm nức, thợ bánh thả tôm xay vào xào cùng mộc nhĩ, hành lá, tùy vào bí quyết của từng gia đình mà có cách nêm nếm gia vị khác nhau để tạo hương vị riêng cho món ăn. Bánh cuốn tôm chợ Gú được coi là thành công khi hòa quyện được màu trắng tươi của vỏ bánh, màu vàng lòng tôm, kết hợp với xanh  của lá hành, khi cắt ra đĩa trông đẹp tựa một đóa hoa. Bánh cuốn có thể ăn kèm với giò, chả, nhưng nhiều thực khách vẫn ưa thích kiểu ăn truyền thống chỉ chấm bánh với nước chấm. Miếng bánh cuốn khi đưa lên miệng nhanh chóng kích thích vị giác của người ăn bởi cái ngọt, cái nồng nàn của nhân tôm hòa quyện cùng những giọt đậm đà, tinh khiết của nước mắm Diêm Ðiền, bánh không rưới mỡ nên ăn cảm giác thanh nhẹ, không bị ngấy. Bánh cuốn chợ Gú rất dễ chiều lòng người, dù ăn nóng hay ăn nguội vẫn đều rất ngon.

 

Món ăn đi vào lòng người

 

Biết bao lớp học sinh từng gắn bó quãng đời đẹp nhất của mình tại phố biển Diêm Ðiền chẳng thể nào quên những lần tụ tập nhau cùng ăn món ăn đặc sản nơi chợ Gú. Theo bà Tấm chia sẻ, khách hàng đến ăn tại quán đông nhất là học sinh THCS, THPT. Sáng sớm hay sau mỗi giờ tan học, các cháu học sinh thường kéo từng tốp đi ăn,  nhiều lúc chẳng có chỗ mà ngồi, có cháu còn phải đứng. “Nhưng nhìn bọn trẻ ăn mà thấy vui” - bà Tấm chia sẻ. Em Ðoàn Thị Triệu Vy, học sinh Trường THCS Thụy Liên cho biết: Chúng em rất thích ăn bánh cuốn bởi vì ăn ngon mà lại hợp túi tiền. Còn Phạm Thị Hồng đang là sinh viên Ðại học Thủy lợi vì “nhớ bánh” mà mỗi lần về quê em lại ghé qua hàng bánh cuốn quen. Hồng bảo đã ăn bánh cuốn ở nhiều nơi nhưng vẫn thích vị bánh cuốn quê mình.

 

Chị Ðồng Thị Thủy ở khu 2 thị trấn Diêm Ðiền đã lớn lên cùng với những mẹt bánh cuốn quê hương. Chị kể: Ngày trước, gia đình tôi cũng làm bánh cuốn, bây giờ không làm nữa nhưng  bánh cuốn vốn là món ăn yêu thích của tôi, bởi vậy cứ mỗi lần qua chợ Gú tôi thường mua bánh cuốn. Con gái tôi giờ đây cũng được mẹ “truyền cảm hứng” nên cũng rất thích món ăn này. Chị Lâm Thị Nguyệt thỉnh thoảng đi chợ Gú không quên mua vài ba cân bánh mang về, chị kể: Cứ mỗi lần đi chợ Gú là hàng xóm lại dặn mua cho cân bánh cuốn, mua cho nhà rồi mua hộ nên lần nào đi chợ về  trông tôi cũng thật cồng kềnh.

 

Không chỉ người dân địa phương mê bánh cuốn, nhiều người từ nơi khác về có dịp thưởng thức cũng dễ “phải lòng” món ăn dân dã ấy rồi cất công nhờ người quen mua giùm. Theo chị Phạm Thị Nâng, một chủ hàng bánh cuốn, nhiều người ở tận Hải Phòng, Nam Ðịnh cũng nhờ người về đây mua hộ rồi gửi đi cho. Bánh cuốn trở thành món quà quê ưa thích đối với người thành phố.

 

Nếu có dịp về Thái Bình, kết hợp chuyến du lịch biển với hành trình khám phá ẩm thực, thưởng thức bánh cuốn nhân tôm chợ Gú là một gợi ý phù hợp dành cho mọi người.

 

Thu Hiền

Ðông Tân, Ðông Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày