Chủ nhật, 24/11/2024, 21:20[GMT+7]

Thơm ngọt cơm rượu nếp tháng 5

Thứ 6, 15/04/2011 | 07:46:42
1,938 lượt xem
Qua tết Hàn thực 3-3, tôi lại háo hức chờ tới tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5. Ngày ấy còn nhỏ cũng không hiểu lắm về ý nghĩa của ngày tết, chỉ nghe bà và mẹ nói nó là tết giết sâu bọ.

Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm.

 

Vào ngày ấy tôi được ăn món chè đậu đen, cơm rượu nếp do tay mẹ nấu và nhiều thứ hoa quả.

 

Món chè đơn giản nhưng ngọt ngào và mang hương vị riêng. Chỉ cần đậu đen, đậu xanh, bột trân châu, đường trắng là có thể nấu được món chè cho ngày tết. Khi ăn cần thêm một chút dầu chuối thơm, vài cọng dừa khô và đá là có thể giải tỏa cơn khát trong cái nóng nực của mùa hè.

 

Không chỉ món chè đậu đen, cơm rượu nếp cũng là một món đặc biệt được người dân quê tôi làm vào ngày tết Đoan Ngọ. Đây là món dễ làm nhưng để làm được ngon và ngọt đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm. Thông thường họ sẽ phải làm từ ngày mồng 3, tới ngày mồng 5 thì cơm rượu mới ngấu và ăn được.

 

Mỗi vụ mùa, nhà nào cũng cấy lúa nếp (hoặc nếp tẻ) để lấy gạo nấu xôi, làm bánh dợm và làm cơm rượu nếp vào ngày này. Để làm cơm rượu nếp tốt nhất là nên dùng gạo nếp thơm (nếp cái hoa vàng) và nhất thiết phải xay chứ không sát ra như gạo bình thường.

 

Gạo xay nấu lên, sau đó đổ ra lia và dàn ra cho cơm nguội. Lấy những quả men rượu đã mua ở chợ về, cạo sạch lớp chấu trên bề mặt và giã nhỏ thành bột màu trắng.

Khi cơm đã nguội thì lấy rá, lót 01 lớp lá chuối tươi đã khía ở đáy để nước rượu chảy xuống. Cho từng lượt cơm vào rá, rồi rắc một lượt men lên, đan xen với nhau, rắc hết thì đậy kín miệng rá bằng lá chuối. Sau đó để rá cơm rượu lên 01 chiếc bát trong khoảng 2 ngày.

Khi ấy, men rượu sẽ ngấm vào cơm làm cho những hạt cơm căng mọng, hơi men kết hợp với cái nóng của cơm nếp đang ủ sẽ tạo ra những giọt rượu nguyên chất chảy xuống chiếc bát phía dưới rá.

 

Cơm rượu nếp để 2 ngày sẽ ngấu, dừ và ăn được. Khi ăn thì trộn đều với đường trắng (nước đường). Nước rượu nguyên chất (dung dịch rượu vữa có mùi thơm lừng) có thể chắt vào chai dành để uống như rượu bình thường. Món cơm rượu sẽ có hơi men, vị cay của rượu, vị ngọt của nước đường và cơm nếp.

 

Khi ăn, múc ra chén cả nước cả xác rượu (hoặc chỉ múc xác ra lá sen cho có hương thơm của sen), ăn vừa ngọt vừa cay như rượu nhẹ. Ăn cơm rượu nhiều có thể say (vì khi ăn có vị ngọt nên sẽ muốn ăn tiếp), thường sau khi ăn cơm rượu sẽ ăn một ít trái cây.

 

Nếu để quá lâu, món cơm rượu sẽ ngấm men và thành rượu rất cay. Khi ấy, họ có thể cho vào 01 chiếc bình, cho thêm trứng gà con so và đậy kín nắp chôn dưới lòng đất 100 ngày làm rượu bách nhật.

 

Vào sáng ngày mồng 5 tháng 5, mọi người thường tắm nước lá mùi cho sảng khoái, hái lá “mồng năm”, bôi vôi vào cổ… và một số tục như đeo bùa ngũ sắc hoặc bùa cho trẻ con để trừ tà ma, ngăn cản sâu bọ bệnh tật xâm nhập vào người.

Sau khi tắm và làm các thủ tục, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức món cơm rượu nếp đặc trưng, ăn hoa quả và chè đậu đen.

 

Theo laodong.com

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày