Thứ 7, 30/11/2024, 11:30[GMT+7]

Lạ miệng món nộm da trâu của người Thái

Thứ 3, 15/01/2019 | 10:01:14
1,798 lượt xem
Có dịp ghé thăm mảnh đất Sơn La, du khách đừng quên thưởng thức những món ẩm thực độc lạ của người dân địa phương, đặc biệt là nộm da trâu của đồng bào người Thái.

Đĩa nộm da trâu của người Thái ở Sơn La thể hiện nét đẹp tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực vùng Tây Bắc.

Mảnh đất Tây Bắc dễ níu chân du khách nhờ vẻ đẹp còn nguyên sơ, tình người nồng hậu, và hơn hết là nét ẩm thực độc đáo rất riêng của vùng cao. Nhờ sự sáng tạo cùng chút khéo léo của đôi tay người phụ nữ, từ nguyên liệu tưởng như rất đỗi bình thường nhưng vẫn tạo nên món ngon lạ miệng. Nộm da trâu của người Thái là một trong những món như vậy.

Lạ miệng món nộm da trâu của người Thái - Ảnh 1.

Da trâu sau khi nướng được cạo sạch lớp vỏ ngoài đen, tiếp tục luộc chín cho mềm.

Người Kinh ở miền xuôi thường lấy da trâu làm mặt trống, thì dân tộc Thái lại tạo ra đặc sản của riêng mình. Nộm da trâu không quá khó khăn khi chế biến, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Ngoài nguyên liệu chính là da trâu, người Thái sử dụng rất nhiều gia vị khác nhau, khiến món ăn đậm cả sắc lẫn vị, tạo ra trải nghiệm ấn tượng khi lần đầu thưởng thức.

Công đoạn để có một miếng da trâu chế biến thành món ăn rất lâu công. Người nấu bếp phải tỉ mỉ hơ da lên bếp lửa cho sạch phần lông dày cứng. Vỏ ngoài cứng, đen của da được cạo sạch, chỉ để lại phần vàng trong. Tiếp đó, da được luộc trong nước sôi cho sạch bẩn, hết lông và tạo độ mềm.

Lạ miệng món nộm da trâu của người Thái - Ảnh 2.

Chuẩn bị các nguyên liệu gia vị để trộn nộm.

Món ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái mỏng. Để thái được miếng da trâu cần nhiều công, từ dao thái bén ngọt, thớt gỗ nghiến dày. Miếng da to bản ban đầu dưới đôi tay khéo léo thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Mỗi miếng da lại có độ mỏng vừa phải, trong như hổ phách, giòn lật sật khi nhai, rất sướng miệng.

Gia vị cho món nộm được người Thái dùng rất nhiều, tạo nên nét đặc trưng không đâu có được. Ngoài những thứ thường thấy từ lạc, ớt, rau mùi, gừng, không thể thiếu mắc khén tạo nên độ cay nồng. 

Người Thái không dùng dấm hay chanh tạo độ chua cho món nộm, thay vào đó là nước măng chua. Thứ nước ngâm măng tưởng chừng chẳng tác dụng gì, lại khiến da trâu mềm mượt hơn, nhưng vẫn giữ độ giòn lật sật, hòa quyện cùng các gia vị khác giúp giải ngấy.

Đĩa nộm như một bản tổng hòa của vị chua dịu thanh mát từ nước măng chua với cái giòn dai từ da trâu, bùi ngậy của lạc quyện trong hương rau thơm tươi mát với chút cay tê của mắc khén. Chẳng ai ngờ được, từ miếng da trâu cứng đanh lại biến hóa thành món ngon đặc sản hấp dẫn tới vậy.

Thực khách một lần đến với Sơn La thưởng thức nộm da trâu, nhấp cùng li rượu cay nồng do chính người bản địa tự nấu, mới thấy hết được những nét tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực vùng Tây Bắc.

Theo dantri.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày