Thứ 6, 29/11/2024, 22:34[GMT+7]

Theo hương ổi chín tìm về làng Bo

Thứ 2, 15/07/2019 | 08:49:30
12,810 lượt xem
Cùng với bánh cáy làng Nguyễn, ổi Bo từ lâu đã trở thành sản vật nức tiếng của Thái Bình, được nhắc đến trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất, con người quê lúa.

Người làng Bo vẫn luôn tự hào khẳng định, ổi thì ở miền quê nào cũng có, nhưng ổi Bo Thái Bình không bị hòa trộn với bất cứ loại ổi nào bởi dường như nó đã hội tụ những gì tinh túy nhất của đất trời, con người nơi đây. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo ắt hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm, ngọt đậm, cùi dày, giòn, ít hạt. 

Theo lời kể của những người dân nơi đây, làng Bo nằm dọc hai bờ sông Trà Lý, cạnh hai đầu cầu Bo, một bên cầu nay là phần đất thuộc phường Lê Hồng Phong, bên kia là phường Hoàng Diệu thuộc thành phố Thái Bình. Mấy chục năm về trước, nơi đây là xã nông nghiệp, mỗi hộ gia đình có một cơ ngơi rộng rãi với những mảnh vườn cây xum xuê trái và những khu ruộng trồng rau, hoa màu mỡ. Cây ổi Bo trồng ở đây hợp đất, phát triển rất tốt, ra nhiều quả và hương vị thơm ngon. 

Anh Hà Văn Thuần, tổ 27, phường Hoàng Diệu cho biết: Ngày xưa, cả làng trồng ổi, nhà tôi cũng có mấy sào, chúng tôi lớn lên nhờ những quả ổi Bo. Tiền bán một vụ ổi đủ để đong thóc nuôi 7 miệng ăn trong một năm. Ngày ấy, bố tôi là một trong những người trồng nhiều ổi Bo ở làng. Cây ổi Bo không khó trồng, nhưng để được quả sai, ngon, ngọt đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Khi ổi lên cao khoảng ngang đầu người, bố tôi dùng cọc chôn quanh gốc cây, rồi lấy dây buộc níu cành ổi để cây không vươn cao, tiện công chăm sóc, thu hoạch. Ổi Bo có 3 loại với 3 hình dáng quả khác nhau: tròn đều như quả cam, thon thon như quả hồng và dài quả giống trái lê. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu - tức là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo, với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7, tháng 8  hàng năm thì không giống ổi ở đâu sánh bằng. Bởi cũng là giống ổi Bo được ươm trồng ở đất Thái Bình, nhưng khi mang đi trồng ở tỉnh khác thì hương vị và chất lượng lại thay đổi hoàn toàn.

Anh Thuần chia sẻ thêm: Ngày trước bố tôi có dặn, khi hái ổi phải hái bằng lèo không được trèo lên cây hay víu cành ổi có như vậy ổi mới không bị chua. Những người sành ăn ổi thường ăn cả vỏ và cắn cả quả chứ không dùng dao cắt. Vì kim loại, nhất là rỉ sắt sẽ làm cho vị ổi chát hơn. Khi mới cắn quả ổi thấy có vị hơi chát và chua dịu, nhưng sau đó là vị ngọt rất đậm thấm ở trong miệng và cuống họng. Và đặc biệt khi ăn miếng ổi xong, cái vị thơm rất đặc trưng mà chỉ ổi Bo mới có còn lưu lại trên miệng, trên lưỡi rất lâu. Vị ngọt và vị thơm đó khiến những ai đã được ăn ổi Bo một lần sẽ nhớ mãi và nhận biết được sự khác biệt giữa ổi Bo và các giống ổi khác, nhất là với ổi lai hiện nay. Ổi Bo ăn khi đói cũng không bị cồn ruột như các giống ổi khác.

Ảnh minh họa.

Những câu chuyện về xuất xứ giống ổi Bo có rất nhiều, ngay cả những người cao tuổi như cụ Phạm Bá Tâng (83 tuổi), tổ 18, phường Hoàng Diệu cũng không biết rõ. Cụ Tâng kể, khi cụ còn nhỏ, các khu vườn trong làng trồng toàn ổi Bo. Hồi đó, ổi Bo sai trái và to lắm, hương vị rất thơm ngon. Vườn nhà cụ Tâng hiện còn 4 cây ổi Bo giống quả dài như quả lê. Cụ Tâng cũng là một trong số ít người ở làng còn đau đáu với ổi Bo: “Ổi Bo đặc sản quê nhà. Nếu không đánh thức, tức thì ngủ quên”. Cụ tâm niệm, phải giữ lại chút hồn quê cho con, cho cháu, cho cả những người đi xa. 

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc ươm giống, cụ Tâng chia sẻ: Muốn lấy được giống tốt phải gieo hạt vào thời điểm mưa nhiều trong năm (khoảng tháng 7, tháng 8). Cây được chọn để lấy giống phải là cây mới bói, chọn quả to, đẹp ở cành ngồng để cho thật chín, ruột ổi nhũn ra, đãi lấy hột. Luống đất để gieo cây phải để thật khô, đất thật nhỏ mịn. Gieo hạt vào cái thúng, chậu và giữ độ ẩm liên tục cho hạt giống. Khi cây lên được khoảng gang tay đánh ra trồng trên luống, cây cao khoảng 50cm mới đưa ra trồng. Từ khi gieo hạt đến khi được thu hoạch trái ổi đầu mùa phải mất tới ba năm và rất nhiều công chăm bón... 

Những năm 70 của thế kỷ XX là thời kỳ phát triển của cây ổi Bo nhưng đến nay, số hộ còn trồng ổi Bo trong phường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn mua được những quả ổi Bo chính hiệu tại đất Thái Bình thì không dễ chút nào, thậm chí, có về tận đất làng Bo cũng khó mà mua được ổi Bo gốc. Vì vậy, những hàng quán bày bán ổi được quảng cáo là ổi Bo khu vực cầu Tân Đệ hoặc quãng đường chạy qua phường Hoàng Diệu chỉ là “gắn mác” ổi Bo. 

Theo cụ Tâng, ngoài nguyên nhân quỹ đất giảm, sâu bệnh, đặc biệt là ruồi vàng phát triển mạnh những năm gần đây, chích vào quả khiến cho năng suất, chất lượng giảm đi rõ rệt. Nếu như những giống ổi lai khác, cây thấp, quả ra đến đâu được bọc túi bóng để tránh sâu bệnh hại thì cây ổi Bo tán ít, cành cao, muốn bảo vệ quả chỉ có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với tần suất dày đặc. Cùng với đó, ổi Bo cho thu hoạch 1 vụ/năm, trong khi các giống ổi khác, đặc biệt là ổi lai có khi cho thu hoạch quanh năm vì thế người dân chuyển đổi sang giống ổi khác hoặc cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Diện tích trồng ổ̉i Bo của gia đình ông Phạm Đình Đông, tổ 24, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Ông Trương Văn Luyến, Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu cho biết: Hiện nay, ổi Bo còn được trồng rất ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Những gia đình còn trồng nhiều ổi Bo ở vùng này có hộ ông Phạm Đình Đông, tổ 24; Phạm Văn Lượng, Hà Văn Thuần, tổ 27; ông Phạm Bá Tâng, tổ 18. Đây đều là những hộ còn xót xa không muốn mất giống ổi truyền thống. Mặc dù đã có dự án khôi phục, phát triển giống ổi này nhưng vì nhiều nguyên nhân nên việc thực hiện không khả thi.

Ngân Huyền


(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày