Thứ 2, 25/11/2024, 05:58[GMT+7]

UNWTO: Lệnh hạn chế đi lại vẫn là thách thức với du lịch quốc tế

Thứ 2, 08/03/2021 | 18:31:10
2,002 lượt xem
Theo dữ liệu mới nhất do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố ngày 8//3, tính tới đầu tháng 2/2021, một phần ba số điểm đến trên thế giới hiện vẫn đóng cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế. Việc xuất hiện nhiều biến thể mới của Covid-19 đã khiến nhiều chính phủ đảo ngược các nỗ lực nới lỏng hạn chế đi lại, đặc biệt ở các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Báo cáo Hạn chế đi lại lần thứ 9 của UNWTO đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về các quy định hạn chế đi lại và du lịch đang được áp dụng tại 217 điểm đến trên toàn thế giới hiện nay. Trong khi bản báo cáo thứ 8 cho thấy, đã có xu hướng nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, bản báo cáo mới nhất này cho thấy tình hình dịch bệnh hiện tại đã khiến nhiều chính phủ thông qua biện pháp thận trọng hơn.

Tính đến ngày 1/2/2021, 32% điểm đến trên toàn thế giới (69 điểm đến) đóng cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế. Trong đó, hơn một nửa số điểm đến (38 điểm đến) đã và đang đóng cửa với du lịch quốc tế ít nhất 40 tuần. 34% số điểm đến trên toàn thế giới hiện đang đóng cửa một phần với du khách quốc tế. Chỉ có năm điểm đến, chiếm 2% tổng số điểm đến toàn thế giới, dỡ bỏ tất cả các lệnh hạn chế đi lại liên quan tới Covid-19.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Polilikashvili nói: “Các lệnh hạn chế đi lại đã được áp dụng rộng rãi để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Hiện, khi chúng ta thực hiện việc khởi động lại du lịch, chúng ta phải nhận thức rằng các lệnh hạn chế chỉ là một phần của giải pháp này. Việc sử dụng các lệnh này phải được dựa trên những dữ liệu và phân tích mới nhất và được xem xét một cách tổng thể để cho phép việc khởi động lại du lịch một cách an toàn và có trách nhiệm. Du lịch, một lĩnh vực vốn có hàng triệu doanh nghiệp và việc làm phụ thuộc”.

Khác biệt rõ ràng giữa các khu vực

Bản báo cáo Hạn chế đi lại thứ 9 của UNWTO cho thấy rằng, vẫn có sự khác biệt rõ ràng trong việc áp dụng các quy định hạn chế đi lại giữa các khu vực. Trong số 69 điểm đến vẫn đóng cửa biên giới hoàn toàn với khách du lịch, có 30 điểm đến ở châu Á và Thái Bình Dương, 15 điểm đến ở châu Âu, 11 điểm ở châu Phi, 10 điểm ở châu Mỹ và ba điểm ở Trung Đông.

Trong số 73 điểm đến đóng cửa một phần với khách du lịch quốc tế, có 29 điểm đến tại châu Âu, 21 điểm đến tại châu Phi, 10 điểm đến ở châu Á và Thái Bình Dương, sáu điểm đến ở châu Mỹ và bảy điểm đến ở Trung Đông.

Thêm vào đó, nhiều chính phủ tiếp tục khuyến cáo công dân tránh các chuyến đi nước ngoài không cần thiết, đặc biệt ở những thị trường nguồn du lịch hàng đầu vốn tạo ra ra 44% tổng lượng khách quốc tế trong năm 2018.

Đồng thời, khảo sát của UNWTO cũng chỉ ra xu hướng áp dụng cách tiếp cận thiên về dựa trên sắc thái, bằng chứng và rủi ro để thực hiện các quy định hạn chế đi lại. Ngày càng có nhiều điểm đến trên toàn thế giới yêu cầu khách du lịch quốc tế khi đến nơi phải xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính theo phương pháp PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên và cung cấp chi tiết thông tin liên lạc cho mục đích truy vết.

Thực tế, 32% số điểm đến trên toàn thế giới hiện yêu cầu khách quốc tế xuất trình xét nghiệm Covid-19 và thường kết hợp với việc cách ly. Đồng thời, có một số lượng tương tự điểm đến coi việc xét nghiệm Covid-19 là biện pháp phòng dịch thứ cấp.

Trong khi UNWTO kêu gọi nỗ lực khởi động lại ngành du lịch, bản báo cáo cũng lưu ý cách các chính phủ đưa ra lời khuyên khác nhau đối với công dân của họ. Tổ chức này lưu ý rằng, lời khuyên của các chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi động lại và phục hồi du lịch trong những tuần tới và nhiều tháng tới.

UNWTO nhận định, nhìn chung, sự phát triển của việc áp dụng các quy định hạn chế đi lại đối với du lịch quốc tế vẫn không chắc chắn, thay đổi nhanh chóng.

UNWTO cũng kỳ vọng, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ tạo thuận lợi cho việc mở cửa lại biên giới có trách nhiệm cho du lịch quốc tế, dù sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 vẫn là nhân tố bất định với việc mở cửa lại biên giới.

Theo nhandan.com.vn