Chủ nhật, 04/08/2024, 17:14[GMT+7]

Ngược miền cổ tích

Thứ 6, 23/11/2012 | 15:30:07
1,181 lượt xem
Những người đã từng lên Ý Tý truyền kinh nghiệm lại rằng: Lên Ý Tý là phải đi qua những dốc “gió”, đèo “sương” đấy! Càng làm cho chúng tôi, những người trong tim luôn chảy dòng máu “khám phá miền đất lạ” khao khát đến đây biết nhường nào.

“Dốc A Lù, sương mù Ý Tý”

 

Để chạm chân vào đất Ý Tý, chúng tôi đã phải mất gần nửa ngày chinh phục những cung đường chênh vênh bên mép núi, lúc thì qua những ngầm nước sâu khá nguy hiểm. Chả thế mà, lên Ý Tý vào mùa mưa sợ nhất là phải qua mấy ngầm này, có những năm, lũ từ thượng nguồn đổ về bất ngờ làm trôi cả chiếc ô tô chở khách khi đi qua ngầm.

 

Sau 4 tiếng đồng hồ đánh vật với đoạn đường khổ ải, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm… Xe bắt đầu đến đoạn lên cao hơn, vòng vèo hơn và cũng nhiều rừng hơn. Mọi người bảo đó là rừng già Dền Sáng! Thêm đoạn nữa, chúng tôi đi giữa rừng thật. Đúng là cả đoạn đường dài, lên tới đây mới thấy khu rừng còn nguyên sinh, dưới những tán cây to và cao ấy là những vạt thảo quả đang xanh mướt. Vào sâu hơn giữa rừng già, sương mù dày đặc nên những cánh rừng cổ thụ cứ ẩn hiện trong bảng lảng khói sương... Chúng tôi cứ “mò mẫm” đi trong mưa sương mù mịt như thế.

 

Ngày trước, người Bát Xát còn vè vui rằng “Bao giờ Ý Tý có kem/ Có đường xe chạy thì em lấy chồng...”. Bởi trước đây, để lên được Ý Tý phải đi bộ mất cả ngày đường, có khi đi đến Dền Sáng đã tối mò, phải nghỉ đêm lại đến hôm sau mới đi tiếp để lên Ý Tý, nên ước mơ có một con đường có một tuyến xe khách lên Ý Tý, ngày ấy quả là xa vời. Từ khi tuyến đường này thông suốt, mỗi ngày lại có những chuyến xe khách từ Lào Cai lên đây, cũng là một điều kỳ diệu với người dân vùng cao Ý Tý... Thế nhưng, vượt qua được cung đường này bằng xe máy cũng là một sự mê đắm, nặng lòng lắm với xứ sở mù sương này.

 

Tuyến đường vòng cung đến Ý Tý được ví như “Con đường Hạnh phúc” ở Hà Giang, bởi theo tuyến đường này, nhiều người lên Ý Tý thường sẽ đi qua Bản Xèo, Mường Hum, rừng già Dền Sáng để đến Ý Tý. Sau đó vòng theo con đường vành đai biên giới, xuôi cùng “con sông Hồng chảy vào đất Việt” qua các xã biên giới Ngải Thầu, A Lù, A Mú Sung để trở về Bát Xát... Thế nên, nhiều người sau khi nếm trải những gập ghềnh của huyền thoại “Dốc A Lù, sương mù Ý Tý” mới thực sự chinh phục được miền đất gian khó nhưng ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu...

 

Giai thoại miền rừng

 

 

Ði trong rừng nguyên sinh chúng tôi như lạc vào một không gian khác hẳn, tĩnh lặng, hoang sơ và bí ẩn. Những cây cổ thụ vút lên từ khe sâu, cheo leo trên những vách đá, thân xù xì ẩm mốc. Chỉ nghe thấy tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng lá rừng xạc xào… Cái yên ả ở Ý Tý, cùng với hơi lạnh se se thật dễ chịu, như một thứ thần dược kỳ diệu gột rửa đi bao mệt mỏi, khiến cho những ai đã một lần đặt chân đến chốn này đều ngỡ như mình được ngược lên miền cổ tích.

 

Anh bạn đi cùng vui tính thì kể lại câu chuyện mà tôi cũng đã từng nghe cổ tích về “nấm mồ lá” của hai cô gái khi chúng tôi xuyên qua khu rừng già Dền Sáng. Trước đây, đường lên Ý Tý chỉ là con đường mòn, chưa có tuyến đường, tuyến xe đi lên đây. Thế nên, lên Ý Tý là phải leo bộ... trước năm 2000, những cán bộ ngày trước đi công tác, từ Mường Hum đi lên Ý Tý chừng 40 cây số thì đi từ sáng đến tối mới đến nơi. Qua khu rừng già toàn dốc, trơn trượt, có lúc phải đi bằng “bốn chân”... Ngày đó, mỗi con ngựa thồ hàng từ Mường Hum lên Ý Tý, chủ hàng tính bằng kilogam để thu tiền, với giá 1.000 đồng/kg, bất kể là hàng gì.

 

Câu chuyện về nấm mồ bên đường được kể lại rằng, ngày trước có hai người con gái đi qua đoạn đường này do phải vượt qua đoạn đường dài khổ ải vất vả, nên không đủ sức đi hết con đường đã bị chết ở đây và được người dân chôn ngay bên vệ đường. Thế rồi, ai ai, khi đi qua khu rừng già này cũng đều bẻ hay ngắt một cành lá đắp lên ngôi mộ ấy, rồi mới đi qua... Câu chuyện về “nấm mồ lá” kết thúc cũng là lúc chúng tôi ra khỏi khu rừng già và chạm vào đất Ý Tý, một con đường phẳng lỳ dẫn đến tận trung tâm xã.

 

Chênh vênh “miền cổ tích”

 

Điều kỳ diệu đã làm nên một miền cổ tích Ý Tý với mỗi con đường, mỗi bản làng và cả những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây. Cao nguyên Phìn Hồ trên độ cao hơn 2.000 mét là một khu rừng nguyên sinh, mùa này đang nở rực hoa đỗ quyên đỏ hồng, hoa sơn tra trắng muốt cả một vạt rừng. Ở độ cao này nhìn xuống thung lũng Ý Tý, bên những mép núi, trong sương mờ, chúng tôi vẫn kịp nhìn ra những ngôi nhà tường trình đất vuông vức, một lối kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc của người Hà Nhì. Những bờ rào đá rêu mốc như tô vẽ thêm vẻ trầm mặc của vùng cao luôn chìm trong giá rét, sương mù này...

 

Lạ nhất là những chồng củi đun được xếp ngăn nắp bên những ngôi nhà tường trình đất ấy, cao chất ngất, tới tận mái nhà. Khi đứng ở trụ sở UBND xã, tôi thấy những người phụ nữ cứ cần mẫn đi bộ từng hàng dài, trên lưng nặng trĩu những gùi củi... Nhìn khung cảnh đó đến là mê hồn thật, lãng đãng trong mưa sương là những con người, cảnh vật mang đậm nét Ý Tý, hoang sơ nhưng chứa đầy bản sắc. Cũng đã nghe nhiều về chuyện thiếu nữ Hà Nhì cần cù chịu khó hay không là nhìn vào những khối củi đun xếp quanh nhà của họ. Đó cũng là một phần trong thước đo phẩm hạnh của con gái Hà Nhì, để cho các chàng trai tìm hiểu và kén chọn…

 

Những câu chuyện ở Ý Tý còn dài lắm, những nghi lễ Tết Khu già già (ăn thề bảo vệ rừng), tục chùm chăn hỏi vợ và bao nhiêu điều kỳ bí về mảnh đất con người… chênh vênh bên đỉnh núi Nhìu Cồ San. Chia tay Ý Tý, dọc đường về, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì ngồi trên tảng đá ven đường cặm cụi thêu từng mảnh vải lặng lẽ và bình yên “dường như nếu núi kia có mòn hết, thì họ vẫn ngồi đó, thêu những tấm thổ cẩm cho cả đất trời…”

Theo langvietonline.vn

 

  • Từ khóa