Thứ 3, 06/08/2024, 11:19[GMT+7]

Côn Đảo - Bình yên và quyến rũ

Thứ 5, 07/02/2013 | 08:20:52
1,484 lượt xem
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ sau nửa giờ bay, chiếc Bombardier của hãng hàng không Air Mekong đã nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống. Trước mắt tôi, Côn Đảo hiện ra với sắc xanh điệp trùng của núi rừng, biển cả, thiên nhiên bao la, hùng vĩ.

Lịch sử bi hùng
Nằm ngoài khơi, về phía Đông Nam của đất nước, Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 76,7 km2. Nơi đây, trong suốt 113 năm thống trị (1862 – 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Chúng đã biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian”. Nhưng cũng chính tại mảnh đất này, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Côn Đảo trở thành “bản cáo trạng sống” kết án chính sách xâm lược của thực dân và đế quốc, nhận được sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Phòng trưng bày lưu niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu

Đến Côn Đảo hôm nay, ghé thăm chứng tích Chuồng Cọp, Chuồng Bò…, nghe kể lại những câu chuyện lịch sử không khỏi rùng mình ghê sợ trước tội ác của chiến tranh, nghiêng mình cảm phục trước một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nghĩa trang Hàng Dương

Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống bình yên đã trở lại, Côn Đảo là một di tích lịch sử, một trường học cách mạng lớn, nơi mọi người tìm đến để nhớ lại một thời hào hùng, để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trên mảnh đất này, không ai, không điều gì được phép lãng quên!

Tiềm năng du lịch to lớn
Cùng với hệ thống các di tích lịch sử, Côn Đảo hội tụ mọi điều kiện để trở thành một thiên đường du lịch.

Bến tàu du lịch

Ở vị trí cận xích đạo, Côn Đảo nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Xung quanh bốn bề là biển nên khí hậu ôn hòa so với đất liền. Nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 26oC.

Côn Đảo có rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi hội tụ của các loài động vật, thực vật quý hiếm. Vườn Quốc gia Côn Đảo bao gồm 14 hòn đảo, chiếm 83% diện tích tự nhiên của toàn quần đảo (khoảng 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước). Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loại sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo còn là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển… Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong 6 vườn quốc gia ở Việt Nam có cả hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển.

Di tích Chuồng Cọp

Hiện nay, Côn Đảo là huyện có chính quyền một cấp, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dân số toàn huyện chỉ có gần 7.000 người, sinh sống tập trung tại 10 khu dân cư của Thị trấn Côn Sơn. Người dân Côn Đảo hiền hòa, thân thiện, hiếu khách. Ở huyện biển này, phần lớn cái gì cũng chỉ có một: một chợ, một cây xăng, một cột đèn tín hiệu giao thông, một trường mẫu giáo, một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông mang tên người nữ anh hùng Võ Thị Sáu… Côn Đảo hiện là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam, được nhiều du khách đánh giá là điểm đến lý tưởng của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên, lịch sử.

Vân Sơn Tự

Từ “địa ngục trần gian” năm xưa, ngày nay Côn Đảo đã và đang phấn đấu để trở thành “thiên đường du lịch” với khí hậu trong lành, bãi cát dài phẳng mịn, những bãi tắm tuyệt đẹp, làn nước trong xanh, mát lành… Bên cạnh đó, Côn Đảo còn hấp dẫn du khách với những món đặc sản như mứt hạt bàng, mắm hàu, ốc vú nàng. Ốc vú nàng có thể luộc, nướng hoặc làm món trộn, gỏi. Món ăn này giòn giòn, ngọt ngọt, không quá béo như thịt, không quá dai như sò, ngao... Sức hấp dẫn của ốc vú nàng lớn đến nỗi người ta lúc nào cũng ngóng chờ:
“Ai qua đất Thắm, bãi Bàn
Hỏi thăm Ông Đụng, vú nàng lớn chưa”.

Có thể nói, hiếm có nơi nào được như Côn Đảo, khi mà các yếu tố lịch sử, xã hội và thiên nhiên quyện hòa, gắn kết chặt chẽ với nhau, mang lại cho vùng đất này một sức hấp dẫn đến lạ kỳ.

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa