Thứ 6, 27/12/2024, 13:37[GMT+7]

Nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch

Thứ 4, 13/07/2022 | 06:40:52
1,917 lượt xem
Trong thời điểm hoạt động du lịch đang dần khởi sắc, cùng với các địa phương trên cả nước, du lịch Thái Bình đã có bước phục hồi tích cực, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Để thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh... xây dựng sản phẩm du lịch Thái Bình có thương hiệu và tính cạnh tranh cao”, nhiều giải pháp đang được triển khai.

Nỗ lực thu hút du khách, các điểm đến đều đã đầu tư đa dạng loại hình dịch vụ. Trong ảnh: Du khách đến với khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy).

Tín hiệu phục hồi tích cực

Để kích cầu du lịch và vực dậy ngành “công nghiệp không khói”, thời gian qua các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các kế hoạch, giải pháp về phục hồi và phát triển ngành du lịch, bảo đảm an toàn, linh hoạt, thích ứng với đại dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh đã có nhiều tiến triển, số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch tiếp tục tăng. 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch có sự gia tăng trở lại ở các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, khu, điểm du lịch; tổng lượng khách ước đạt 395.044 lượt (tăng 73% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa; doanh thu ước đạt 265,2 tỷ đồng (tăng 160% so với cùng kỳ); thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch vừa qua, trong đợt 30/4 - 1/5/2022, số lượng khách du lịch ước đạt 82.500 lượt, tăng từ 100 - 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Đối với loại hình du lịch tâm linh, toàn tỉnh hiện có 2.969 thiết chế văn hóa cổ, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 123 di tích cấp quốc gia, 581 di tích cấp tỉnh. Đối với du lịch cộng đồng, trải nghiệm, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số hộ dân bắt đầu khai thác loại hình này như các vườn trồng cây ăn trái, trang trại kết hợp nông nghiệp, làng vườn cây cảnh...

Chia sẻ về hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để các đơn vị du lịch, lữ hành trong toàn tỉnh nói chung và các khu du lịch đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm du lịch đặc sắc của mình tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi tăng cường xúc tiến quảng bá, truyền thông đến khách du lịch nội địa và các doanh nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo cho lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá để du khách tiếp cận các điểm du lịch một cách nhanh nhất. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh và xã Bách Thuận (Vũ Thư) đang tích cực phối hợp với Tổ chức Car Free Day của Nhật Bản khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Xã Bách Thuận sở hữu nhiều vườn cây cảnh độc đáo và đã chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh từ năm 2002. Từ ngày 29/4 - 3/5/2022, xã Bách Thuận đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại làng vườn trong thời gian tới.

Du khách tham quan, trải nghiệm cầu tre xuyên rừng ngập mặn tại khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy).

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với quyết tâm phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, không chỉ cung cấp lương thực cho tiêu dùng, xuất khẩu mà còn là nền tảng để khai thác và phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ là một hướng đi mới để người nông dân có cơ hội sử dụng mảnh đất của mình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cũng như quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ nói chung, những nét văn hóa riêng có của Thái Bình nói riêng đến du khách.

Bà Tăng Ngọc Mai, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Đối với Thái Bình, tận dụng lợi thế sẵn có về nông nghiệp để phát triển du lịch, phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Thái Bình và các tỉnh phụ cận... Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, việc “bắt tay” giữa hai ngành du lịch và nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tú Anh