Thứ 6, 22/11/2024, 22:55[GMT+7]

Viện trợ hơn 55,4 tỷ đồng để chấm dứt du lịch cưỡi voi

Thứ 3, 15/11/2022 | 07:41:04
1,924 lượt xem
Khoản viện trợ này từ Tổ chức Động vật châu Á (AAF) sẽ được trao cho tỉnh Đắk Lắk. Dự án vừa được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2026.

Ảnh minh họa.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk. Địa điểm tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.

Hiện đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk còn 37 cá thể, là số lượng lớn nhất cả nước. Đàn voi hoang dã có khoảng 80 - 100 cá thể. Số lượng đàn voi đã giảm 90% so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi, sinh sản khó khăn, gây khó cho công tác bảo tồn.

Cưỡi voi từ lâu đã được coi là một trong những dịch vụ hút khách, gắn liền với du lịch Tây Nguyên. Thậm chí trong suy nghĩ của không ít khách du lịch ""Chưa cưỡi voi thì coi như chưa đặt chân đến Tây Nguyên".

Thế nhưng, đằng sau niềm vui và sự thích thú của du khách, là sự đánh đổi tự do, sức khỏe và thậm chí có trường hợp là cả tính mạng của nhiều chú voi nữa.

Nhiều du khách phản ánh là thấy những chú voi phục vụ du lịch đến kiệt cả sức, không béo lên nổi. Thậm chí có những chú voi bị thương, xây xát khắp người nhưng ngày ngày vẫn cần mẫn phục vụ chở du khách trên lưng.

Vậy chuyển đổi sang du lịch thân thiện với những chú voi sẽ là như thế nào, để vừa bảo tồn được đàn voi, lại vừa phát huy được thế mạnh về biểu tượng du lịch của khu vực này?

Niềm vui của khách du lịch được đánh đổi bằng tự do của biểu tượng sức mạnh đại ngàn. Bắt đầu từ những năm 90, dịch vụ cưỡi voi là một trải nghiệm đặc trưng của nhiều khu du lịch ở Tây Nguyên.

Cách đó chỉ vài cây số là những chú voi nhà tự do trong thiên nhiên, dù chúng cũng đang làm du lịch. Những con voi tham gia mô hình này được tự do đi lại, tự do lựa chọn đồ ăn và tự do kết bạn. Đó là những phúc lợi của voi - yếu tố mà mô hình du lịch thân thiện đặt lên hàng đầu.

Các chủ voi thường chọn đặt những cái tên rất kêu. Y'Khun có nghĩa là chàng trai mạnh mẽ, Bun Khăm là cô gái vàng. Nhưng để voi có một cuộc sống đẹp như những cái tên ấy thì cần nhiều hơn tình yêu thương từ chủ voi và từ chính những du khách.

Sự nghỉ ngơi của những chú voi ở Bản Đôn sẽ đánh dấu bước dịch chuyển của ngành du lịch Việt Nam, khi các mô hình du lịch thân thiện có thể áp dụng rộng rãi trên thực tế. Với những mô hình này, khách tham quan không làm ảnh hưởng tới tự nhiên, môi trường mà còn có thể nâng cao hiểu biết, góp sức trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Thay đổi một mô hình du lịch đặc trưng còn là thay đổi trong tư duy của khách và của chính những người làm du lịch.

Theo vtv.vn