Thứ 6, 29/03/2024, 00:23[GMT+7]

Du lịch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Chủ nhật, 18/12/2022 | 20:40:29
1,429 lượt xem
Hoạt động du lịch muốn phát triển cần có sản phẩm đặc trưng, trong khi sản phẩm OCOP muốn vươn xa thì phải gắn kết với du lịch. Với thế mạnh là ngành dịch vụ tổng hợp, thời gian qua, hoạt động du lịch đã từng bước kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Quầy trưng bày sản phẩm.

Thổi hồn vào sản phẩm OCOP

Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thái Bình, khu du lịch sinh thái Cồn Đen, xã Thái Đô (Thái Thụy) thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp cuối tuần và ngày lễ, tết. Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP đến với du khách, khu du lịch đã triển khai gian trưng bày sản phẩm OCOP mang tên “Cồn Đen - hành trình cùng OCOP”. Gian hàng có nhân viên túc trực để giới thiệu về các sản phẩm với du khách tham quan, mua sắm. Sau thời gian triển khai, các sản phẩm OCOP tại đây đã góp phần tạo nên điểm nhấn đặc biệt của khu du lịch sinh thái Cồn Đen, đồng thời góp phần giải bài toán tìm mua những đặc sản của địa phương về làm quà của du khách. Các sản phẩm có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý đã tạo nên sự an tâm và tin tưởng cho du khách.

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Phú, đơn vị quản lý khu du lịch sinh thái Cồn Đen chia sẻ: Hiện nay Công ty Minh Phú có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP là nước mắm Minh Phú Diêm Điền, ngao, don sạch Cồn Đen. Là chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, hiểu được trăn trở, mong muốn quảng bá sản phẩm của mình đến với ngày càng nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước, Công ty đã triển khai gian trưng bày sản phẩm OCOP. Đây là nơi quy tụ các sản phẩm OCOP của Thái Bình và một số tỉnh lân cận. Thuận lợi là nhiều đơn vị đã tin tưởng gửi gắm sản phẩm tại đây. Tuy nhiên, khó khăn là với đa dạng các loại sản phẩm, việc “thổi hồn” vào quá trình giới thiệu sản phẩm tới du khách của đội ngũ nhân viên đôi khi còn hạn chế. Mong rằng, các chủ thể OCOP sẽ có sự hỗ trợ nhiều hơn để đội ngũ nhân viên tại khu du lịch có thêm nhiều hiểu biết về sản phẩm cũng như quá trình tạo nên sản phẩm, sự kỳ công từ đôi bàn tay, khối óc của người thợ, ý nghĩa, giá trị của sản phẩm... Để từ đó mỗi sản phẩm OCOP khi được giới thiệu tới du khách sẽ mang những câu chuyện ấn tượng và đặc trưng riêng.

Tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình đánh giá cao việc giới thiệu đa dạng các loại sản phẩm tại đây. Bà Thanh cho biết: Làm du lịch phải có sự liên kết giữa sản phẩm về du lịch với sản phẩm OCOP. Chắc chắn, với sự kết nối của các hiệp hội trong cụm hiệp hội du lịch phía Bắc và nhất là Thái Bình, Ninh Bình thì sản phẩm OCOP của Thái Bình sẽ vào thị trường của Ninh Bình và ngược lại. Sau dịch Covid-19, các hiệp hội du lịch khu vực phía Bắc đang dần trao đổi các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP để tăng thêm chất lượng, sự phong phú của các mặt hàng, chương trình tour, từ đó tạo nên nhiều trải nghiệm và ấn tượng cho du khách.

Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm đồ khô tại gian trưng bày sản phẩm OCOP thuôc khu du lịch sinh thái Cồn Đen.

Cùng phát triển

Tỉnh Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP, trong đó 32 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục đăng ký 42 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Thời gian qua, hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Thông qua các hội nghị giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch hàng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã ký kết hợp tác giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm OCOP vào các chương trình tour, qua đó đến gần hơn với du khách trên mọi miền đất nước.

Chị Nguyễn Lan Anh, Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Theo tìm hiểu, có khoảng 65% sản phẩm OCOP tại Thái Bình do hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề hoặc do các hợp tác xã sản xuất ra. Các chủ thể OCOP này có điểm mạnh là làng nghề truyền thống hoặc bí quyết gia truyền nhưng có điểm yếu trong khâu phân phối, phát triển thương hiệu. Vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP ra đời bằng kinh nghiệm và tâm huyết của người sản xuất nhưng chưa được nhiều du khách biết đến. Trong khi đó, công ty du lịch với đặc thù thường xuyên nắm bắt nhu cầu thay đổi từng ngày của du khách nên dễ dàng tìm ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhóm khách hàng của mình, thậm chí có thể định hướng nhu cầu của khách hàng theo chương trình tour. Ngoài ra, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến cho nhu cầu đi du lịch gắn với thiên nhiên tăng cao đột biến. Đây là thời điểm thuận lợi để các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm, học hỏi và mua sắm các sản phẩm đặc trưng đó mang về làm quà và tiếp tục mua lại sau khi đã hiểu rõ về sản phẩm. Với vai trò cầu nối giữa du khách và các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiến hành khảo sát, định hướng phát triển cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trở thành điểm đến du lịch. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và chủ thể OCOP.

Như vậy, sản phẩm OCOP, hoạt động du lịch còn nhiều dư địa để phát triển. Mong rằng từ sự kết hợp này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.


Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày