Thứ 6, 29/03/2024, 01:13[GMT+7]

Thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng

Thứ 4, 10/05/2023 | 19:04:48
1,516 lượt xem
Từ nay đến cuối năm 2023, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm cuối năm.

Đây là đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại buổi làm việc với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về tình hình hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2023, kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 và các đề xuất đẩy nhanh phục hồi thị trường khách quốc tế diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 4 tháng đầu năm du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu tăng trưởng tích cực ở cả số lượng khách quốc tế và trong nước.

Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam đang tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10% đến 25%. Tốp đầu còn có các quốc gia: Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Mỹ, Pháp, Canada, Hà Lan, Philippines.

Chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới. Các quốc gia khác trong khu vực xếp sau khá xa: Thái Lan (24), Singapore (33), Indonesia (44), Malaysia (45).

Các thị trường nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Australia, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc.

Dựa trên các phân tích dự báo, ông Khánh cho hay, trong số các thị trường hàng đầu, Hàn Quốc vẫn sẽ là thị trường gửi khách lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Tổng cục Du lịch hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2024, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Khánh thông tin, hiện Trung Quốc đang ở vị trí thứ 3, nhưng trong những tháng tới sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn các thị trường khác. Nguyên nhân là do Trung Quốc vốn có quy mô thị trường lớn, nhu cầu sẽ ngày càng gia tăng, có chung đường biên giới với Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: Thị trường khách Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn từ mùa hè 2023 và tăng mạnh vào dịp tháng 10 (Tuần lễ vàng dịp nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày) và những tháng cuối năm nay.

Thị trường Australia, Ấn Độ đang có cơ hội gia tăng lượng khách đến Việt Nam với việc Vietnam Airlines và Vietjet vừa mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn giữa hai bên.

Ở Đông Nam Á, thị trường Thái Lan, Campuchia đang phục hồi tốt, tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19, dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với lợi thế là thị trường gần Việt Nam.

Để thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất cần đẩy nhanh các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh cho du khách vào Việt Nam. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các trung tâm du lịch. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn cao cấp như du thuyền, du lịch MICE, du lịch golf…

Triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá tiếp thị quốc tế với quy mô lớn, đa dạng, tận dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội có tính lan tỏa cao. Tăng cường các đường bay kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm…

Tăng cường xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao ngành du lịch đã tích cực triển khai những hoạt động trong thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm ngành du lịch đã tập trung tháo gỡ, khắc phục những “điểm nghẽn” và đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số hạn chế của ngành du lịch thời gian qua như công tác xúc tiến quảng bá, dự báo thị trường…

Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, ngành du lịch tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, phổ biến, hướng dẫn các địa phương nghiên cứu thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; phân tích, dự báo thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt và triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá cho “đúng” và “trúng”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là các chính sách mở cửa, tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh của Việt Nam đến các thị trường, đối tác quốc tế. Ngành du lịch cần kết nối chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đưa thông tin Việt Nam được phổ biến rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Nghiên cứu làm việc với các mạng xã hội như Facebook, TikTok để xây dựng và quảng bá các clip truyền thông ngắn về du lịch Việt Nam.

Về công tác xúc tiến, quảng bá thị trường quốc tế, Bộ trưởng đề nghị ngành cần tập trung vào một số hội chợ lớn từ nay đến cuối năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cùng tham gia, đồng thời gắn với các hoạt động văn hóa để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Về hoạt động du lịch trong nước, các địa phương cần tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, quảng bá thông điệp “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; phải xử lý nghiêm những vi phạm, tình trạng chặt chém du khách; tập trung kích cầu thị trường nội địa, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội để thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.

Cùng với đó các địa phương cần tăng cường quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, coi phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; tham mưu cho Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, huy động sức mạnh xã hội, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo nhandan.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày