Thứ 7, 20/04/2024, 06:31[GMT+7]

Các di tích lịch sử - văn hóa Tiềm năng phát triển du lịch ở Thái Bình

Thứ 2, 05/08/2013 | 14:33:19
2,959 lượt xem
Thái Bình có diện tích đất tự nhiên hẹp so với các tỉnh thuộc châu thổ Ðồng bằng Bắc bộ, nhưng mật độ các di tích lịch sử văn hóa lại tương đối dày. Tính đến tháng 6/2013, Thái Bình có 2.200 di tích, trong đó 109 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 475 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ðặc biệt tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Chùa Keo là Di tích Quốc gia đặc biệt (cùng với 10 di tích khác của cả nước).

Hội chùa Keo. Ảnh: Thành Tâm

Thái Bình cũng là một vùng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng mà lễ hội truyền thống đã có và hiện còn ở Thái Bình được xem là tiêu biểu về số lượng, đa dạng về loại hình với khoảng 200 lễ hội được lưu giữ: Hội Chùa Keo, hội đền Tiên La, hội đền Ðồng Bằng, hội đền Côn Giang, hội Lơ, hội trình nghề La Vân, hội chiếu làng Hới, hội làng An Cố... Ðây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch văn hóa Thái Bình.

Về di tích kiến trúc nghệ thuật: ngoài Chùa Keo và đình An Cố, Thái Bình có 5 di tích kiến trúc nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Ðó là cụm di tích chùa Ðọ, chùa Ký Con (Ðông Hưng), đình Phật Lộc (Thái Thụy), miếu Hòe Thị (Quỳnh Phụ); là những quần thể kiến trúc lớn, ở đó lưu giữ được những hiện vật tiêu biểu có niên đại từ 300 đến 400 năm như: chân đèn, bát hương thời Mạc, bàn thờ, kiệu võng niên đại thời Lê. Về di tích lịch sử: rất nhiều công trình kiến trúc ở Thái Bình xuất hiện cùng thời gian hoặc sau lại gắn liền với các sự kiện lịch sử, người có công trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất bốn bề sông nước, bồi đắp phù sa này. Ðền Tiên La (Hưng Hà) - căn cứ của Bát nạn Tướng quân - một trong những phó tướng của Trưng Vương đánh quân Ðông Hán năm 40 - 43.

Nhiều di tích đã được coi là trọng điểm, căn cứ xưa của cuộc khởi nghĩa Lý Bôn: Ðình Tử Các, đình Các Ðông (Thái Thụy), đình Bạch Ðằng (Ðông Hưng). Các công trình kiến trúc lớn được xây dựng cũng là nơi để tưởng niệm các danh nhân mà tên tuổi vang mãi với thời gian: Chùa Keo thờ Ðại sư Dương Không Lộ, chùa La Vân thờ Quốc sư Minh Không, lăng tẩm vua Trần ở Long Hưng và đền thờ Lê Quý Ðôn (Hưng Hà), từ đường văn thân yêu nước Ngô Quang Bích, các khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh (Diêm Ðiền - Thái Thụy), Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tân Hòa - Vũ Thư)... không gian kiến trúc và những hiện vật còn lưu giữ làm sống lại trong tâm trí người xem những năm tháng hào hùng trên quê hương, tưởng nhớ thế hệ cha ông góp máu xương và sức mình tạo nên trang sử vẻ vang của dân tộc.

Các di tích lịch sử - văn hóa Thái Bình xét về mặt kiến trúc bao gồm nhiều loại hình như: từ đường, chùa, đình, đền, miếu, lăng mộ, khu lưu niệm... được coi là yếu tố cấu thành đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng làng xã. Là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, các công trình kiến trúc của Thái Bình mang nét giản dị, nhẹ nhàng, thanh toát, hòa quyện với thiên nhiên. Các đường nét được chạm trổ khéo léo, công phu đã phần nào thể hiện được ý tưởng, quan niệm của con người nơi đây với hoàn cảnh lịch sử trong từng thời kỳ. Các công trình kiến trúc này, đặc biệt là đình, chùa, miếu những ngày thường nằm thâm trầm giữa miền quê yên ả nhưng vào ngày hội lại tấp nập, rộn ràng, các trò chơi truyền thống các làn điệu dân ca.

Người dân Việt Namon> nói chung có một đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc. Ði chùa là một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu của người dân Việt. Bởi vậy với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa phong phú, Thái Bình có tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch, đặc biệt là các hoại hình du lịch thăm quan các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, du lịch làng quê...

Ðến với lễ hội truyền thống Thái Bình, ngoài việc lễ Phật, du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian như: đấu vật, đánh gậy, múa đốc, múa kiếm, thả diều, bơi trải, kéo co, kéo chữ, chọi trâu..., hay xem các hội thi đặc sắc như: thi nấu cơm, thi bắt vịt, thi ném pháo, thi dệt chiếu hoa... và hòa mình vào không khí “sáng rối, tối chèo”.

Việc thu hút du khách đến với các hoạt động văn hóa dân gian là góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển những nét đẹp truyền thống của quê hương Thái Bình; đồng thời quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình với du khách.

Trong điều kiện một tỉnh thuần nông như tỉnh ta hiện nay thì doanh thu từ du lịch góp một phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cũng như làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thúy Hường

(Trung tâm Xúc tiến Du lịch  Thái Bình)

  • Từ khóa