Thứ 7, 22/02/2025, 04:36[GMT+7]

Đông Hưng: Phát triển du lịch trải nghiệm

Thứ 6, 21/02/2025 | 08:32:04
688 lượt xem
Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng về văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, văn hóa ẩm thực hướng tới phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Đông Hưng chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm hướng tới các làng nghề truyền thống, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Biểu diễn múa rối nước tại phường rối nước làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Có mặt tại buổi du lịch trải nghiệm của cô và trò Trường Tiểu học Đông Phong (xã Đông Quan) tại phường rối nước làng Nguyễn (xã Nguyên Xá) mới thấy được không khí hào hứng, sôi nổi của các em học sinh khi được tham quan và được xem các nghệ sĩ phường rối biểu diễn. 

Tại buổi biểu diễn, các bạn nhỏ đã được xem các tích trò như bật cờ, chú tễu, chọi trâu, đánh cá, múa công, đấu mã... Đan xen giữa các tích trò, các nghệ nhân phường rối nước làng Nguyễn đã chọn lựa những giai điệu âm nhạc và lời thoại phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. 

Em Nguyễn Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 3A phấn khởi cho biết: Em rất thích khi được xem các tiết mục biểu diễn của các bác nghệ nhân. Thông qua các tiết mục không chỉ giúp em hiểu thêm về giá trị lịch sử văn hóa của địa phương mà còn thêm yêu nghệ thuật múa rối nước của quê hương.

Không chỉ xem múa rối nước, tại buổi du lịch trải nghiệm, cô và trò Trường Tiểu học Đông Phong còn đến dâng hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - công trình mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, biểu thị tình cảm, lòng tri ân, tôn kính Đại tướng của Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hưng; đồng thời, trải nghiệm tại làng nghề sản xuất bánh cáy xã Nguyên Xá. 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phong cho biết: Những năm qua, song song với hoạt động dạy học, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như: tết Trung thu cho em, tri ân thầy cô, người phụ nữ trong trái tim em..., từ đó giúp học sinh phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Trên cơ sở Kế hoạch số 142/KH-UBND của UBND huyện về phát triển một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Đông Hưng, Ban giám hiệu nhà trường đã đăng ký tham gia với Phòng Giáo dục và Đào tạo bởi đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của học sinh. Với sự ủng hộ tích cực của phụ huynh học sinh nên ngay từ lần đầu triển khai, toàn bộ hơn 200 học sinh của nhà trường đã đăng ký tham gia.

Trên địa bàn huyện Đông Hưng có 102 di sản văn hóa cấp tỉnh, 22 di sản văn hóa cấp quốc gia và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian mang tính chất vùng miền như hát chèo, múa rối, múa giáo cờ, giáo quạt, các trò chơi dân gian... 

Ông Nguyễn Minh Báu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để giữ gìn và phát huy lợi thế về các di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian, huyện Đông Hưng tập trung chỉ đạo ngành văn hóa phát triển các điểm du lịch trên địa bàn huyện với nội dung chủ yếu là gắn kết giữa các loại hình nghệ thuật dân gian như hát chèo, múa rối... kết hợp với du lịch tâm linh nhằm mục đích cho nhân dân đặc biệt là các thế hệ học sinh có cơ hội trải nghiệm tìm hiểu nét đẹp văn hóa vùng miền của Đông Hưng đồng thời tìm hiểu về công lao đóng góp của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước. Huyện giao các ngành chức năng cùng phối hợp tạo dựng các tuyến tham quan du lịch trọng tâm trong không gian phát triển du lịch huyện gồm: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - phường rối nước làng Nguyễn - làng nghề chế biến nông sản xã Nguyên Xá; Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - phường rối nước làng Nguyễn - hát chèo làng Khuốc; Đài tưởng niệm anh hùng Trương Công Man, xã Đông Á - Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cây đa chợ khô, xã Liên Hoa. 

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Bá Thắng, phường rối nước làng Nguyễn cho biết: Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá có từ rất lâu đời. Phường rối hiện có 22 người, trong đó có gia đình có tới 3 đời tham gia múa rối nước. Để duy trì, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị nghệ thuật múa rối nước, phường rối chú trọng truyền nghề cho con em địa phương; lựa chọn các tiết mục đặc sắc để luyện tập và biểu diễn nhằm thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Không chỉ tạo dựng các tuyến tham quan du lịch trọng tâm trong không gian phát triển du lịch, Đông Hưng còn xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, huy động vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch; trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tu sửa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm rối nước làng Nguyễn, chèo làng Khuốc; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật điểm du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch như: các công trình vui chơi giải trí, cơ sở phục vụ ăn uống và các dịch vụ bổ trợ khác. 

Ngoài ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về chủ trương xây dựng, phát triển điểm du lịch, giới thiệu cho học sinh các trường trong huyện biết về các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương, đồng thời quảng bá, giới thiệu đến học sinh các trường trong tỉnh và du khách; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của di sản, khai thác phát triển du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông uy tín trong lĩnh vực du dịch, thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao trong và ngoài tỉnh.

Đan xen giữa các tích trò, các nghệ nhân phường rối nước làng Nguyễn đã chọn lựa những giai điệu âm nhạc và lời thoại phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Minh Hương