Thứ 3, 06/08/2024, 03:15[GMT+7]

Du xuân làng vườn Bách Thuận

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:40:32
2,427 lượt xem
Hòa cùng không khí mùa xuân, mời bạn cùng chúng tôi hãy một lần về thăm làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư). Đến “Làng du lịch sinh thái”, du khách được hòa mình với thiên nhiên, dọc theo hai bên đường làng là màu xanh của hòe, táo, ổi, thấp thoáng những ngôi nhà biệt thự mang kiến trúc hiện đại, bao quanh là những mảnh vườn đầy hương sắc của nhiều loài hoa. Được thiên nhiên ưu đãi, Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống, ở đây bốn mùa đều có đủ các loại quả: táo, ổi, cam, hồng xiêm, bên cạnh nh

Xuân về, cũng là mùa trăm hoa đua nở đón chào mùa xuân, hương sắc rực rỡ khắp các nẻo đường, len lỏi vào từng ngôi nhà, góc xóm. Mỗi độ tết đến, xuân về, những sản phẩm tinh thần như hoa, cây cảnh vẫn mãi là món quà đầy ý nghĩa mà những người dân  một nắng hai sương lặng lẽ góp hương sắc dâng tặng cho đời. Khi đến vùng quê Bách Thuận, bạn có thể ghé vào nhà dân mua cho mình một bó hoa thật đẹp, một chậu cảnh bonsai với mức giá hữu nghị, hoặc bạn cũng có thể ra vườn tự chọn cho mình những bông hoa đẹp nhất, hay lạc lối ở những vườn táo xum xuê, hạnh phúc nhất là khi bạn nhận được những nụ cười mến khách của người dân nơi đây. Tiết trời mùa xuân tràn đầy hương sắc, du khách đứng giữa khu vườn, tận hưởng mùi hương cây trái, làm cho con người quên đi những bon chen trong cuộc sống hàng ngày.

Đi dọc các tuyến đường thôn Bách Tính, Liên Hồng, Thuận Nghiệp đều thấy hình ảnh của những chủ vườn cặm cụi chăm chút cho từng bông hoa, gốc cây cảnh của mình, với hy vọng mang lại sắc xuân tươi đẹp cho năm mới.  Du khách có thể thấy ở đây tràn đầy các loại hoa. Hoa tăm tắp thành luống sâu hun hút vào làng. Hoa lan cả xuống bãi bồi, soi bóng dưới dòng nước đỏ nặng phù sa. Trong vườn nhiều loại cây cảnh với dáng thế thác đổ, phượng vũ, ngũ nhạc, phụ tử, thế trực, cửu phẩm, long giáng, rồng chầu... Có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, sung, si, qua bàn tay khéo léo, cần mẫn, tài hoa của người dân nơi đây đã trở thành những cây cảnh có hình dáng đẹp, lạ.

Trồng hoa, làm cây cảnh không chỉ đơn thuần là một nghề kiếm sống của người dân Bách Thuận, mà còn góp phần tạo nên một vùng quê chan hòa với thiên nhiên, gìn giữ bầu không khí trong lành. Bách Thuận có đất đai trù phú nhưng Bách Thuận hôm nay giàu đẹp là nhờ những người dân cần cù, chịu khó, thông minh. Những người nông dân Bách Thuận đã thêu dệt cho miền quê của mình một bức tranh nhiều gam màu rực rỡ.

Dừng tay bên luống hoa, chị Nguyễn Kim Hiền, thôn Liên Hồng tâm sự: “Nhà tôi đã mấy đời trồng hoa, cứ dịp Tết là bận rộn, vất vả. Cái nghề làm đẹp cho đời, mang mùa xuân cho người khác thường vất vả nhưng mà vui và có ý nghĩa. Trồng hoa, cây cảnh cũng là nghề truyền thống, gắn bó với người dân Bách Thuận, nhờ hoa, cây cảnh, chúng tôi có cuộc sống no đủ. Trồng hoa cũng lắm công phu, ngoài yếu tố xuống giống đúng thời vụ và sự kỳ công chăm sóc của các chủ vườn, để hoa nở đúng dịp Tết còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Vì vậy, những tháng giáp Tết người trồng hoa chúng tôi cầu mong mưa thuận gió hòa để nhà nhà được đón không khí xuân ấm áp, còn chủ vườn hoa có một cái Tết no ấm".

Còn bác Trịnh Xuân Thông thì chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng duy trì trồng 7 sào hoa giống và các loại hoa  để phục vụ Tết như cúc mâm xôi, cúc tím, cúc vàng, thược dược, phăng-xê, hồng... Tuy vất vả, nhưng bù lại, thu nhập từ trồng hoa cũng khá hơn các loại cây trồng khác. Tết năm ngoái, gia đình tôi thu lãi hàng chục triệu đồng”. Bác Thông cho biết thêm, riêng đối với vụ hoa Tết phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt. Bắt đầu trồng từ tháng 9, các khâu tưới nước, phun thuốc, bón phân đều phải kịp thời, tỷ lệ pha trộn đúng thành phần thì mới có vụ hoa nở theo mong muốn. Trồng, ươm hoa đòi hỏi đầu tư cho hệ thống tưới tiêu, điện sáng, kỹ thuật chăm sóc và công lao động. Kỹ thuật làm đất giâm hoa cũng đòi hỏi khắt khe. Đất phải là đất pha cát, tơi xốp và phải sàng kỹ để thật nhỏ mịn, bảo đảm độ ẩm khoảng 80%. Sau khi giâm từ 7 - 10 ngày, cây sẽ ra rễ và có thể thu hoạch để bán cây giống ra thị trường hoặc trồng hoa lấy bông.

Hoa, cây cảnh Bách Thuận bán khắp mọi nơi. Trừ chi phí, mỗi vụ, bà con thu về từ 60 - 70 triệu đồng/sào. Nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng như gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trịnh Văn Phông (thôn Liên Hồng), Nguyễn Văn Bẩy (thôn Bách Tính)... Việc người dân có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm nhờ trồng hoa, cây cảnh đã giúp bức tranh nông thôn mới của địa phương ngày càng rõ nét.

Đến với Bách Thuận, dù bất cứ tháng nào trong năm du khách cũng được ngắm thỏa thích các loại hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Khi ra về bạn còn có thể mang theo hương sắc của làng vườn về tô điểm cho gia đình bước sang một năm mới an khang, hạnh phúc.

Mạnh Thắng

 

  • Từ khóa