Thứ 2, 29/07/2024, 03:27[GMT+7]

Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 6, 10/06/2016 | 19:17:24
2,088 lượt xem
Đến cồn Đen vào một ngày tháng sáu nắng như đổ lửa, không ai nghĩ mình lại có thể được tận hưởng một màu xanh ngút ngàn chạy dài hàng cây số ngay giữa biển khơi. Không khí trong mát với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng phong phú cùng tiềm năng du lịch biển đang khiến cồn Đen trở thành điểm đến hấp dẫn nơi đầu sóng.

 

“Hòn ngọc xanh” của đồng bằng sông Hồng

 

Nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, cồn Đen nằm cách đất liền 3km, thuộc xã Thái Đô (Thái Thụy). Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo với các loài thực vật như dừa nước, hoa muống biển, cây vẹt, cây bần, cây sú; tập trung gần 200 loài chim, gồm 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước và nhiều loài chim quý hiếm khác được ghi trong sách đỏ thế giới cùng hơn 500 loài động vật thủy sinh mang giá trị kinh tế cao…

 

Chạy dọc con đường lát bê tông rộng thênh thang tiến vào cồn Đen là những rừng phi lao xanh mát, những vẹt, sú, bần nối đuôi nhau cắm sâu từng thớ rễ xuống nền sình. Khung cảnh hệt như trong những bức tranh thủy mặc, chỉ khác điều tươi mới và căng tràn sức sống hơn. Xa xa, vài người phụ nữ làng biển đang rửa chân tay bên vũng nước lớn đọng dưới những thân cây bần, cây sú, sau buổi thu hoạch ngao kha khá. Một chị trong số đó cho hay: Cách đây hơn 10 năm, vùng này tiêu điều, xơ xác lắm. Cồn ngày ấy chỉ là một vùng mênh mông nước, đi lại vất vả, bãi cát bị sóng biển xâm thực, bào mòn nhưng “ông Kiên dã tràng” (ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú) là người đã đứng ra lập dự án đấu thầu trồng cây chắn sóng ở cồn Đen.

 

Trồng cây được coi như một thói quen hàng ngày ở nơi đây. Đều đặn hai ngày mỗi tuần, toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty đều tự xắn tay áo dọn dẹp vệ sinh, cầm cuốc, xẻng đi trồng cây gây rừng. Việc trồng thêm cây không chỉ giúp gìn giữ lá phổi của cả một vùng, tăng thêm đa dạng sinh học mà còn bảo đảm vững chắc thêm phòng tuyến an ninh biển đảo. Khi được hỏi về phương cách để tạo dựng “cồn Đen xanh” như ngày hôm nay, ông Kiên quả quyết: Ý thức con người là yếu tố then chốt, sau đó là đam mê. Con người tạo ra môi trường, muốn bảo vệ lá phổi trước hết phải trồng cây, mà phải là tự nguyện, dù nắng nóng vẫn vui vẻ, nhiệt tình, tâm huyết với nó. Việc giáo dục ý thức được xác định không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài, dựa trên sàng lọc thực tế và chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra.

 

Ông chia sẻ với tôi ý tưởng về một miệt vườn sinh thái với đủ các loại cây ăn trái như dừa, bưởi, ổi, cam…, tiến đến phát triển du lịch sinh thái theo hướng mới bởi “trồng cây ngập mặn và phi lao chắn sóng chỉ bảo tồn được đa dạng chứ chưa khai thác được toàn bộ thế mạnh này”. Theo ông Kiên, nếu triển khai được du lịch sinh thái miệt vườn, trong tương lai không xa, Cồn Đen sẽ thu hút được một lượng lớn khách du lịch. Du khách sẽ vừa được trải nghiệm tham quan rừng ngập mặn vừa được thưởng thức trái cây ngay tại rừng. Nếu đi một vòng quanh cồn, người ta sẽ thấy hàng nghìn cây dừa đã được ông cho trồng thử nghiệm. Dự kiến sắp tới ông sẽ cho trồng thêm các bồn hoa muống biển dưới gốc thông và tạo kiểu thẩm mỹ bồn hoa để gia tăng vẻ đẹp cho rừng, góp phần bảo tồn đa dạng thực vật.

 

Gắn du lịch với bảo vệ môi trường

 

Ông Kiên cho biết, hiện đội môi trường của Công ty có khoảng 30 người thay phiên nhau trong các hoạt động trồng cây, vệ sinh môi trường. Đê chắn sóng lấn biển được xây dựng, bảo đảm cho việc nâng cao mặt bằng trồng cây. Bên cạnh việc để người dân thoải mái khai thác tiềm năng của rừng ngập mặn như câu cá, bắt cua ngay tại rừng, ông kiên quyết nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn và chặt phá rừng.

 

Nhằm nâng cao ý thức cho du khách, tại mỗi địa điểm vui chơi, đều có những biển báo cấm hoặc tuyên truyền không vứt rác bừa bãi. Dễ dàng để nhận thấy ở đây, cứ cách 5m lại có một thùng rác đặt ngay ngắn, có nắp đậy sạch sẽ. Để giảm bớt rác tự phát trong khuôn viên khu sinh thái, lãnh đạo Công ty đã cho một số người dân vào thu gom chai lọ - những thứ thường bị du khách để lại, mỗi buổi sáng hoặc chiều. Trong quá trình thu gom, nếu thấy rác hoặc lá cây rụng thì họ sẽ tự động quét, gom và đổ vào thùng rác. Điều này vừa giúp tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập vừa làm sạch khu du lịch, giảm bớt được gánh nặng trong quản lý vệ sinh môi trường. Đồng thời thực hiện giao khoán cho các khu, nhân viên mỗi khu vực phải bảo đảm được vệ sinh nơi mình phụ trách. Để tránh tình trạng hỗn loạn, ùn tắc, khu để xe được xây dựng cách xa khu trung tâm 100m. Các khu vui chơi như công viên, bãi tắm, bể bơi, ngồi thuyền, ca nô, khu ăn uống, nhà hàng, đều được quy hoạch hợp lý. Đặc biệt, bể bơi được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm các yếu tố an toàn, sẽ mở cửa cho du khách vào giữa tháng 6 tới đây. An ninh được bảo đảm chặt chẽ với 50 mắt camera đặt tại các “điểm nóng”, bảo đảm bao quát toàn bộ. Cùng với đó là đội bảo vệ, cứu hộ gồm 20 người, hơn 1.000 phao bơi, một y tá thường trực luôn sẵn sàng ứng phó với những trường hợp đuối nước; bảo đảm an toàn cho du khách một cách tối đa. Nhờ vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cồn Đen chưa xảy ra bất cứ một vụ tai nạn thương tâm nào.

 

Nếu mười năm trước, những cây con đầu tiên cắm đất là điều không tưởng thì hiện tại, những lùm cây san sát, hàng chục cây số đê lấn biển cùng quần thể khu du lịch sinh thái đa dạng là minh chứng cho trí tuệ và sức lực của con người trước thiên nhiên. Những “cồn Đen” hấp dẫn và đầy tiềm năng thế này sẽ không phải điều khó, ngành “công nghiệp không khói” sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế trong phòng tuyến kinh tế Thái Bình nếu có những biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý và những người dám nghĩ, dám làm như “ông Kiên dã tràng”.

 

Cùng với cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen là một trong những thế đứng hình thành nên tam giác bảo vệ, là tuyến đầu về an ninh, quốc phòng cũng như che chắn bão từ biển vào đất liền cho các xã thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

 

Thùy Dung

  • Từ khóa