Thứ 4, 05/02/2025, 17:52[GMT+7]

Cùng mắc võng trên đỉnh... Fansipan

Thứ 6, 15/07/2016 | 17:23:07
1,723 lượt xem
Trong chuyến công tác trao đổi nghiệp vụ báo Ðảng địa phương chủ đề tác nghiệp nơi biên giới, hải đảo, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp Báo Lào Cai, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Thái Bình đã đặt chân lên đỉnh núi Fansipan vốn được mệnh danh là nóc nhà Ðông Dương, cao 3.143m bằng phương tiện cáp treo. Trên chặng đường lên đỉnh Fansipan, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đất Việt nhìn từ trên cao cứ hiện dần lên, đẹp lung linh như huyền thoại.

Nhà ga Fansipan tại thung lũng Mường Hoa.

 

Những người thích chinh phục đỉnh Fansipan bằng cách vượt rừng, leo núi kể lại cho chúng tôi nghe cái cảm giác lâng lâng là lạ khi đi qua rừng đỗ quyên đến những cảm xúc không thể tả được bằng lời khi vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và điều quan trọng nhất là vượt qua giới hạn của không gian, thời gian, vượt lên chính mình rồi chạm tay lên đỉnh Fansipan hùng vĩ sau hơn hai ngày đi bộ ròng rã.

 

Những đồng nghiệp Báo Lào Cai từng gắn bó với Fansipan và dãy núi Hoàng Liên Sơn chia sẻ tâm sự rằng: Việc đưa vào sử dụng tuyến cáp treo Fansipan là tín hiệu vui cho ngành du lịch Lào Cai và đây cũng là cách nhìn nhận, đánh giá đúng mức của Ðảng và Chính phủ đối với tầm quan trọng và tác động tích cực đến môi trường sống của núi rừng Hoàng Liên Sơn. Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong lễ cắt băng khai trương tuyến cáp treo Fansipan đã nói: “Dự án cáp treo Fansipan không chỉ góp phần giúp Lào Cai và Fansipan trở thành điểm du lịch dành cho tất cả mọi người mà còn giúp tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung, nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Chính phủ”.

 

 

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Sapa.

 

Ðồng nghiệp Báo Lào Cai cho biết, tuyến cáp treo Fansipan (Sapa) được khởi công vào tháng 11/2013, do tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số một thế giới Doppelmayr Garaventa. Cáp treo có độ cao 3.143m so với mực nước biển, khởi điểm từ thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan. Mỗi cabin cáp treo có sức chứa tối đa 30 - 35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/giờ, cho phép rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh Fansipan xuống còn 15 phút, thay vì hai ngày đi bằng đường bộ hiểm trở. Tổng mức đầu tư giai đoạn I của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng công trình đều phải vận chuyển thủ công, trong điều kiện địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Cáp treo Fansipan đã rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Ðông Dương” từ hơn hai ngày xuống còn 15 phút và  được trao chứng nhận hai kỷ lục thế giới (Guinness World Record): cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410m và cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.292,5m.

 

Ðã có nhiều tranh luận xảy ra khi cáp treo Fansipan xuất hiện, đầu tiên là ý kiến của những người thích trải nghiệm bằng cách đi bộ leo núi (phượt thủ). Họ cho rằng, cáp treo là cách đi và đến dễ dàng, không cảm nhận được cảm xúc khi phải vượt qua những đoạn đường rừng dây leo chằng chịt, hay bám tay vào vách đá để leo lên núi và đặc biệt hơn là vượt qua được chính những e dè, nhút nhát, ỷ lại của bản thân để chạm tay đến đỉnh núi cao huyền thoại này. Một “phượt thủ” đã tâm sự: Tôi yêu cái hoang sơ, hùng vĩ, yêu những chặng đường dài ngoằng không hồi kết. Tôi yêu cái nắng ban mai len qua từng cành cây ngọn cỏ, yêu tiếng gió vi vu, vắng lặng, yêu tiếng chảy róc rách của sông núi hoang sơ... Yêu những đêm dài nằm giữa núi rừng hoang sơ ngắm ánh trăng le lói qua từng tán lá, tiếng dế kêu nhè nhẹ bên tai níu giữ tâm hồn tôi. Nhưng, hình như tôi đang ích kỷ cho cái quan niệm của riêng mình, để bảo vệ cho cái mà số ít trải qua gian khổ mới có thể đặt chân lên đỉnh. Nay nhiều người, không cần phải vất vả, chỉ cần cái đẩy nhẹ của dây cáp đã chạm tới thiên đường. Nhẹ nhàng và đơn giản, chẳng đọng lại chút kỷ niệm nào trong thâm tâm. Còn những người không có điều kiện về thời gian, sức khỏe và tuổi tác… lại hết sức vui mừng khi có cáp treo, bởi lẽ đây là điều kiện để họ có thể lên đỉnh  Fansipan - nóc nhà Ðông Dương ở độ cao 3.143m mà trước đây, họ có nằm mơ cũng không bao giờ đến được. Họ cho rằng “câu chuyện có kết hậu, quan trọng là chúng ta sẽ tìm cách nào để giữ nguyên vẹn cảnh quan núi rừng Hoàng Liên Sơn và để chính những du khách đi cáp treo còn cái để ngắm nhìn chứ không phải để những gì chúng ta nhìn được trên cáp treo chỉ còn là những ngọn núi trơ trọi, không màu xanh cây lá. Một đỉnh núi cao không phải cột mốc để đánh giá cách chọn lựa khôn ngoan hay dại khờ. Cáp treo cũng chỉ là phương tiện giúp con người đạt được mục đích, bản thân nó không phải là thứ cản trở những cung đường phượt và càng không phải thứ được dựng lên để hủy hoại cảnh quan nơi đỉnh núi. Không nên phản đối việc hiện đại hóa và tạo cơ hội cho nhiều người được biết đến cảnh núi non hùng vĩ  mà đỉnh cao là ngọn Fansipan”.

 

 

Sapa nhìn từ đỉnh Fansipan.

 

Dù đi bộ, leo núi hay đi cáp treo thì cuối cùng mục đích vẫn là hành trình đi tới đỉnh Fansipan. Cũng giống như nghiệp làm báo của chúng tôi, chinh phục đỉnh cao là một hành trình chứ không phải chỉ là một điểm đến. Trong chuyến đi thực tế về vùng biên ải xa xôi này, đồng nghiệp Báo Lào Cai đã nhiệt tình giúp đỡ đoàn Báo Thái Bình có thêm cảm nhận rõ nét về Tổ quốc thiêng liêng, nơi mà bao chiến sĩ đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

 

Quang Viện

  • Từ khóa