Thứ 3, 02/07/2024, 20:20[GMT+7]

Làm du lịch từ cây lúa

Thứ 2, 08/08/2016 | 14:27:11
5,361 lượt xem
Người Trà Quế có thể xây nhà lầu, mua xe hơi từ việc làm du lịch trên những luống rau ít ỏi; người Đường Lâm khéo léo sáng tạo ra các món đồ lưu niệm từ rơm; người quê lúa tại sao không thể làm du lịch từ những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật”, những làng nghề truyền thống mang đậm hồn cốt vùng đồng bằng Bắc Bộ?

Một tour du lịch cộng đồng tại Thái Bình do Công ty Du lịch Trang Long tổ chức.

Tiềm năng lớn về du lịch nông thôn

Hiện nay, việc chọn cho mình một chuyến đi nghỉ với những nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhiều sao, sang trọng, tiện nghi không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều du khách, đặc biệt là đối tượng khách tầm trung cao cấp và khách quốc tế. Xu hướng du lịch chung của thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ từ nghỉ dưỡng sang trải nghiệm, từ tận hưởng giá trị vật chất sang thụ hưởng giá trị tinh thần. Các tour "du lịch nông thôn" có sự trải nghiệm sâu sắc các giá trị văn hóa bản địa mang tính độc đáo và duy nhất vì thế đang lên ngôi.

Việt Nam hiện nay vẫn là nước nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta đã biết tận dụng chính đặc điểm kinh tế này để khai thác ngành "công nghiệp không khói" một cách bền vững. Du lịch nông thôn - khai thác dịch vụ du lịch bằng tài nguyên nông nghiệp không chỉ góp phần mang lại việc làm, cuộc sống ổn định cho người nông dân mà còn tạo động lực duy trì và bảo lưu những giá trị truyền thống cốt lõi, bản sắc văn hóa vùng miền nói riêng và của dân tộc nói chung. Những ví dụ điển hình có thể thấy ở Trà Quế (Hội An) hay mới đây là làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam). Nông dân làng rau Trà Quế với các tour du lịch homestay rất hút khách quốc tế đến từ những thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật trong nhiều năm qua. Ðến nơi đây, du khách được trở thành những người nông dân trồng rau thực thụ, được mặc những bộ quần áo nông dân, đi dép lê, đội nón lá, được người làng rau chỉ cách cuốc đất, trồng, tưới và chăm sóc rau. Thú vị và ý nghĩa hơn cả là sau một ngày làm việc trên đồng ruộng, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn làm từ thành quả lao động của mình. Trong khi đó, làng chài Tam Thanh với sự hợp tác của các họa sĩ Hàn Quốc trong phút chốc đã trở thành làng bích họa nổi tiếng nhất Việt Nam, thu hút hàng trăm lượt du khách mỗi ngày bằng chính nhịp sống dung dị, nhẹ nhàng, chất phác của nghề chài lưới.

Thái Bình là một tỉnh thuần nông, du lịch đóng góp khiêm tốn trong tổng thu nhập do những khó khăn về vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu nhìn cách làm của những địa phương có xuất phát điểm tương tự về kinh tế - xã hội, Thái Bình hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn.

Dựa trên các nghiên cứu về đặc điểm tự nhiên, kinh tế và xã hội, Thái Bình được đánh giá có khả năng phát triển du lịch nông thôn trên các khía cạnh: du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng và du lịch nông sinh học.

Một tour du lịch cộng đồng tại Thái Bình do Công ty Du lịch Trang Long tổ chức.

Về du lịch làng nghề truyền thống, với khoảng hơn 200 làng nghề rải rác khắp tỉnh, Thái Bình được mệnh danh là một trong những cái nôi làng nghề của đất nước. Những cái tên như bánh cáy làng Nguyễn (Ðông Hưng), chạm bạc Ðồng Xâm, dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), thêu Minh Lãng (Vũ Thư), dệt Phương La - Thái Phương, chiếu cói Tân Lễ (Hưng Hà)… là minh chứng sống động cho tài hoa, trí tuệ của người Thái Bình. Mỗi làng nghề giống như một viện bảo tàng sống động về văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách nếu biết cách khai thác.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Du lịch Redtour, du khách, đặc biệt là khách quốc tế thường rất hứng thú với các tour thăm làng nghề truyền thống của Việt Nam. Bởi đến đây, bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử làng nghề, tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm, du khách còn có mong muốn được thâm nhập vào cuộc sống cộng đồng ở nông thôn, đắm mình trong không gian văn hóa dân gian cổ truyền của Việt Nam và chọn mua các mặt hàng thủ công truyền thống với giá cả vừa phải.

Cây lúa đâu chỉ là cây lương thực

Nói về Thái Bình, một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nói đến "quê lúa" với biệt danh "quê hương năm tấn" thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện là một trong những vựa lúa lớn của miền Bắc. Ngày nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi nổi ở các xã trong tỉnh càng tạo cho Thái Bình những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những xóm làng thêm trù phú nhưng vẫn giữ được sự bình yên, nét thuần phác, chân thật, "chất lúa" và hồn cốt của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trẻ em sẽ rất thích thú khi tự mình được cuốc đất, trồng rau, hái quả…

Các chuyên gia cho rằng, cái "bí" của du lịch Thái Bình hiện nay là chưa tạo được sản phẩm du lịch đặc thù, "mang màu sắc quê lúa", đặc biệt là các tour dành cho khách tầm trung cao cấp và khách quốc tế. Bài học từ làng Trà Khúc, chỉ bằng việc trồng rau thơm mà người nông dân nơi đây đã có thể kéo du khách đến, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cao mà không làm xáo trộn cuộc sống, không tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, không làm thay đổi cơ cấu kinh tế, người nông dân được bám đất bám làng để sinh nhai, thậm chí làm giàu. Trong khi Thái Bình có nhiều hơn thế, vì là tỉnh còn giữ được hồn cốt của đồng bằng Bắc Bộ nên có rất nhiều tài nguyên để khai thác du lịch một cách bền vững, người nông dân kiếm tiền nhờ chính dịch vụ nông nghiệp của mình.

Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững: Du lịch nông thôn ở Thái Bình sẽ phát triển tốt nếu người nông dân Thái Bình sống tốt nhờ cây lúa. Muốn vậy, phải nhìn nhận giá trị của cây lúa không chỉ dưới khía cạnh là một loại cây lương thực mà phải khai thác được chuỗi giá trị từ cây lúa một cách toàn diện và sâu sắc để phục vụ du lịch. Ðó chính là các sản phẩm du lịch từ cây lúa.

Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được đẩy mạnh. Thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước có nhiều em chưa biết nhiều về làng xã, xóm thôn, có em ngày nào cũng ăn cơm mà chưa biết cây lúa hay con trâu trên thực tế như thế nào. Nên chúng ta hoàn toàn có thể cho con em của các gia đình ở thành phố được trải nghiệm làm "bác nông dân", tự mình bắt con cua, con cá, tự trồng rau, hái rau, hái hoa quả trên đồng làm một bữa cơm dân dã mà ấm cúng, để các em có thể cảm nhận được sự vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo, mớ rau như thế nào, qua đó giáo dục cho các em về tính tiết kiệm, sự đồng cảm với người dân lao động. Thực tế đã có một số doanh nghiệp giàu sáng tạo và nhạy bén xây dựng những trang trại nông nghiệp hữu cơ để khai thác loại hình du lịch trải nghiệm tích hợp trau dồi kỹ năng sống này và đang trở thành phong trào du lịch rất ăn khách ở các thành phố lớn hiện nay.

Nói về các tour du lịch nông thôn mà Thái Bình có thể cung cấp cho du khách, "cha đẻ" của những ý tưởng du lịch đột phá như "mưa Huế", "lụt Hội An", "bão Ðà Nẵng", "mây Sapa", "gió Bạc Liêu", "khách sạn bóng đêm"… cho rằng, "quê lúa" có thể phát triển rất nhiều tour du lịch gắn với cuộc sống, sinh hoạt và công việc của nhà nông như: tham quan cánh đồng mùa gặt, cùng người nông dân tát nước, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, xay thóc, giã gạo, cho gà ăn, câu cá, thả lưới, đơm đó; nuôi tằm, dệt vải; trồng cói, dệt chiếu… hay tham quan làng nghề truyền thống, làm bánh cáy, làm bánh đa, nghe hát chèo đêm khuya…

Hơn nữa, để có thể khai thác cây lúa - vốn là đặc sản của Thái Bình một cách sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn và thu được nhiều tiền hơn cần phải phát triển được các loại hình du lịch mới phù hợp với nhu cầu và tâm lý của thị trường khách hiện đại. Kinh nghiệm mà TS Nguyễn Thu Hạnh từng thực hiện ở làng cổ Ðường Lâm (Sơn Tây) khi phối hợp với người dân phát triển các loại hình du lịch từ rơm. Rơm là một loại nguyên liệu sẵn có, không phải mua tại các làng quê Việt Nam. Qua những góc nhìn sáng tạo mới, người làm du lịch và nông dân đã biến rơm thành các đồ lưu niệm, các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng và các bộ quần áo thời trang hấp dẫn. Những sản phẩm này đang tạo được sự thu hút rất lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Và Thái Bình hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm từ làng cổ này.

TS Hạnh khẳng định, để cây lúa vượt ra khỏi những bờ ruộng không chỉ là một loại cây lương thực mà còn biết "làm du lịch", người Thái Bình cần hướng đến một tư duy đột phá để sáng tạo ra các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thể hiện trí tuệ, tâm hồn và ý chí của người "quê lúa".

Ðể làm được điều này, rất cần những người làm du lịch Thái Bình đi tiên phong!

Hạnh Nhân
(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa