Thứ 7, 10/08/2024, 20:12[GMT+7]

Hồ núi huyền thoại

Thứ 6, 27/05/2011 | 16:08:18
3,224 lượt xem
Chuyện xưa kể lại rằng có một đôi trai gái tên là nàng Công và chàng Cốc yêu nhau tha thiết, nhưng gia cảnh chàng trai quá nghèo nên cha mẹ cô gái không đồng ý. Họ ra sức cấm đoán, ngăn cản để cho hai người không đến được với nhau. Chàng trai và cô gái đã yêu nhau trong tuyệt vọng, một ngày kia vì nhớ thương sầu muộn mà chết...

Thật sự tôi không thích những điểm đến đã có bàn tay can thiệp của con người, dù với mục đích gì đi chăng nữa mà chỉ thích rong ruổi đường xa trên chiếc mink "khù khờ" đến những bản làng heo hút để được "home stay" (một loài hình du lịch ở tại nhà người bản xứ, sinh hoạt cùng họ như 1 gia đình) với người dân tộc bản địa.

 

Vậy nhưng lần này một cô bạn người Mỹ đã buộc tôi phải chọn lựa, hoặc là Hồ Núi Cốc tăng bo bằng xe gắn máy hoặc là... nghỉ chơi! Quãng đường từ Hà Nội lên Hồ Núi Cốc (thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) gần 100km, dù đi bằng xe gắn máy, đối với tôi chưa nhằm nhò gì nhưng "hãi" nhất là vì đã được nghe anh bạn đồng nghiệp “bỏ nhỏ” từ trước về một khu du lịch được "xây dựng công phu, rất hoành tráng" rằng: "Thà đi... công viên nước còn sướng hơn!"- nghĩ như vậy nhưng không có lí do gì để từ chối một cách chính đáng nên đành hi sinh mấy ngày nghỉ cuối tuần quí giá nai nịt gọn gàng theo cô bạn Mỹ lên đường...

"Ôi giời ơi!"- không ít lần cô bạn tôi thốt lên câu đó dọc đường đi (nghe thật ngán ngẩm!) nhưng tôi vẫn cố gắng nở nụ cười... minh họa.

 

Hứng chí thế nào, mà không biết cô ta đã học ở đâu lại còn vừa đi vừa hát: "Một người đi/ Nước mắt thành sông/ Một người chờ/ Chờ, hóa núi!/ ơi chàng trai/ ơi ngọn núi Cốc/ ơi cô gái/ ơi dòng sông Công..." bằng tiếng Việt, không những phát âm chuẩn mà còn "tròn vành rõ chữ" khiến tôi đâm hoảng. Nghĩ bụng, hay trước đây mình đã sai lầm khi không biết bao nhiêu lần từ chối những mời mọc rủ rê lên Hồ Núi Cốc chỉ vì một lí do lãng xẹt như đã nói?

 

"Chuyện xưa kể lại rằng có một đôi trai gái tên là nàng Công và chàng Cốc yêu nhau tha thiết, nhưng gia cảnh chàng trai quá nghèo nên cha mẹ cô gái không đồng ý. Họ ra sức cấm đoán, ngăn cản để cho hai người không đến được với nhau. Chàng trai và cô gái đã yêu nhau trong tuyệt vọng, một ngày kia vì nhớ thương sầu muộn mà chết. Mối tình đẹp đẽ thủy chung của đôi trai gái đã khiến trời đất rủ lòng thương. Chàng Cốc hóa thành một quả núi sừng sững giữa trời. Nàng Công khóc thương người yêu, một ngày kia tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt.

 

Những giọt nước mắt yêu thương thủy chung qua năm tháng thấm sâu vào lòng đất, chảy thành dòng theo những vết nứt quanh co uốn lượn tìm về bên núi Cốc. Người dân ở đây cho rằng những ngày mưa lũ chính là lúc nàng Công uất hận, quặn mình vì đau đớn không lấy được người mình yêu nên dâng nước lên ào ạt để được gần núi Cốc hơn...".

 

Đêm đầu tiên ở khu du lịch Hồ Núi Cốc cô bạn Mỹ đã làm một chuyện ngược đời là... kể câu chuyện nhuốm màu huyền thoại này cho tôi và mấy du khách người Việt khác nghe bên bếp lửa nhà sàn (du lịch!) và nhấp chén trà Tân Cương trứ danh mà cũng chính cô bạn này tiết lộ rằng lần trước lên đây cô được những người già trong vùng cho biết, sở dĩ trà Tân Cương có vị ngọt và thơm lâu như vậy là "do nó mọc ở trên mảnh đất này, đã thấm đậm nước mắt nàng Công khóc người yêu thuở trước nên cứ mãi lưu luyến ngân nga như vậy!". Thông tin này tôi chưa có dịp kiểm chứng, chẳng biết có đúng không nhưng đã làm cho tôi (và mấy du khách người Việt kia nữa) cảm thấy những ngày nghỉ cuối tuần không còn trở nên vô nghĩa...

 

Phong cảnh đẹp trữ tình với núi non hùng vĩ và vẫn còn hoang sơ là một lợi thế, ngoài ra, đến Hồ Núi Cốc có hai tour đặc biệt tôi đồ rằng bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đây đều không thể bỏ qua (không kể du thuyền câu cá trên lòng hồ, mà theo người dân ở đây cho biết Hồ Núi Cốc có những con cá mè, chép, cá trắm ngặng tới... 50kg!): đi bộ xuyên rừng leo núi và đi chợ thuyền. Núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa nằm về phía đông bắc dãy Tam Đảo có độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, từ trên đó có thể phóng tầm mắt khắp một vùng rộng lớn xung quanh. Thông tin mới nghe có vẻ rất thú vị nhưng tôi- một kẻ thích đi bụi- leo núi cũng đã nhiều nên có "sự lựa chọn số 2": đi chợ thuyền. Chợ có tên là Ba Cây Thông, họp vào những ngày lẻ tại xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên.

 

"Không! Không đi đâu!"- cô bạn Mỹ phản ứng có phần quyết liệt khi người chủ của chiếc thuyền máy to đùng ước chừng chở được khoảng... 60 khách mời chào bằng thứ tiếng Anh bồi phát âm sai be bét. Chúng tôi thuê hai chiếc thuyền độc mộc (loại thuyền chỉ có hai chiếc ghế dành cho khách và người lái đò dân bản địa kiêm... hướng dẫn viên du lịch và kiêm luôn một lô một lốc các chức danh khác). Thuyền không có áo phao cứu hộ nhưng may sao cô bạn Mỹ đã chuẩn bị sẵn hai chiếc lôi ra từ ba lô cười toe toét. Đợi chúng tôi nai nịt gọn gàng, chiếc thuyền từ từ rẽ nước bơi đi...

 

Đó là một phiên chợ đặc trưng hay gặp ở những tỉnh miền núi phía Bắc với cảnh bán mua rất vui mắt của đồng bào dân tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu... Các loại nông sản, thổ cẩm được bày bán nhiều nhất, và đặc biệt là chè Tân Cương chính hiệu (không phải các loại chè nhà máy mà do người dân tự gieo trồng, thu hái, sao, chế lấy từ các lò chế biến thủ công được gói trong những túi nilon).

 

Đến trưa, chợ chừng đã mỏi, cô bạn Mĩ một lần nữa khiến tôi phải ngạc nhiên khi không biết đã "moi" ở đâu ra một người dân tộc bản địa, họ bắt tay bắt chân nhau và sau đó chúng tôi (cả anh hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ) kéo nhau về nhà anh chàng người Tày "làm một bữa ngon" với rượu ngô còn đang cất dở chảy từ trong thùng ra, nóng và cay xé cổ. Chủ nhà người dân tộc Tày cho biết từ đây, nếu du khách không muốn trở lại bằng con đường cũ, đã có sẵn đội ngũ xe ôm đưa khách ra quốc lộ cách đó không xa để tiếp tục cuộc hành trình...

 

Nguyễn Khánh Linh

 (Cộng tác viên)

 

 

 

  • Từ khóa