Thứ 6, 02/08/2024, 05:22[GMT+7]

Đồ Sơn Những điều chưa khám phá

Thứ 5, 12/01/2012 | 14:58:02
6,170 lượt xem
Một ngày nắng ấm trong tiết trời mùa đông cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm Khu du lịch Ðồ Sơn (Hải Phòng). Ngoài là mảnh đất nổi tiếng với bãi biển mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, Ðồ Sơn còn được biết đến với những vùng đất linh thiêng từ những đền, chùa cổ kính đã có hàng ngàn năm tuổi.

Ðền Cô Chín suối Rồng (Phường Ngọc Xuyên).

Ðiểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đó là Long Sơn Linh Tử cửa Cô Chín Suối Rồng. Nằm trên núi Thanh Sơn - bốn mùa xanh, đền Cô Chín Suối Rồng thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên. Theo sử sách kể lại, xưa kia đây là làng Ngọc Tuyền nằm trên núi Ngọc, đến thời nhà Nguyễn gọi là làng Ðồ Hải và đến năm 1945 đổi thành Ngọc Xuyên. Bấy giờ, cả đền Cô là cát, bốn bề là nước. Năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân tại cửa đền và phong vế đối. Cho đến nay, sau 953 năm, câu đối ấy vẫn còn nguyên vẹn:

“ Mẫu ngự long sơn linh thiên cổ

Ðế tuyền tự tại độ vạn dân”

 

Cùng với câu đối, hiện nay, trong đền còn lưu giữ nhiều pho tượng đã có từ hàng ngàn năm và những quả chuông, những di vật để lại từ thời xa xưa. Nói về suối Rồng, ông Hoàng Gia Bổn - chủ trì đền cho biết: Người Ðồ Sơn đã ở đây trên 1300 năm mà chưa bao giờ dòng suối ngừng chảy.Về mùa đông nước ấm, mùa hè nước mát; đặc biệt nước suối Rồng không hề có cấn, đúng như câu vịnh của ông khóa Hữu họ Hoàng Xuân:

“Nước suối Rồng vừa trong vừa mát

Ðường Ðồ Sơn lắm cát dễ đi”

 

Nước suối Rồng chính là nhân chứng của lịch sử, hiện tại và tương lai. Hàng năm, vào ngày khai hội (9 tháng 9 âm lịch), đền đón hàng nghìn du khách không chỉ ở trong nước mà còn cả khách quốc tế đến thắp nhang, thưởng ngoạn.

 

Sau khi thăm quan đền Cô Chín suối Rồng, trải qua chặng đường leo dốc gần 3km, chúng tôi đến chùa tháp Tường Long - ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Ðồ Sơn. Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Ðồ Sơn) được xây vào thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc phật giáo này được xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên, bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 1900. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tượng A-di-đà. Công trình được xây bằng gạch và đá có kích thước khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý.

 

Theo sách “Ðại Việt sử lược” thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây và cho xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn đặt cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là “Thấy rồng vàng hiện lên” để ghi nhớ điềm lành. Qua thư tịch cổ và những vết tích còn lại, tháp Tường Long là khu tượng đài hoành tráng nhà Phật, một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà vua ở miền biển Ðông Bắc của quốc gia Ðại Việt. Ngọn tháp này đã từng được liệt vào hạng đại danh lam cùng với chùa Long Ðọi (Duy Tiên - Nam Hà), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo... (Hà Nội), tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Hà)... dưới triều nhà Lý (1010 - 1225). Ðây là một trong những công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Quốc gia.

 

Cũng trong hành trình đến khu du lịch Ðồ Sơn, chúng tôi ghé thăm bến K15 thuộc di tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại đây, tiểu đoàn 3 - Trung đoàn công binh 83 thuộc Bộ Tư lệnh công binh (sau này thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) đã xây dựng cầu tàu Ðồ Sơn - nơi xuất phát đầu tiên, chủ yếu của những con tàu không số, đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam mở tuyến đường chiến lược “Ðường Hồ Chí Minh trên biển”. Chuyến tàu đầu tiên (11/10/1962-16/10/1962) chở 30 tấn vũ khí do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng 13 chiến sỹ đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Trong 10 năm (1962-1972), gần 100 lượt tàu vận tải đã đưa hàng nghìn cán bộ và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Namon> thống nhất đất nước.

 

Rời Ðồ Sơn, dù đã trở về với công việc thường nhật song cảm xúc về những nơi đã đi qua vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người trong đoàn chúng tôi. Ai cũng mong rằng sẽ có dịp được trở lại Ðồ Sơn trong một ngày không xa…

 

Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa