Thứ 5, 09/05/2024, 11:46[GMT+7]

Làm báo ở miền núi

Thứ 5, 14/06/2012 | 09:57:25
1,624 lượt xem
Cho đến bây giờ, nhắc đến hai từ “miền núi” nhiều người hẳn vẫn lắc đầu ngán ngẩm với suy nghĩ đó là nơi “rừng thiêng nước độc”. Nhưng với tôi, cái nơi rừng thiêng, nước độc ấy đã cho tôi nhiều kỷ niệm, và bài học đáng nhớ trong những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề báo.

Thiếu nữ vùng cao. Ảnh: PHI HẢI

Ngày ấy, khi vừa tốt nghiệp đại học tôi được nhận vào làm việc ở đài truyền hình một tỉnh miền núi. “Sự kiện” ấy khiến nhiều người xung quanh nhìn tôi với con mắt ái ngại. Họ ngại cũng có lý bởi khi ấy tôi chỉ mới gần...41 kg. Bé như cái kẹo thì làm sao leo được núi? Quả thực, với sức vóc hạn chế đã không ít lần tôi nghĩ mình khó mà theo được nghề.

Còn nhớ có một nhà báo nữ nào đó đã nói rằng “Làm báo ở miền núi, liễu yếu đào tơ vẫn phải lăn như bóng”. Tôi thấy câu nói ấy sao mà đúng quá. So với làm báo ở miền xuôi, làm báo ở miền núi khó khăn hơn rất nhiều. Nếu như ở miền xuôi, đi huyện xa nhất cũng có thể sáng đi trưa về, chiều có mặt ở cơ quan. Còn ở miền núi, đi nơi gần cũng cách trung tâm thị xã hơn 20 km, còn nơi xa nhất lên đến hàng trăm km. Phóng viên nữ cũng phải lăn lộn như đàn ông, chịu cái rét thấu da thịt có khi còn phải đội trời mưa vượt suối. Phóng viên “không mơ” được đi tác nghiệp bằng ô tô. Phương tiện chủ yếu là chiếc xe máy. Làm phóng viên báo in còn đỡ phần vất vả bởi phương tiện mang theo đơn giản, đối với phóng viên báo hình thì nỗi cực nhọc tăng gấp nhiều lần.

Một kỷ niệm tôi không khi nào quên đó là lần tôi cùng một phóng viên đi làm phóng sự ở một trang trại cách trung tâm xã gần 10 km đường rừng. Ði được được chừng 3, 4 cây số là chân tôi đã thấy mỏi không muốn bước. Chúng tôi phải lấy tay bám vào cây mọc bên đường để kéo chân bước lên. Trời mùa đông mà áo người nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Vượt qua chặng đường đến được trang trại thì chỉ thấy thấy trang trại rỗng không. Hỏi vài người làm rẫy quanh đó mới biết cách đấy ít ngày, gà lợn của trang trại bị dịch bệnh chết hết nên chủ trang trại đã về nhà rồi. Vì thời điểm ấy thông tin còn hạn chế nên cán bộ ở xã chưa nắm được tình hình. Dở khóc, dở cười, chúng tôi chỉ còn biết lủi thủi quay về. Vừa mệt, vừa đói, trên lưng còn đeo chiếc túi đựng máy quay nặng cả chục kg khiến hai đầu gối của tôi như muốn khụy xuống. Sau này có lúc nhớ  lại chuyến đi đó tôi vẫn thấy “tái mặt”.

Nhưng cái đó chưa đáng sợ bằng cảm giác những lúc phải đi một mình ở nơi hoang vắng để tác nghiệp. Vùng quê nơi tôi về công tác khi ấy vừa mới tách tỉnh còn rất hoang vu. Ðường đi lắm dốc, nhiều đèo, dân cư thưa thớt. Nếu đi làm truyền hình, chúng tôi đi theo kíp từ 2 đến 3 người. Còn nếu làm truyền thanh, phóng viên chỉ làm bạn với cây bút, quyển sổ và chiếc máy ghi âm. Vì thế, không ít lần đi về cơ sở tác nghiệp, một mình  trên đường hun hút, có khi đi cả chục cây số không có lấy một nóc nhà khiến đứa con gái vừa rời ghế nhà trường như tôi bao phen muốn “đứng tim” vì sợ... ma.

 Bén duyên với nghề báo, đến bây giờ khi đã có một khoảng thời gian trong nghề và cũng không còn công tác ở miền núi. Sự khắc nghiệt, khó khăn giúp tôi trau dồi kinh nghiệm, càng thêm gắn bó yêu nghề. Khi trở về miền xuôi tiếp tục nghề báo, nhờ sự nỗ lực của bản thân mà tôi và nhiều phóng viên từng công tác ở miền núi đã có được sự trưởng thành về tuổi đời, tuổi nghề.

Ngọc Hân

  • Từ khóa