Thứ 2, 29/07/2024, 09:15[GMT+7]

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Đông Hưng Chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa mùa

Thứ 5, 12/07/2012 | 14:44:50
1,552 lượt xem
Những năm qua, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Hưng luôn được chú trọng, các mùa vụ đều đạt năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) huyện.

Các địa phương ở huyện Đông Hưng tập trung phương tiện làm đất gieo cấy vụ mùa. Ảnh: Thành Tâm

Để phục vụ cho 12.100ha lúa mùa năm nay, Xí nghiệp sẽ điều hành linh hoạt hệ thống cống đập, bảo đảm điều tiết đủ nguồn nước bơm tát phục vụ sản xuất từ lúc làm đất gieo cấy đến khi thu hoạch, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống úng có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra.

Vụ mùa năm 2012, công tác điều tiết nước sẽ thuận lợi hơn mọi năm bởi nhiều xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa, trong đó việc chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa đã tạo thuận lợi rất lớn cho việc điều tiết nước. Xí nghiệp đã chủ động cấp đủ nước để giữ lấm, lấy nước sớm để làm đất gieo mạ mùa, đặc biệt là với 2.000ha lúa mùa sớm tập trung ở chân đất vàn, vàn cao, gieo bằng các giống lúa ngắn ngày như Nếp 87, Hương thơm 1, Bắc thơm 7, Khang dân... 

Xác định trong tháng 7 là thời kỳ cao điểm làm đất và cấy lúa đại trà nên Xí nghiệp sẽ điều tiết nước bảo đảm đủ cho làm đất và tưới dưỡng cho trà lúa đã cấy. Sau khi cấy xong, giai đoạn đầu Xí nghiệp không tổ chức lấy sa mà chỉ điều tiết nước hệ thống bảo đảm đủ nước cho tưới dưỡng. Khuyến cáo các địa phương không được lấy sa, lấy nước tự chảy bằng sông chìm, nếu hạn phải bơm tát và chỉ được lấy sa kết hợp tưới dưỡng qua máng nổi. Các cống cuối sông tưới phải luôn đóng để giữ nước, chỉ mở để tiêu khi mực nước vượt nước khống chế.

Những trạm bơm lấy nước ở sông chuyên tiêu như Tiên Hưng, Sa Lung, Thống Nhất phải theo dõi sát tình hình mực nước để chủ động tránh bơm khi mực nước thấp. Tới khi lúa đã lên cao, vùng cấy lúa mùa trà sớm đã vào thời kỳ đứng cái làm đòng, trổ bông, Xí nghiệp sẽ điều tiết nước hợp lý cho từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa và phòng chống úng, lũ, bão. Tới cuối vụ mùa, tiếp tục giữ đủ nước cho lúa trổ bông kết hạt.

Trong công tác phòng chống úng, ngay từ đầu vụ Xí nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống úng, lũ, bão.  Xuất phát từ hiện trạng công trình và yêu cầu sản xuất, Xí nghiệp xây dựng phương án và bố trí nhân lực vận hành, kiểm tra hệ thống kênh mương, hệ thống cống đập và bờ vùng chống úng xong trước ngày 30/6. Chỉ đạo các trạm bơm bảo dưỡng máy, ty van đóng mở cống, giải phóng dòng chảy. Vận động các cụm, xã tích cực giải phóng dòng chảy, thu dọn đăng đó, vó bè, trang bèo, vật cản, đất lấn chiếm dòng sông và xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm. Kết quả, toàn huyện đã giải phóng được 850.000m2 bèo bồng, 85 đăng đó.

Đến thời điểm này, hệ thống sông trục, sông dẫn đã cơ bản thông thoáng, không có điểm nào bị ách tắc nghiêm trọng. Trong trường hợp mưa lớn xảy ra úng, Xí nghiệp sẽ xử lý theo hai phương pháp là bằng hệ thống máy động lực và tự chảy. Ngoài 3 vùng tiêu chính với gần 2.000ha được tiêu bằng động lực, còn lại 10.000ha sẽ được tiêu bằng tự chảy qua hệ thống kênh mương nội đồng, 6 sông chính như sông Sa Lung dài 15km, sông 217 dài 6km, sông Quán Dô dài 6,6km.... và hệ thống cống đập nội đồng có dàn cánh.

Theo phương án của Xí nghiệp đề ra, trong tháng 7 này nếu lượng mưa từ 100 - 150mm sẽ kết hợp chặt chẽ với sự điều hành chung của hệ thống tiêu tự chảy là chính và kết hợp tiêu bằng động lực cho từng vùng úng trọng điểm. Xuất hiện lượng mưa từ 150 - 200mm sẽ chủ động tiêu ngay bằng động lực cho các vùng trọng điểm. Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 là trọng tâm của mùa mưa bão, nếu bão lũ xuất hiện trùng hợp, dựa trên dự báo thời tiết và con nước để kết hợp chặt chẽ thao tác vận hành hệ thống công trình, tháo cạn lòng sông trước khi mưa bão xảy ra...

Ngoài ra, để tạo điều kiện thu hoạch nhanh lúa xuân, giữ lấm, kịp thời gian làm đất, gieo cấy lúa mùa, nhất là trên các diện tích cấy để trồng cây vụ đông ưa ấm, hệ thống còn tổ chức lấy sa đầu vụ trong các ngày triều cường có đỉnh cao vào tháng 6 và tháng 7 theo 3 đợt và lấy sa tự chảy máng nổi. Trong đó, đợt 1 hệ thống đã tiến hành thay nước, thau rửa xong trước ngày 19/6, đợt 2 triều cường từ 1-5/7 chỉ lấy nước thau rửa kết hợp giải phóng dòng chảy đảm bảo giữ nước, giữ lấm, không lấy sa đại trà. Từ 16-22/7 là thời kỳ cấy rộ lúa mùa nên không tổ chức lấy sa mà chỉ mở cống lấy nước vào hệ thống để bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.

Để phương án được thực hiện hiệu quả cao, Xí nghiệp cũng mong các cấp tích cực chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác giải tỏa lấn chiếm dòng chảy, đặc biệt là các điểm nóng như chợ Khô (xã Hoa Lư), ngã ba Đợi (xã Đông Sơn). Tỉnh cần tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để nạo vét hệ thống sông trục, cải tạo trạm bơm Hậu Thượng, khoanh bờ vùng chống úng. Các xã nên làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, khoanh vùng chống úng, tu bổ, tôn cao bờ vùng chống úng bảo đảm khép kín vùng úng để việc bơm tiêu đạt hiệu quả tốt. Ngành điện cần bảo đảm việc cấp điện thường xuyên liên tục để phục vụ cho công tác bơm nước, nhất là các trạm bơm chống úng lớn.

                        Thu Thủy

 

  • Từ khóa