Thứ 2, 29/07/2024, 09:23[GMT+7]

Ông Nguyễn Văn Thế làm giàu từ cây cảnh

Thứ 6, 20/07/2012 | 13:39:53
3,660 lượt xem
Hơn 10 năm cống hiến sức lực của mình để bảo vệ Tổ quốc, ông cũng như bao người khác lại trở về quê hương - nơi chôn rau cắt rốn của mình để sinh sống. Nhưng ông lại có một mơ ước đó là làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Niềm đam mê, sự tìm tòi học hỏi và cái tài, khéo về nghệ thuật làm cây cảnh đã giúp ông vươn lên trở thành hộ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Thế chăm sóc vườn cây phát lộc

Ông đã nhiều năm liền được các cấp Hội Nông dân, UBND tỉnh, huyện khen thưởng. Ông là Nguyễn Văn Thế - thôn Ðình Phùng - xã Minh Tân (Ðông Hưng). Ông Thế cho biết: Sau khi đi bộ đội từ năm 1976 đến 1989 trở về quê nhà, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Ông đã trăn trở không biết nên làm gì để cải thiện đời sống. Cho tới những năm 1990 ông thấy một số nơi trồng đào, ông đã tò mò đạp xe sang đất Nam Ðịnh để mua đào giống về trồng và học luôn kỹ thuật ở đó. Sau khi mang đào về, ông vừa trồng vừa phổ biến cho bà con quanh xóm và đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Từ đó ông cũng như các hộ dân khác bắt đầu đưa các loại cây cảnh vào trồng và tự tìm hiểu về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây.

Tới khi Tỉnh ủy có nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, Ðảng ủy xã Minh Tân đã quy hoạch 3 cánh đồng tại 2 thôn với tổng diện tích 33,5ha, trong đó thôn Ðình Phùng 18ha để chuyển đổi từ mô hình cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh. Từ đó phong trào làm vườn của các hộ dân đã phát triển mạnh mẽ trong toàn xã. Ông đã được Hội Nông dân đứng ra tín chấp vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất, mua cây giống về làm. Thời điểm đầu, mô hình trồng cây cảnh chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao do ít vốn, thị trường chưa rộng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Tới năm 2005, sau khi ông được tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng hoa, cây cảnh do Hội Nông dân xã tổ chức, ông đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 50 triệu đồng để trồng hoa, cây cảnh trên toàn bộ diện tích chuyển đổi, trong đó 2,5 sào cây sanh, 2,5 sào đào, còn lại là trồng hoa và cây phát lộc. Tới năm 2006, khi cây đào được thị trường tiếp nhận, ông đã bán được 250 cây với số tiền lãi là 60 triệu đồng. Với 2 sào trồng hoa và cây phát lộc ông lãi 50 triệu đồng, thu nhập từ cây cảnh cũng đạt tới 70 triệu đồng. Với mức lãi như trên ông đã có thu nhập ổn định và trả nợ được ngân hàng.

Theo ông Thế, làm nghề trồng hoa, cây cảnh phải có sự đam mê, sự khéo léo của đôi tay và sự sáng tạo, linh hoạt thì mới ‘’cắt’’ ra tiền. Ðiển hình như cây sanh, ngoài sự tinh vi, khéo léo và trình độ cắt tỉa, người làm cây phải am hiểu thị trường, biết trước được xu hướng để lựa cây theo nhu cầu khách hàng. Vì thế mà khi thời điểm giá cây cảnh sốt cao nhất, ông đã mạnh dạn mua những cây có trị giá 600 triệu đồng về cắt tỉa, uốn cây theo kiểu dáng mới  lập tức đã có giá tới trên 1 tỷ đồng/cây. Hay đơn giản hơn từ việc trồng hoa, biết trước  hiện nay người dân hay dùng hoa đĩa để thắp hương vào các ngày mùng 1, rằm  nên ông đã trồng các loại hoa như cúc, xuxi, mào gà... để bán với giá 2.500đồng/đĩa, bình quân thu nhập từ loại hoa này đạt trên 1 triệu đồng/tháng. Ðặc biệt, cây phát lộc là cây có lợi nhuận cao nhất, không mất tiền giống, chỉ việc cắt cành dâm xuống đất để cây bật mầm mới và làm ghép trên chậu theo hình tháp từ 3 đến 13 tầng sẽ cho thu nhập từ 30.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/chậu.

Bình quân mỗi năm ông bán hàng chục cây sanh có giá trị trung bình 30 - 50 triệu đồng/cây, trên 200 chậu phát lộc, trên 200 cây đào. Trung bình từ năm 2009 – 2011, gia đình ông thu nhập gần tỷ đồng/năm. Năm 2011 là năm các loại cây cảnh có giá cao nhất, ông đã bán được 20 cây sanh, riêng thu nhập từ loại cây này đã thu lãi trên 300 triệu đồng.

Theo ông Thế, nếu không có niềm đam mê, ý chí làm giàu, phát huy bản chất người lính năm xưa thì chỉ với 1,8 triệu tiền thương, bệnh binh như hiện nay ông cũng đủ sống. Bởi làm nghề này để có được sản phẩm, người làm cũng phải mất rất nhiều công sức. Ðiển hình như trồng cây đào, để có một cây đào đẹp phải mất nhiều năm, đào càng nhiều tuổi lại càng nhiều tiền, do đó từ khâu ghép đào, chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế và cho hoa ra đúng thời điểm là cả một hành trình khá vất vả.

 Mặc dù bận mải phát triển kinh tế gia đình, nhưng ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ của địa phương như trưởng thôn, Phó chủ tịch Hội Làm vườn xã, ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã. Không chỉ nâng cao thu nhập gia đình, ông Thế còn tích cực giúp đỡ các hội viên nông dân trong xã về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và cây giống. Ðến nay, 18 ha vùng chuyển đổi của thôn Ðình Phùng đã phủ kín hoa, cây cảnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông.  

 

Bài, ảnh: Thủy Thanh

  • Từ khóa