Thứ 2, 29/07/2024, 09:23[GMT+7]

Hưng Hà Các làng nghề, doanh nghiệp dệt may hoạt động trầm lắng

Thứ 6, 20/07/2012 | 14:45:04
1,647 lượt xem
Về các làng ghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt, may ở Hưng Hà, không khí sản xuất không còn nhộn nhịp như trước đây, nhiều chiếc máy dệt, máy khăn nằm im ỉm; vắng bóng những chiếc xe chở nguyên liệu vào, chở sản phẩm đi xuất khẩu.

Hàng trăm tấn khăn của Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành chưa xuất được phải đóng gói cho vào lưu kho.

Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đang “méo mặt” vì trong kho tồn hàng trăm tấn khăn không xuất đi được, trong khi đó tiền lãi ngân hàng, tiền trả nhân công và các chi phí khác hàng ngày vẫn đè nặng trên vai các doanh nghiệp vốn đã nhỏ bé nay lại càng điêu đứng hơn. Ông Hoàng Minh Chính, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Hiện nay lượng hàng còn tồn đọng trong các doanh nghiệp, hộ dân khoảng 2.500 tấn khăn, trị giá trên 200 tỷ đồng; nhưng để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động, các doanh nghiệp vẫn phải tổ chức sản xuất cầm chừng để chờ thời cơ, tín hiệu phục hồi kinh tế của các nước nhập khăn.

Người dân Hưng Hà vốn rất tự hào về nghề dệt truyền thống của mình, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Cũng chính nghề dệt, may khăn đã tạo nền tảng cho bao người con đất Long Hưng xưa vươn ra biển lớn, gây dựng thương hiệu trở thành những tỷ phú. Không chỉ thế, nghề này còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, với khoản thu nhập khá cao, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giầu của nhiều hộ gia đình. Để thúc đẩy nghề và làng nghề ngày càng phát triển, trong những năm qua Hưng Hà đã có nhiều giải pháp khuyến khích hộ dân, đầu tư máy móc, công nghệ tham gia sản xuất dệt may ở tất cả các xã, thị trấn, như hỗ trợ 3 triệu đồng/ máy mới.

 Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của nhiều hộ dân huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp Phương La, xã Thái Phương rộng 10,23 ha, doanh nghiệp đầu tư lấp đầy đạt 100% diện tích. Hưng Hà hiện có 14 làng nghề, 2 xã nghề và 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt, may; số máy dệt khăn hiện có gần 5.200 chiếc; ngành dệt may đóng góp tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của toàn huyện. Có những thời điểm sản phẩm dệt may của các làng nghề, doanh nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của khách hàng; lao động phải làm tăng ca, hàng nghìn chiếc máy dệt, máy khăn hoạt động hết công suất nhưng vẫn “cháy hàng”. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2012 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước lạm phát ở mức cao, đầu tư công thắt chặt đã tác động trực tiếp đến môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng dệt, may.

Ông Hoàng Minh Chính, cho biết thêm, năm 2011 các doanh nghiệp xuất khẩu đạt khoảng 1.700 - 1.800 tấn/tháng, nhưng hiện nay chỉ xuất được khoảng 800 - 900 tấn khăn/ tháng; khăn còn tồn trong kho của các doanh nghiệp 2.500 tấn, trị giá 220 tỷ đồng. Do thị trường xuất khẩu, đơn đặt hàng dệt may giảm nên 6 tháng đầu năm 2012 tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của Hưng Hà chỉ tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2011; trong khi đó 6 tháng đầu năm 2011 tăng tới 15,59% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành cho biết: Năm 2011, Xí nghiệp xuất khẩu bình quân 100 tấn khăn/ tháng, giải quyết việc làm ổn định cho 200 lao động trực tiếp và 700 lao động vệ tinh, thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/ người/ tháng; hiện nay Xí nghiệp chỉ xuất được 35 - 45 tấn/ tháng, trong khí đó Xí nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm và thu nhập cho số lao động trên, do đó sản phẩm làm ra đến đâu đa phần phải lưu kho đến đó để chờ đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH dệt may Phúc Cường cho biết: Hiện nay khó khăn chồng lên khó khăn, hàng xuất chỉ bằng 30 - 40% so với năm 2011, sản phẩm vẫn lưu kho hàng trăm tấn không xuất đi được, trong khí đó nợ ngân hàng vẫn phải trả lãi hàng tháng và tiền lương của công nhân…nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài không chỉ tôi mà nhiều doanh nghiệp khác không biết xoay sở ra sao. Theo ông Hoàng Minh Chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nền kinh tế thế giới suy thoái nên thay vì dùng khăn khách hàng chuyển sang dùng giấy để giảm chi phí đầu vào ở các nhà hàng, khách sạn. Đồng thời giá điện, vận tải, nhân công tăng cao nên đã đội giá sản phẩm lên; trong khi đó giá xuất khẩu lại giảm mạnh so với trước đây, năm 2011 giá 1kg khăn xuất đi là 6 USD, nhưng hiện tại chỉ có 3,8 - 4 USD/kg. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã nhập sợi trước đây khá lớn để tích trữ, giá sợi lúc nhập 90 - 100 nghìn đồng/ kg, nhưng hiện nay giá sợi chỉ khoảng 50 nghìn đồng/kg, do đó doanh nghiệp bán đi không được, để sản xuất thì giá xuất lại thấp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp ở Hưng Hà chủ yếu là nhỏ, mới thành lập nên năng lực sản xuất, tài chính còn hạn chế, khó tiếp cận được với các nguồn vốn có lãi suất thấp và tìm kiếm mở rộng thị trường tiệu thụ. Bên cạnh đó là những bất cập khi quy hoạch cụm công nghiệp Phương La, mặt bằng mà các doanh nghiệp nhận được chỉ đủ để sản xuất hộ, không thể mở rộng được quy mô sản xuất nên làm ăn vẫn manh mún. Đa phần các doanh nghiệp, xí nghiệp từ hộ sản xuất đi lên, nguồn vốn hạn hẹp nhưng khi ra cụm công nghiệp Phương La lại phải tự lo từ hệ thống thoát nước, điện, san lấp mặt bằng, đầu ra sản phẩm…; đồng thời đường vào cụm công nghiệp lại chật hẹp nên Container không được phép vào, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng…Với những lý do trên nên khả năng phục hồi của doanh nghiệp, hộ sản xuất sau mỗi lần biến động thị trường là rất chậm, dễ tổn thương, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.

Để tháo gỡ những khó khăn trên cho các làng nghề và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, theo ông Hoàng Minh Chính thì huyện chỉ có khả năng giải quyết được những vấn đề nằm trong quyền hạn và chức năng của mình, như tăng cường cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành dệt may; đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất thấp; sớm quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Phương La để các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh… Ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho biết: Ngân hàng sẽ chung tay tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, bằng việc cho vay ưu đãi, với nguồn vốn đã bố trí là 55 tỷ đồng; trước đây lãi suất trên 13%/năm, từ ngày 11/7/2012 đến hết ngày 25/12/2012, lãi suất sẽ được áp dụng là 11%/năm.

                       Nguyên Bình

  • Từ khóa