Thứ 2, 29/07/2024, 09:15[GMT+7]

Thái Thụy Trăn trở mùa thu hoạch tôm

Thứ 3, 24/07/2012 | 13:56:33
2,121 lượt xem
Thời điểm cuối tháng 6/2012, vụ tôm xuân - hè ở Thái Thụy bắt đầu cho thu hoạch và được đánh giá là được mùa. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các chủ ao đầm vẫn lo lắng, chần chừ chưa muốn xuất tôm vì chi phí đầu tư: cải tạo ao đầm, giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng trong khi giá tôm thương phẩm lại xuống thấp.

Vùng đầm nuôi tôm công nghiệp của HTX NTTS Minh Hải ( xã Thụy Xuân).

Chúng tôi về Thụy Xuân một ngày đầu tháng 7, ra vùng đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của HTX Minh Hải, dù đang đúng mùa thu hoạch nhưng không thấy một bóng người, chỉ thấy máy sục khí trên các ao nuôi chạy ào ào, tung bọt trắng xoá. Anh Hà Văn Quang chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 sào ao, trước đây nuôi con tôm sú quảng canh nhưng hiệu quả không cao nên 3 vụ nay chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp, lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ. Vụ này, tôi thả 20 vạn tôm giống, tổng chi phí  hết hơn 60 triệu đồng. Đến nay, tôm xuống giống được 73 ngày, đủ kích cỡ đánh bắt nhưng  vẫn đang đắn đo, tính toán chưa biết bán theo hình thức nào vì nếu kéo hết một mẻ bán cho thương lái thì thấp hơn giá thị trường từ 7 đến 10 giá, còn nếu hai vợ chồng đem bán lẻ ngoài chợ, giá cao hơn nhưng phải mất 10 ngày trong khi tiền điện, chi phí thức ăn, thuốc mỗi ngày bình quân mất cả triệu đồng. Tôi tính toán với giá như hiện nay, dù có bán hết những ao tôm này thì thu nhập của gia đình sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái”.

Ông Bùi Đức Ninh, Chủ nhiệm HTX NTTS Minh Hải cho biết: HTX hiện có 202 xã viên nuôi trên diện tích 48,87 ha. Sau nhiều năm ở trong vòng luẩn quẩn “được mất” với con tôm sú thì những năm gần đây HTX và xã viên đã đầu tư cải tạo ao đầm, nuôi trồng theo hình thức đa canh, đa con: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua gột, cá vược, cá song, rau câu, rô phi… Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi theo mô hình công nghiệp, trở thành “đại gia” nhờ nuôi cá, nuôi tôm. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 320,4 triệu đồng. Nhưng năm nay, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn hơn do giá giống, thức ăn tăng khoảng 10%, thuốc thú y tăng khoảng 20% so với năm ngoái, nhưng giá tôm thương phẩm lại xuống thấp, đầu vụ mỗi ki-lô-gam còn bán được 120 ngàn đồng, giờ giảm xuống chỉ còn 100 ngàn đồng. Hiện nay, toàn HTX mới có mấy chục hộ thu hoạch, số còn lại vẫn đang đợi giá lên, nhưng nếu giữ tôm thương phẩm trong ao thì phải sục khí suốt cả ngày đêm, tốn thức ăn mà trọng lượng không tăng. Thông lệ ra càng rộ mùa, tôm thu hoạch nhiều giá sẽ còn xuống thấp, chưa kể hiện  kênh cấp, kênh tiêu nước cho vùng nuôi trồng vẫn dùng chung, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn, lúc đó bà con sẽ còn thiệt hơn”.

Ở Thụy Trường, người dân cũng đang thấp thỏm lo âu với con tôm. Anh Phạm Vũ Tuyên, Chủ nhiệm HTX NTTS Đồng Xuân (Thụy Trường) cũng là hộ có thâm niên NTTS 10 năm nay cho biết: “Toàn xã có 262 ha NTTS, 22 ha vùng chuyên canh tôm cua cá,  240 ha đầm biển nuôi tôm sú theo phương thức quảng canh cải tiến. Sau khi thả, người nuôi chỉ phải cho ăn 1 hoặc 2 tháng đầu, sau đó tôm ăn thức ăn tự nhiên đến khi thu hoạch. Nuôi theo phương thức này tốn ít chi phí nhưng dễ gặp rủi ro, chỉ cần lũ lụt, một trận bão quét qua hay gặp dịch bệnh chủ đầm sẽ trắng tay. Do vùng nuôi chưa có quy hoạch, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên vụ này tôm sinh trưởng và phát triển chậm, sau 4 tháng nuôi mỗi sào thu hoạch chỉ đạt bình quân từ 7 đến 8 kg/sào, thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, công lao động nguồn còn lại còn chẳng đáng là bao”.

Thái Thụy có gần 1.484,6 ha diện tích ao đầm (NTTS) nước lợ, trong đó phần lớn diện tích nuôi quảng canh tôm sú. Các chủ ao đầm ở đây ví nghề nuôi tôm như nuôi con mọn, đêm hôm, sớm tối vẫn phải lọ mọ ở trên đầm. Quá trình từ khi cải tạo, xử lý ao nuôi đến khi thả giống và chăm sóc đều rất tỷ mỉ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thuận lợi, mỗi năm nuôi tôm có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có năm con tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt hoặc gặp mưa bão khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ, khánh kiệt cả gia sản. Nhưng vì kế sinh nhai, miếng cơm manh áo, lâu nay, nông dân vẫn phải bám đầm quyết tâm làm lại, không từ bỏ hi vọng gỡ gạc lại ở những vụ sau. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: năm nay, Thái Thụy nuôi thả 92,5 triệu con tôm sú trên diện tích 1.181,1 ha, 12,3 ha nuôi 11,7 triệu con tôm thẻ chân trắng, 291,2 ha nuôi cua, cá và các đối tượng khác.

Quá trình nuôi, bà con tích cực đầu tư tiền, công sức cải tạo ao đầm, thả giống đúng lịch thời vụ, bảo đảm mật độ đồng thời chú trọng khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh nên tôm phát triển đồng đều. Sau 4 tháng, thấp thỏm đợi chờ, đến nay hầu hết các hộ nuôi đều bắt đầu thu hoạch, trong đó 80% hộ được mùa. Tôm thẻ chân trắng năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/ha, tôm sú nuôi quảng canh vùng đầm trong đê đạt 420kg/ha, nuôi đầm biển đạt 200kg/ha.

Nỗi lo mất mùa vừa được giải toả thì người nuôi tôm lại đối mặt với nỗi lo rớt giá. Tôm thẻ chân trắng loại từ 60 đến 80 con/kg hiện bán với  giá 100 ngàn đồng/kg (năm ngoái có thời điểm bán 140 ngàn đồng/kg), tôm sú loại 30 con/kg giá từ 220 đến 250 ngàn đồng/kg (năm ngoái bán 280 đến 300 ngàn đồng/kg). Trong khi lâu nay đầu ra cho con tôm không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và đến mùa vụ thu hoạch người dân thường bị ép giá. Ước tính, tổng sản lượng tôm thu hoạch toàn vụ của Thái Thụy đạt khoảng 328 tấn, tăng gần 30 tấn so với năm 2011. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay, nhiều người tính toán mỗi héc-ta nông dân thiệt hơn từ 10 đến 20 triệu đồng so với năm ngoái, chưa kể phần tăng: công cải tạo ao đầm, tiền giống, thức ăn, thuốc thú y, điện….

Đầu vào tăng mạnh, đầu ra không ổn định, thường bị ép giá, cộng thêm yếu tố hạ tầng thủy lợi vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, luôn phải đối mặt với rủi ro, dịch bệnh, đó chính là những khó khăn mà người nuôi tôm ở Thái Thụy đang gặp phải. Họ rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để  yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.

                     Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa