Thứ 2, 29/07/2024, 09:16[GMT+7]

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể Cần sự nỗ lực từ hai phía

Thứ 5, 26/07/2012 | 09:38:12
1,574 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, đến nay, toàn tỉnh có 531 HTX (tăng 46 HTX so với năm 2001), trong đó 327 HTX dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) làm muối, thủy sản và 204 HTX phi nông nghiệp. Đến ngày 31/12/2011, tổng doanh thu của các HTX đạt 505,143 tỷ đồng, tăng 1,78 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 40,834 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2001.

Nhờ nguồn vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân, nhiều gia đình xã Thụy Văn (Thái Thụy) đã đầu tư phát triển chăn nuôi. Thành Tâm

Nỗ lực trong công tác chỉ đạo
Đạt được các kết quả đó là do trong những năm qua, Thái Bình đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, tìm kiếm các mô hình sản xuất khác nhau thích ứng với điều kiện địa phương. Ngay sau khi Nghị quyết 13 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 28 về tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX); ban hành Đề án số 29 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); đồng thời tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh triển khai quán triệt các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh. Bên cạnh đó, Thái Bình còn tập trung chỉ đạo tổng kết việc chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật HTX; xây dựng đề án, kế hoạch, đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong từng ngành, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động đưa nội dung sơ kết Nghị quyết 13 vào chương trình làm việc hàng năm, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động của HTX trong từng lĩnh vực, từng địa phương.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến huyện thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13, Thái Bình còn ban hành một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, kinh tế hộ gia đình như: tổ chức 240 lớp cho gần 3.000 lượt cán bộ HTX học tập kiến thức quản trị kinh doanh và chuyên môn nghiệp vụ với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng; giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các HTX; giúp các HTX có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Ngoài ra, Thái Bình cũng tăng cường chỉ đạo công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận với các chính sách ưu đãi và được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Sự phấn đấu vươn lên của các HTX
Trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 13, toàn tỉnh có 485 HTX bao gồm 318 HTX dịch vụ nông nghiệp và 167 HTX phi nông nghiệp, trong đó phần lớn các HTX bế tắc về phương hướng sản xuất kinh doanh, hiệu quả hoạt động còn thấp. Kể từ khi có Nghị quyết 13, với sự nỗ lực chỉ đạo của các cấp, các ngành, hầu hết các HTX trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, hoạt động ổn định và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phần lớn số HTX đã có sự chuyển biến về chất: bộ máy quản lý, điều hành tinh giản; năng lực nội tại của các HTX kể cả nguồn nhân lực, vốn, tài sản và cơ sở vật chất dần được nâng lên. Nhiều HTX đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng các loại hình dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tăng năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Các HTX DVNN đã thể hiện tốt vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện quy hoạch, phân vùng và bố trí sản xuất. Bên cạnh đó, các HTX DVNN còn tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, khắc phục tình trạng thua lỗ kéo dài trước đây, nhiều HTX đã có tích lũy để tái đầu tư phát triển. Trong xây dựng nông thôn mới, vị trí và vai trò của HTX DVNN đang được củng cố và khẳng định.

Đối với Quỹ tín dụng nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ Chính trị “Về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân”, hệ thống các quỹ tín dụng cơ sở cơ bản khắc phục được yếu kém, vươn lên hoạt động bình thường, kinh doanh có lãi, tăng tích lũy, đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động. Các quỹ tín dụng đã hỗ trợ tích cực cho các thành viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi cho vay nặng lãi ở các địa phương. Các HTX tiểu thủ công nghiệp đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, liên doanh, liên kết, mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm duy trì ổn định việc làm và tăng thu nhập cho đời sống xã viên. Với những kết quả đã đạt được, năm 2011, toàn tỉnh có 378 HTX khá giỏi, 123 HTX trung bình và 30 HTX yếu kém.

Từ nay đến năm 2015, Thái Bình phấn đấu khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém của các HTX, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế tập thể ở các ngành và các lĩnh vực kinh tế; phấn đấu có trên 20% số HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đạt tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực từ chính các HTX, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với khu vực KTTT, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời giúp các HTX phát triển sản xuất, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành và phát triển các hình thức tổ chức hợp tác mới, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế hộ và đưa kinh tế - xã hội của các địa phương ngày càng phát triển hơn.

Minh Hương

 

 

  • Từ khóa