Thứ 2, 29/07/2024, 09:22[GMT+7]

Khu vực kinh tế HTX Vượt qua khó khăn thách thức, không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước

Thứ 2, 30/07/2012 | 15:22:46
1,468 lượt xem
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 65 năm qua, cùng với lịch sử kháng chiến kiến quốc và đổi mới, hội nhập của dân tộc, khu vực kinh tế HTX đã vượt qua khó khăn thách thức, không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chế tác sản phẩm ở HTX chạm bạc Phú Lợi (Lê Lợi - Kiến Xương). Ảnh: NGỌC LINH

Trên thế giới, HTX đầu tiên được hình thành vào năm 1761 tại Vương quốc Anh sau đó phát triển ra ở hầu hết các nước trên thế giới. ở mỗi nước đều có hệ thống tổ chức HTX từ cơ sở đến toàn quốc, từng khu vực đến châu lục và toàn thế giới. Liên minh HTX Quốc tế

(ICA) là tổ chức cao nhất của phong trào HTX trên toàn thế giới và từ năm 1946, ICA trở thành đối tác của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề kinh tế - xã hội thông qua ủy ban kinh tế - xã hội (COPAC) của Liên Hiệp Quốc. Ở Việt Nam, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do, căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ vần công, tổ đổi công. Trong phong trào đó, ngày 8/3/1948, từ một tổ sản xuất chai lọ thủy tinh phục vụ kháng chiến, HTX thủy tinh Dân Chủ được thành lập tại An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của phong trào HTX ở Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau giai đoạn thí điểm xây dựng các HTX và các hình thức hợp tác giản đơn, giai đoạn 1958-1960, cả nước đã có trên 50.000 HTX được thành lập. Năm 1955, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập hệ thống tổ chức Ban quản lý HTX mua bán từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành quản lý Nhà nước nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX.

Giai đoạn 1961-1965, các HTX nông nghiệp nhanh chóng chuyển biến phương thức sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp, phân tán thành sản xuất tập trung, đưa máy móc, công cụ và kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; các HTX TTCN cũng tích cực cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; các HTX mua bán cơ sở được chuyển về xã và mạng lưới mua, bán được mở rộng đến tận thôn, bản; các HTX tín dụng cũng được phát triển mạnh ở khắp các vùng, miền trên miền Bắc. Năm 1961, Đại hội đại biểu toàn quốc các HTX TTCN được tổ chức, Liên hiệp HTX TTCN từ Trung ương đến các địa phương được thành lập đã trở thành chỗ dựa giúp các HTX tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo ra mối quan hệ liên kết giữa các HTX. Từ năm 1975 đến nay, khu vực kinh tế HTX ở nước ta đã từng bước thoát ra khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới, tiếp tục có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế, bình quân giai đoạn 2000-2010 chiếm khoảng 15-16% GDP của cả nước. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, các HTX còn giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống.

Tại Thái Bình, với đặc thù là tỉnh thuần nông nên khu vực kinh tế HTX cũng mang nhiều nét riêng biệt. Trong phong trào hăng say sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, thời điểm những năm 1960 toàn tỉnh có tới 3.000 HTX nông nghiệp. Sau năm 1976 nâng lên quy mô toàn xã, toàn tỉnh còn 362 HTX nông nghiệp. Đối với HTX phi nông nghiệp, tại thời điểm cao nhất (1978-1988), toàn tỉnh có 626 HTX, trong đó 282 HTX mua bán, 280 HTX tín dụng, 115 HTX TTCN, 34 HTX giao thông vận tải và 15 HTX xây dựng. Được đánh giá là tỉnh có HTX phát triển mạnh, riêng lĩnh vực TTCN nhiều năm dẫn đầu cả nước, HTX mua bán 8 năm liền được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Nội thương. Suốt mấy chục năm, các HTX được hướng dẫn về tổ chức hoạt động và quản lý theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Sự phù hợp với cơ chế kinh tế đã khiến các HTX kiểu cũ phát triển mạnh mẽ, phát huy được tác dụng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, kinh tế đất nước đổi mới, nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước với sự đa dạng về thành phần kinh tế đã đưa các HTX vào guồng vận hành chung đầy thử thách, các HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhiều HTX phải ngừng hoạt động và giải thể, một số ít HTX tự vận động tìm hướng đi phù hợp với điều kiện mới. Ngay sau khi Quốc hội đã thông qua Luật HTX và Chính phủ ban hành Nghị định 16 về việc chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo Luật, đại đa số các HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi, đăng ký hoạt động theo Luật HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 531 HTX, trong đó 327 HTX dịch vụ nông nghiệp, làm muối, thủy sản, 85 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 84 HTX điện năng, 21 HTX TTCN, 5 HTX thương mại và 9 HTX vận tải. Trong giai đoạn hiện nay, các HTX đã từng bước khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của mình trong nền kinh tế địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các loại hình HTX trong tỉnh đều hoạt động ổn định và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, số HTX mới thành lập chưa nhiều nhưng đa số bảo đảm yêu cầu về nguyên tắc HTX.

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, các cơ sở kinh tế hợp tác và HTX luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ; điều đó được thể hiện trong rất nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật và các chương trình, dự án phát triển kinh tế tập thể của Nhà nước… Ngày 11/4/1946, Bác Hồ đã viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Namon> kêu gọi tham gia HTX nông nghiệp. Sau 19 năm, cũng vào ngày 11/4/1964, Bác Hồ viết thư gửi Đại hội các HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến. Với những cơ sở và ý nghĩa to lớn đó, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của HTX, đồng thời động viên phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác ở nước ta. Ngoài ra, tại kỳ họp lần thứ 64, Liên Hiệp Quốc còn quyết định lấy năm 2012 là Năm Quốc tế HTX và kêu gọi tất cả các nước thành viên, các cơ quan, các tổ chức trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, các tổ chức HTX quốc gia, khu vực và trên thế giới cùng nhau hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện để các HTX phát triển.

Hưởng ứng Năm Quốc tế HTX 2012, ngay từ đầu năm, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động Năm Quốc tế HTX 2012 và ngày HTX Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng như: phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vị trí, vai trò của HTX; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các đơn vị thành viên; tham mưu giúp cấp ủy các cấp tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh các tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phong trào HTX của tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được, 10 năm qua, các thành viên của Liên minh HTX tỉnh đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 325 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển HTX”, 117 bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, 16 bằng khen của UBND tỉnh và 01 cờ thi đua của UBND tỉnh.

Nguyễn Duy Hanh 

(Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa