Thứ 2, 29/07/2024, 09:31[GMT+7]

Phụ nữ Nam Hồng Tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Thứ 6, 03/08/2012 | 09:35:37
1,381 lượt xem
Nam Hồng vốn là xã thuần nông, 90% dân số gắn bó với đồng ruộng. Nếu chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm thì chỉ đủ ăn, nói gì đến làm giàu. Bài toán làm thế nào để giàu lên nhờ đất khiến không chỉ đội ngũ lãnh đạo xã mà còn cả các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ trăn trở, suy tính tìm lời giải nhiều năm qua.

Nghề khâu nón truyền thống xã Nam Hà - Tiền Hải. Ảnh: Hiền Trâm

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Nam Hồng (Tiền Hải) đã có nhiều việc làm nhằm phát huy nội lực từ hội viên, huy động mọi nguồn lực để tạo việc làm, tăng thu nhập…, coi đây là động lực thúc đẩy phong trào hoạt động của Hội ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Nam Hồng vốn là xã thuần nông, 90% dân số gắn bó với đồng ruộng. Nếu chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm thì chỉ đủ ăn, nói gì đến làm giàu. Bài toán làm thế nào để giàu lên nhờ đất khiến không chỉ đội ngũ lãnh đạo xã mà còn cả các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ trăn trở, suy tính tìm lời giải nhiều năm qua. Để giải bài toán khó này, Đảng bộ xã đã đề ra nghị quyết, quyết định lấy cây lúa làm trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực trồng rau màu, phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm.

Có nghị quyết chỉ đường, Hội Phụ nữ xã kịp thời tổ chức quán triệt thực hiện nghị quyết của Đảng bộ và đề án sản xuất của UBND xã tới toàn thể cán bộ, hội viên. Động viên chị em tranh thủ trà lúa xuân sớm để trồng cây màu. Tổ chức 19 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây màu trên đất 2 lúa cho hơn 1300 lượt hội viên. Sau khi dự lớp tập huấn, các chị em đã chủ động áp dụng kiến thức tiếp thu được vào sản xuất, góp phần đưa năng suất lúa đạt 120-125 tạ/ha/năm, mở rộng diện tích cây vụ đông lên 75 ha.

Tiếp đó, Hội Phụ nữ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các chi hội: Đông Biên Bắc, Đông Biên Nam, Phú Lâm, Phương Giang, Phương Viên làm điểm trồng ngô, rau các loại, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, đậu tương đông, khoai tây đông, khoai tây xuân - là những loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao. Sau đó rút kinh nghiệm, nhân ra cả xã, với 230 ha. Không triển khai một cách tràn lan, mà tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu được đến đấy, đã giúp Nam Hồng tạo ra nhiều cánh đồng đạt giá trị trên 60 triệu đồng/ha, đặc biệt có cánh đồng đạt giá trị 150 triệu đồng/ha. Vì mang lại giá trị kinh tế cao, nên phong trào sản xuất rau màu, cây đậu tương đông ngày càng thu hút đông đảo nhân dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng tích cực tham gia. Nhiều chị trồng từ 3 đến 5 sào đậu tương đông trên đất 2 lúa, như các chị: Mơ, Mai, Kim, Huệ, Lập, Ngoan… tăng đáng kể thu nhập cho gia đình.

Đã tìm được hướng đi, cách làm giàu phù hợp cho hội viên, song phần lớn chị em vẫn gặp khó khăn lớn về nguồn vốn để phục vụ việc đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Hội Phụ nữ xã đã thực hiện nhiều giải pháp tạo nguồn vốn giúp chị em giải bài toán khó “buôn tài không bằng dài vốn”, như: đứng lên tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, số dư vốn vay đến nay là gần 1,5 tỷ đồng, cho 140 chị vay.

Để đồng vốn thực sự giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, một mặt Hội Phụ nữ hướng dẫn các chị được vay vốn tìm hướng đầu tư đúng, hợp với gia đình, mặt khác thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn, vì thế hầu hết các chị sử dụng đồng vốn có hiệu quả, nhiều chị vươn lên thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Tiêu biểu như: chị Phạm Thị Vui  (thôn Phú Lâm), chị Đào Thị Cúc (thôn Đông Biên Bắc), được Hội xét cho vay 7 - 15 triệu đồng, cùng với số vốn tự có của gia đình, các chị đầu tư vào chăn nuôi từ 40 - 50 con lợn thịt, mở dịch vụ thức ăn chăn nuôi, bán hàng thực phẩm phục vụ bà con, mỗi năm thu nhập 50 - 70 triệu đồng.

Chị Vũ Thị Sẻ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Hồng cho chúng tôi hay: Điều đáng ghi nhận ở đây là các chi hội cơ sở không trông chờ, ỷ lại cấp trên mà luôn duy trì, phát huy tốt hoạt động của tổ tình nghĩa, tình thương và phong trào phụ nữ giúp nhau giống, vốn, vật tư sản xuất, thóc, gạo, ngày công lao động… Giá trị mà các chị em giúp nhau suốt 5 năm qua đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Có vốn, có kiến thức trong tay, chị em mạnh dạn đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cây trồng kịp thời vụ, vì thế năng suất lúa, đậu tương… tăng nhanh. Đồng nghĩa với đó chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình hội viên  tăng lên rõ rệt, nhà cửa khang trang, gia đình hạnh phúc.

Chính nhờ áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo nguồn lực giúp hội viên  phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, Hội Phụ nữ xã Nam Hồng ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt. Hiện, toàn xã có 1.297 hội viên phụ nữ. Phong trào phụ nữ của xã nhiều lần được Tỉnh Hội phụ nữ, huyện Tiền Hải tặng giấy khen, nhiều năm liền xếp loại xuất sắc trong khối đoàn thể của xã.

 Đỗ Hiền

  • Từ khóa