Thứ 6, 19/04/2024, 06:39[GMT+7]

Giá lợn hơi tăng cao: Thấp thỏm người nuôi, khó khăn người tiêu dùng (Kỳ 1)

Thứ 4, 03/06/2020 | 09:23:57
6,914 lượt xem
Thịt lợn là một trong những thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn của người Việt. Thời gian qua, giá thịt lợn trên thị trường tăng cao đã ảnh hưởng, tác động đến tâm lý và kinh tế của người tiêu dùng.

Giá thịt lợn cao, người tiêu dùng thêm gánh nặng chi phí sinh hoạt.

Kỳ 1: Thịt lợn vẫn đà tăng giá

Người tiêu dùng thêm khó

Chợ Búng, xã Việt Hùng (Vũ Thư) ngày phiên, như thường lệ, thịt lợn vẫn được bày bán nhưng do giá cao nên sức mua của người dân giảm mạnh. 

Bà Bùi Thị Loan, thôn Phú Chử chia sẻ: Giá thịt lợn hiện tại khoảng 160.000 - 180.000 đồng/kg loại trung bình, một số loại thịt lợn có giá 200.000 - 230.000 đồng/kg, quá đắt đỏ so với thu nhập của người dân nông thôn chúng tôi. Từ khi giá thịt lợn tăng, gia đình tôi không có điều kiện mua thịt lợn thường xuyên, một tháng chỉ mua 1 - 2 lần về cải thiện bữa cơm gia đình. Trước kia, mỗi lần đi chợ có thể mua 1kg thịt, giờ tôi chỉ mua vài ba lạng. Lượng thịt ít ỏi như vậy không đủ nhu cầu thực phẩm của các thành viên, nhưng cũng phải chịu “nhịn miệng”, chuyển sang mua cá, thịt gà. Tuy nhiên, gia đình tôi quen ăn thịt lợn nên vẫn mong giá thịt lợn bình ổn để tôi được sử dụng thịt lợn thường xuyên.

Cả hai vợ chồng đều có thu nhập ở mức trung bình, chị Trần Thu T. ở tổ dân phố Minh Hòa, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) chia sẻ: Giá thịt lợn tăng đã kéo theo nhiều thực phẩm khác tăng giá khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tăng. Nhà tôi chỉ có 2 lựa chọn: một là chấp nhận tiêu dùng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn với giá cao, thứ hai là hạn chế sử dụng thịt lợn trong bữa ăn. Hầu hết những gia đình có thu nhập ở mức trung bình như tôi đều lựa chọn phương án thứ hai.

Giá thịt lợn tăng đã tác động đến hầu hết người tiêu dùng và nhiều hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan. Gia đình anh Nguyễn Huy Thơi, thôn Chiến Thắng là một trong những hộ sản xuất nem nắm, giò, chả có tiếng ở làng vườn Thuận Vi, xã Bách Thuận (Vũ Thư). 

Anh Thơi cho biết: Giá thịt lợn tăng gần gấp đôi so với trước khiến giá sản phẩm nem nắm, giò, chả cũng buộc phải tăng. Tuy nhiên, từ ngày tăng giá, các sản phẩm nem, giò, chả của gia đình tôi bán ra giảm rõ rệt. Tôi mong nhà nước sớm có biện pháp bình ổn giá thịt lợn để ổn định kinh doanh.

Nguyên nhân “bão giá” thịt lợn

Những ngày qua, giá lợn hơi tại Thái Bình và hầu khắp các địa phương trên cả nước tiếp tục tăng mạnh. Tại huyện Vũ Thư, giá lợn hơi xuất chuồng đạt mức kỷ lục từ 97.000 - 100.000 đồng/kg, cá biệt có có nơi đạt 105.000 đồng/kg. Tác động từ giá lợn hơi là giá thịt lợn tại các cửa hàng, chợ dân sinh trên địa bàn nông thôn cũng tăng “phi mã”, lên mức 160.000 - 170.000 đồng/kg thịt ba chỉ, thậm chí có nhiều loại thịt chạm mốc 200.000 đồng/kg, gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ vài năm trước.

Giá lợn giống tăng cao, ở mức 3,5 triệu đồng/con.

Xã Bách Thuận được coi là “vựa lợn” của huyện Vũ Thư nhưng sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến nay chỉ còn khoảng 6.500 con, giảm khoảng 60% tổng đàn so với trước dịch, trong đó số lượng đàn lợn thịt có thể xuất bán rất hạn chế. 

Ông Nguyễn Văn Quang, hộ chăn nuôi lợn xã Bách Thuận chia sẻ: Nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng giá thịt lợn tăng cao là do sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn đã bị “càn quét” thiệt hại nặng nề. Số lợn do các trang trại, gia trại cung cấp ra thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Hiện nay, số trang trại, gia trại chăn nuôi có lợn thịt xuất bán rất ít. Khi “cầu” lớn hơn “cung” sẽ gây ra tình trạng “bão giá” thịt lợn. Hơn nữa, hiện tại chi phí giống đầu vào, thức ăn chăn nuôi và các chi phí liên quan đến nuôi lợn đều tăng nên giá thành sản phẩm lợn hơi kéo theo cũng tăng đáng kể. Hiện tại, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại địa phương từ 97.000 - 100.000 đồng/kg, với giá lợn hơi này thì đương nhiên giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng sẽ ở mức trung bình 150.000 - 170.000 đồng/kg. Bản thân tôi cho rằng giá này thì không bị đội lên bởi các khâu trung gian mà do thực tế giá lợn hơi tăng cao.

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Hiện nay, huyện đang cho rà soát, thống kê lại đàn lợn, tuy chưa có con số chuẩn xác nhưng qua tổng hợp ban đầu của các địa phương thì số lượng đàn lợn trong thực tế giảm nhiều, hiện đạt khoảng 40 - 50% tổng đàn so với thời điểm chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đàn lợn giảm không chỉ xảy ra ở riêng Vũ Thư mà là tình trạng chung trên cả nước. Lợn khan hiếm khiến giá lợn hơi, sản phẩm thịt lợn tăng đột biến so với cùng kỳ các năm. Cũng có nhiều ý kiến về vấn đề nhập khẩu thịt lợn đông lạnh để cạnh tranh, giảm giá thịt lợn, tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, nhất là người dân nông thôn chưa quen, không thích sử dụng thịt lợn đông lạnh, do vậy khó khả thi. Giảm giá thịt lợn hiện đang là một trong những vấn đề thu hút quan tâm của đông đảo người dân, tuy nhiên tôi cho rằng cần phải có lộ trình tái đàn lợn hợp lý, từng bước đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn ra thị trường mới có thể giảm giá thịt lợn.

(còn nữa)

Quỳnh Lưu