Thứ 2, 29/07/2024, 09:29[GMT+7]

Nuôi nhím ở Đông Hưng - Giàu hay nghèo

Thứ 6, 10/08/2012 | 09:18:18
14,663 lượt xem
Nhím là loài vật hoang dã, thịt nhím được nhiều người ưa chuộng, vì thế nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Hưng đã tìm nuôi loài vật mới lạ này và coi đó là cách làm giàu hiệu quả.

Ông Vũ Mạnh Diệp xã Đô Lương chăm sóc đàn nhím.

Nhưng nếu phát triển theo phong trào mà không có sự tính toán trước, nhất là đầu ra của sản phẩm thì hiệu quả không chắc đã cao. Hiện nay phong trào nuôi nhím ở Đông Hưng đang thoái trào, các hộ nuôi nhím trên địa bàn không còn có ý tưởng làm giàu từ con vật nuôi này, thậm chí nhiều hộ còn nghèo vì nhím.

Trên địa bàn huyện Đông Hưng đang có hàng chục hộ được cấp phép nuôi nhím. Nhiều hộ cho rằng mấy năm gần đây nuôi nhím lợi nhuận cao như trồng cây cảnh. Cách đây 2 năm trở về trước bán nhím siêu lợi nhuận như bán cây cảnh bởi nhu cầu nhiều nhưng nguồn cung hiếm. Một đôi nhím giống có thể dễ dàng bán với giá trung bình từ 16 - 18 triệu đồng nhưng đến nay chỉ còn 6 - 7 triệu đồng, nhím thương phẩm từ 350.000 – 500.000 đồng/kg hiện chỉ còn 270.000 – 300.000 đồng/kg. Trước đây, các hộ nuôi nhím cho rằng nuôi loại con này không giàu thì cũng thoát nghèo vì chỉ cần làm một phép tính đơn giản là nếu mua một đôi nhím giống với giá 18 triệu đồng, sau 6 tháng nhím sinh sản, chi phí thức ăn mất khoảng 2 triệu đồng/  con nhím, sẽ được thêm đôi nhím cân nặng trung bình từ 15 - 20kg, là đủ vốn. Cứ như vậy nhím sẽ được nhân lên và chỉ từ 12 - 15 tháng sẽ có thêm nhím bố mẹ. Hình thức chăn nuôi này nhàn hạ và hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi các đối tượng khác. Nhưng ít ai nghĩ rằng nếu phát triển ồ ạt, cung vượt quá cầu sẽ không bán được sản phẩm bởi nhím giá thương phẩm so với mặt bằng tiêu dùng chung của người dân còn khá cao, khó tiêu thụ.

Chúng tôi về xã Đô Lương - nơi có trang trại nuôi nhím lớn nhất huyện Đông Hưng để tìm hiểu về vấn đề này. Ông Vũ Mạnh Diệp cho biết: ông là một trong những người đầu tiên trong tỉnh áp dụng mô hình nuôi nhím thương phẩm. Nếu giá nhím có giảm xuống thấp hơn ông cũng không bị lỗ vì so với các con vật nuôi khác tính ra vẫn lãi hơn và ưu điểm của nhím lại dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị dịch bệnh, không tốn nhiều chi phí xây dựng chuồng trại, thức ăn chủ yếu tận dụng. Mấy năm qua, ông đã không chỉ hoàn được vốn mà còn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Chính vì thế ông duy trì nuôi thường xuyên trên 100 đôi nhím bố mẹ, gần 100 nhím thương phẩm giúp ông nâng cao đời sống gia đình, xây dựng nhà cửa, mua sắm xe hơi cho các con với trị giá hàng tỷ đồng.

Mặc dù không phải lo nhiều về đầu ra cho sản phẩm do đã sẵn có mối tiêu thụ nhưng số tiền lãi của gia đình ấy ngày càng bị thu hẹp. Thời điểm sốt giá nhất, ông bán được 60 - 70 đôi nhím giống với giá từ 18 - 20 triệu đồng/đôi cân nặng 3kg/con thì từ tháng 10/2011 đến nay ông chỉ bán được 20 đôi với giá ở mức từ 7- 8 triệu đồng/đôi cân nặng 4kg/con. Ông Diệp cho biết thêm, trước đây những hộ nuôi nhím sẽ rất vui khi thấy chúng sinh sản vì như thế tức là họ đã “nhìn thấy” tiền nhưng giờ đây thấy nhím sinh sản họ lại buồn bởi lo không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đó là chưa tính tới những trường hợp rủi ro do không nắm vững kỹ thuật, nhiều hộ chỉ biết nuôi cho chúng thật to, lông mượt mà không biết nuôi cho chúng sinh sản. Do vậy mà hiện nay họ đang gặp bế tắc bởi nếu bán sẽ không đủ vốn mà cứ nuôi thì càng lỗ. Một số hộ nuôi nhím nhỏ lẻ từ 7 - 8 đôi, điển hình như hộ anh Mai Duy Đông, thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La thì lo lắng rằng nếu cứ với giá bán thấp như hiện nay thì anh sẽ không biết phải làm gì ngoài việc cho chúng ăn ít hơn để vừa tiết kiệm chi phí vừa kìm hãm sự sinh sản của chúng.

Theo ông Diệp, tình trạng xuống giá, khó tìm đầu ra của con nhím không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Đông Hưng mà là tình trạng chung của các hộ nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương trong tỉnh. Có những hộ mặc dù không lấy nhím giống của ông nhưng lại “cầu cứu” ông thu mua giúp trong tình trạng “vợ khóc, chồng mếu”. Điển hình như ở Kiến Xương, có gia đình đã mạnh dạn vay ngân hàng 70 triệu đồng cộng với số vốn tự có để mua 7 đôi nhím giống với giá 18 triệu đồng/đôi, sau đó chúng chỉ sinh sản thêm được 1 đôi nhím con. Đúng thời điểm đó giá nhím bắt đầu hạ, nhím lại không sinh sản trong khi số vay lãi ngân hàng ngày càng tăng cao. Hộ chăn nuôi này buộc lòng bán đôi nhím con với giá 6 triệu đồng và nhím bố mẹ là 11 triệu đồng/đôi. Như vậy, chưa tính các chi phí khác, chỉ tiền giống đã lỗ trên 36 triệu đồng.  

Khó khăn về đầu ra của con nhím hiện nay cũng là bài học cho nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Hưng về việc lựa chọn nuôi con gì và nuôi như thế nào để làm giàu. Qua đây các cấp cũng nên có những giải pháp hỗ trợ đầu ra cho các con đặc sản để người nông dân yên tâm chăn nuôi. Theo ông Diệp thì trong thời gian tới ông sẽ đề nghị với huyện, tỉnh thành lập hội nuôi nhím để tất cả các hộ có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm để các hộ nuôi nhím nhỏ lẻ giảm bớt khó khăn, thiệt hại trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thu Thủy

 

  • Từ khóa