Thứ 2, 29/07/2024, 09:20[GMT+7]

Lao động nông thôn ở Đông Hưng Thu nhập ổn định từ nghề may

Thứ 5, 16/08/2012 | 14:00:08
2,147 lượt xem
Trong khi một số làng nghề rơi vào suy thoái, hoạt động cầm chừng thì 2 năm gần đây nghề may gia công phát triển mạnh trên địa bàn huyện Đông Hưng. Từ nghề này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có mức thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Thục (Phú Lương, Đông Hưng)

Ông Phạm Văn Duyệt - Phó trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: hai năm gần đây, nhất là năm 2011 ngành dệt may trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Ngoài các doanh nghiệp lớn như PSVINA, V.Jone, may Bình Minh, may Đại Đồng thì đa số các xã đều phát triển cơ sở làm may gia công cho các doanh nghiệp với quy mô trung bình từ 30-60 máy, thu hút từ 40-100 lao động. So với năm 2010 đã tăng thêm 11 xã phát triển nghề may đưa tổng số xã có nghề may lên 26/44 xã, thị trấn.

Nghề này phát triển mạnh là do không đòi hỏi kỹ thuật cao, tận dụng được lao động trẻ và thời gian nhàn rỗi, thu nhập lại ổn định tính theo sản phẩm trung bình 1,1 – 1,7 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù số lao động tại các cơ sở may không ổn định nhưng lại rất dễ thu hút lao động thay thế vì mọi người đều có nhu cầu làm ở gần nhà để vừa lo việc của gia đình lại vừa kiếm thêm thu nhập. Do đó mà nhiều chị em bỏ nghề ở phố tìm tới các cơ sở may ở quê để kiếm sống. 

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã gặp chủ cơ sở may Nguyễn Thị Thục, thôn Duyên Trang Đông, xã Phú Lương, chị cho biết: vài năm trước đây chị đã từng là công nhân trong một công ty may ở huyện nhưng do điều kiện con nhỏ, chồng lại làm xa nhà nên không thể theo đuổi làm ở đó. Nắm bắt được nhu cầu làm gần nhà của nhiều chị em có con nhỏ, nên chị đã mở cơ sở may tại gia đình để tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh như mình.

Năm 2011, chị đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và duy trì từ 5 -16 máy may. Vừa nhận hàng đặt của công ty, chị vừa may thêm hàng chợ và quần áo đồng phục học sinh cho các trường học. Lúc đầu chị đã phải vất vả đi tìm kiếm thị trường nhưng do có tay nghề cao, nhiều mặt hàng chị đã tự cắt, tự mua vải và tự phổ biến kỹ thuật may cho các lao động nên hàng nhà chị có uy tín trên thị trường. Trung bình mỗi tháng chị xuất 4.000 - 5.000 sản phẩm, thu lãi bình quân gần 10 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.

Với các lao động ở thôn quê thì đây là mức thu nhập ổn định có thể duy trì được. Chị Nguyễn Thị Nhài, thôn Duyên Trang Tây là người làm nhanh nhất xưởng, đạt thu nhập tới 3 triệu đồng/tháng cho biết: vài năm trước, chị cũng đi làm ở công ty may xa nhà nhưng do có 2 con nhỏ, chồng lại làm nghề xây dựng nên chị đã về cơ sở may ở quê để làm. Công việc của chị là thực hiện khâu vắt sổ, trung bình chị làm được 150 - 160 sản phẩm/ngày, làm đến đâu chị biết thu nhập đến đó. Với số tiền chị làm ra cộng với vài triệu đồng công xây dựng của chồng kết hợp cấy mấy sào lúa như thế chị đã đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con khôn lớn.

Còn đối với những cháu vừa mới học xong THPT chưa biết mình sẽ phải làm gì trong khi đang chờ điểm thi đại học như cháu Tô Hồng Duyên, thôn Duyên Trang Đông vừa mới làm được ít thời gian nhưng cũng đã có chút thu nhập từ đôi bàn tay khéo léo của mình. Cháu Duyên cho biết: nhà chỉ có 2 chị em, em của cháu vẫn đang học, còn bố mẹ cũng vừa cấy lúa vừa đi làm thêm, cháu cũng cố gắng kiếm thêm chút thu nhập trong lúc rảnh rỗi để giúp thêm bố mẹ. Do đó cháu đã tìm tới nghề may ngay tại thôn để mỗi tháng góp cho gia đình khoảng 1 triệu đồng.

Ngoài những lao động bình thường, trên địa bàn Đông Hưng còn có cơ sở may tạo việc làm cho người tàn tật, trẻ mồ côi, con gia đình chính sách của ông Phạm Xuân Thúy, xã Đông Phương. Nhiều năm nay cơ sở này được đánh giá cao vì đã không chỉ tạo thu nhập ổn định cho người lao động mà còn tạo được việc làm cho những người tàn tật vùng nông thôn. Theo đánh giá của ông Duyệt - Phó phòng Công thương huyện thì người tàn tật vốn cần cù chịu khó, gắn bó với công việc nên khi nghề may mở rộng sẽ có lợi cho cả chủ và người làm thuê. Mấy năm qua, cơ sở này đã duy trì 30 máy may kèm theo hàng chục lao động làm trọn vẹn sản phẩm từ khâu tạo mẫu đến khâu đóng gói, đạt doanh thu từ 1,6 - 2,7 tỷ đồng/năm, không chỉ tạo việc làm tăng thu nhập cho người tàn tật trên địa bàn mà còn đóng góp vào ngân sách địa phương vài chục triệu đồng/năm.

Để tìm hiểu thêm về sự phát triển của nghề may, chúng tôi đã gặp anh Phạm Minh Đồng, xã Đông Động chủ cửa hàng bán máy may 15 năm nay, anh cho biết: từ năm 2010 đến nay, mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng 1.000 máy, riêng năm 2011 anh xuất 1.100 máy, trong đó thị trường trong huyện chiếm khoảng 40 - 50%, số lượng và tiền lãi năm sau đều cao gấp đôi năm trước. 

Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của các hộ dân, hàng năm Phòng Công thương huyện đều phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Trung tâm khuyến công, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp mở lớp dạy nghề may cho các lao động tại địa phương. Trung bình mỗi năm mở khoảng 5 lớp, mỗi lớp thu hút trên 35 học viên, riêng năm 2011 mở 11 lớp. Trong thời gian tới, Đông Hưng tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đưa số lao động làm nghề may lên ngày càng nhiều và có mức thu nhập ngày càng cao hơn.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa