Thứ 2, 29/07/2024, 09:31[GMT+7]

Hội Nông dân Tân Lễ Nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế

Thứ 6, 17/08/2012 | 14:43:37
1,764 lượt xem
Xuất phát từ những khó khăn, Đảng bộ Tân Lễ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế nghề và kinh tế trang trại. Hội Nông dân được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Nhiều gia đình hội viên Hội Nông dân xã Tân Lễ đầu tư máy dệt chiếu nhựa để nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nói đến xã Tân Lễ (Hưng Hà) ai nấy đều biết đây là cái nôi của nghề dệt chiếu truyền thống trong tỉnh, được thể hiện bằng câu truyền miệng đã qua nhiều thế hệ “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Ngày nay, nghề dệt chiếu Tân Lễ ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng của lượng máy dệt, lượng sản phẩm xuất ra thị trường, cũng như giá trị đem lại và số làng nghề được tỉnh công nhận. Cùng với phát triển nghề và làng nghề, người dân nơi đây còn rất chú trọng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi…nên vùng đất khó canh tác này ngày ngày vẫn đơm hóa kết trái, đem lại cuộc sống ấm, no cho mọi người.

Để người dân tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế và biến các nghị quyết của xã, huyện thành những hành động thực tiễn, trong những năm qua Hội Nông dân xã Tân Lễ đã đứng ra làm nòng cốt phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân vươn lên làm giầu bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên đi tìm lời giải cho bài toán nâng cao thu nhập, cuộc sống của người dân luôn là nỗi niềm trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở Tân Lễ.

Bởi lẽ, những khó khăn trước mắt và lâu dài được thể hiện ngay trên đồng đất kém màu mỡ và sản phẩm chiếu truyền thống đang bị cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường. Tân Lễ là một trong những xã có số nhân khẩu nhiều nhất huyện, trong khi đó đồng ruộng lại ít và khó canh tác; thị trường xuất hiện nhiều loại chiếu nhựa mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, cùng với đó là nguồn nguyên liệu chiếu cói ngày càng khan hiếm, do đó để phát triển song hành cả sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không hề đơn giản chút nào.

Xuất phát từ những khó khăn này, Đảng bộ và các đoàn thể đã lao tâm tìm ra được giải pháp bằng việc ban hành được Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế nghề và kinh tế trang trại. Hội Nông dân được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nghị quyết. Hội đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, quá trình thực hiện lâu dài, do vậy phải có sự quyết tâm cao, lộ trình phù hợp và gắn với các phong trào thi đua của Hội, như phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hàng năm Hội đều tổ chức cho cán bộ, hội viên là chủ trang trại, chủ xưởng dệt và các hộ nông dân có nhu cầu đi các tỉnh để nghiên cứu học tập mô hình, nắm bắt thị trường, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc đưa đi thăm quan, nghiên cứu mô hình, thị trường ở tỉnh ngoài, Hội còn thường xuyên tiếp cận với hội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thuận lợi khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế để có hướng giúp đỡ.

Đồng thời đứng ra phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để làm ra sản phẩm chiếu đẹp, chất lượng, giá thành rẻ đủ sức cạnh tranh trên thị trường; các biện pháp phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Để giúp hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp huyện vay trên 4 tỷ đồng.  Nhờ có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu được thị trường và vốn vay nên các hội viên Hội Nông dân Tân Lễ đã từng bước vươn lên làm giàu ở nhiều lĩnh vực, góp phần không nhỏ việc duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, xây dựng được nhiều trang trại có quy mô lớn.

Hiện nay, Tân Lễ có 83 trang trại và 200 gia trại; trong đó có 16 trang trại đạt quy mô về tiêu chí. Các trang trại, gia trại đều làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và áp dụng các phương thức chăn nuôi tiên tiến nên đã cho hiệu quả khá cao, phát triển ổn định. Một số hộ chăn nuôi tổng hợp quy mô từ 2 ha trở lên và cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ năm, như trang trại của ông Nguyễn Văn Thái, chi hội Hải Triều, trang trại của gia đình ông Trần Ngọc Quyến chi hội thôn Phú Hà…Đối với nghề dệt chiếu, các hộ gia đình đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc chuyển từ dệt thủ công sang dệt máy và đã hình thành nhiều xưởng dệt có quy mô lớn.

Tổng toàn xã có 80 máy dệt chiếu chiếu cói, trên 100 máy dệt chiếu nhựa, thu hút hàng nghìn lao động; mỗi năm Tân Lễ cung ứng cho thị trường trên 3 triệu lá chiếu các loại, doanh thu đạt từ 50 – 60 tỷ đồng/ năm; dệt chiếu cói thu nhập bình quân đạt  2,5 - 3,5 triệu đồng/ người/ tháng; dệt chiếu nhựa trung đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.  Điển hình trong việc duy trì và phát triển nghề dệt chiếu có gia đình hội viên Nguyễn Thị Du, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Hữu Sơn...Cùng với phát triển nghề dệt chiếu, nhiều dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ cho các làng nghề cũng phát triển khá sôi động, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hội viên. Do duy trì và phát triển tốt nghề truyền thống, đến nay đã có 10/14 thôn làng được tỉnh công nhận làng nghề và Tân Lễ được công nhận là xã nghề.

Theo các hội viên Hội Nông dân Tân Lễ, để kinh tế trang trại, gia trai phát triển mạnh hơn nữa làm tiền đề xây dựng trang trại quy mô lớn thì các ngành chức năng cần sớm  hoạn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là các trang trại đã đạt quy mô tiêu chí để các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời các hộ sản xuất chiếu cói, chiếu nhựa đa phần đều là nông dân nên khi mở rộng quy mô thành lập doanh nghiệp, thì kiến thức quản lý và kỹ năng kinh doanh còn hạn chế, do đó các cấp Hội tạo điều kiện hơn nữa đến việc tập huấn kiến thức, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hội viên.

            Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa