Chủ nhật, 12/01/2025, 00:55[GMT+7]

Sức sống từ làng chiếu An Vũ

Thứ 3, 21/08/2012 | 16:25:56
1,915 lượt xem
Trước những thách thức của nền kinh tế thị trường thời hội nhập, nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống tan rã do không đủ sức cạnh tranh, không theo kịp với sự phát triển của máy móc hiện đại. Riêng với nghề dệt chiếu xã An Vũ (Quỳnh Phụ), dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng vẫn đứng vững và ngày càng phát triển.

Cơ sở dệt chiếu của anh Nguyễn Văn Trường thôn Vũ Hạ (An Vũ)

Đến các thôn Đại Điền, Vọng Lỗ, Vũ Hạ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người làm chiếu cần mẫn bên khung dệt. Những người phụ nữ - từ già đến trẻ tay thoăn thắt đưa cọng cói, đan sợi trân để sản xuất ra những lá chiếu xinh xắn. Đã từ lâu, dệt chiếu được xem là một nghề tay trái của người dân An Vũ nhưng lại là kế mưu sinh hiệu quả lúc nông nhàn.

Ngày nay, người làm chiếu cói truyền thống đã bớt vất vả hơn trước do có máy móc thay thế dần sức lao động thủ công. Công suất dệt bằng máy cao gấp 5 - 7 lần dệt thủ công, trong khi chất lượng và giá bán của 2 loại sản phẩm đều như nhau nên người lao động cũng có thu nhập và cuộc sống ổn định hơn. Nếu như trước năm 2005, toàn xã chỉ sản xuất được khoảng 900 ngàn lá, với thị trường bó hẹp, khó tiêu thụ, thì với việc đưa máy dệt vào sản xuất, năm 2011, sản lượng của các làng nghề đã vươn lên con số 3,3 triệu sản phẩm. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, các thương lái ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... phải đặt hàng trước cả tháng.

Chị Phạm Thị Hương - một người làm nghề dệt chiếu tại cơ sở sản xuất chiếu cói Xuân Hòa chia sẻ: “Chỉ khoảng 5 năm về trước, dù cố gắng hết sức thì 2 người thợ với 1 khung dệt, mỗi ngày làm được tối đa 4 chiếc chiếu, thu nhập chỉ 20 - 30 ngàn đồng. Hiện nay, 1 người thợ có thể điều khiển 1 máy dệt chiếu, mỗi ngày làm được hơn chục chiếc, thu nhập 80 ngàn đồng trở lên. Cái tiện nhất chính là có thể tự mình điều khiển máy dệt bất cứ khi nào có thời gian rảnh mà không phải chờ đợi người dệt chung như trước kia”.

Còn với chị Nguyễn Thị Hoa thì: “Làm cái nghề này mình có thể vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc chồng con mà mỗi tháng cũng thu nhập trên 2 triệu đồng. Khi gia đình có việc bận có thể xin nghỉ  dễ dàng hơn làm việc tại các công ty, nhà máy nên rất phù hợp với chị em phụ nữ”.

Xã An Vũ có gần 2.000 hộ thì 80% số hộ làm nghề chiếu cói, thu hút 90% số lao động tại địa phương. Toàn xã có 6 cơ sở sản xuất dệt chiếu máy, với gần 40 máy và trên 400 hộ gia đình dệt chiếu thủ công. Không những giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động vệ tinh tại các xã lân cận khi nhận gia công ghim kết chiếu cho các cơ sở dệt chiếu máy, với thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, nghề dệt chiếu còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình trồng cói. Hiện toàn xã có 40 ha cói, năng suất vụ chiêm 2012 đạt 8,6 tấn/ha, giá trị đạt 104 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa.

Tuy nhiên, với năng lực sản xuất hiện nay nguồn nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng đủ nên nhiều gia đình đã vận chuyển cói từ miền Trung, miền Nam tiêu thụ cho các làng nghề trong và ngoài xã, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều người. Nhờ có nghề làm chiếu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dưới mức 10%, đời sống người dân được nâng cao. 100% hộ gia đình có nhà kiên cố, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Mỗi năm, doanh thu từ nghề dệt chiếu cũng trên 30 tỷ đồng.

Diện mạo xã nghề An Vũ ngày nay đã đổi khác, ngõ xóm sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên. Kể về việc ăn nên làm ra từ chiếu ở An Vũ ai cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường. Dù còn trẻ, nhưng họ là một trong những người tiên phong đưa máy móc vào dệt chiếu ở địa phương. Với 3 đầu máy, làm việc hết công suất mỗi ngày dệt được 90 đôi chiếu, giá bán từ 160.000- 600.000 đồng/đôi, gia đình anh đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động trong làng, với mức thu nhập từ 2,2 - 3 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận thu về 6 tháng đầu năm 2012 đạt trên 100 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm, anh chị đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tiến công nghệ cũng như mua nguyên liệu chứa trong nhà kho rộng hơn 200m2, bảo đảm đủ nguyên liệu, đáp ứng kịp thời các đơn hàng. Đó còn là các cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Thân, Trần Đức Văn... đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Trải qua chặng đường dài, làng nghề dệt chiếu An Vũ đã không ngừng thay đổi để tồn tại và phát triển đi lên đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mặc dù phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại chiếu nhựa, chiếu trúc... nhưng chiếu cói An Vũ vẫn đứng vững trên thị trường.

     Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa