Thứ 3, 30/07/2024, 01:21[GMT+7]

Bước đột phá trong chế biến hải sản ở Thái Thụy.

Thứ 6, 20/08/2010 | 13:49:56
3,861 lượt xem
Được thiên nhiên ưu đãi cho 27 km bờ biển, Thái Thụy có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Mỗi năm, ngư dân đánh bắt, nuôi trồng được hàng ngàn tấn tôm, cá tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến.

Nước mắm DIêm Điền, thương hiệu độc quyền của công ty cổ phần thủy sản thương mại Diêm Điền - sản phẩm đặc trưng của quê biển.

Thái Thụy là vùng biển duy nhất của tỉnh có nghề chế biến hải sản. Hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, người dân quê biển đang nỗ lực tìm tòi, đầu tư sản xuất hàng loạt các sản phẩm mới không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, ngày càng làm giàu cho quê hương, tạo bước đột phá cho nghề chế biến của địa phương.

 

Được thiên nhiên ưu đãi cho 27 km bờ biển, Thái Thụy có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Mỗi năm, ngư dân đánh bắt, nuôi trồng được hàng ngàn tấn tôm, cá tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến. Từ xa xưa, những sản phẩm như: cá khô, nước mắm, mắm tôm... nổi tiếng thơm ngon nơi đây đã chiều lòng được cả những thực khách khó tính nhất. Còn nay, nghề chế biến hải sản trên đất biển vẫn tiếp tục phát triển mạnh nhưng đa dạng hơn cả về chủng loại, hình thức và quy mô sản xuất.

 

Toàn huyện có 147 công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ, và 4 làng nghề chế biến thuỷ hải sản tập trung ở các xã Thụy Xuân, Thụy Trường, Thụy Hải, Thị trấn Diêm Điền thu hút khoảng 2.000 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, các làng nghề vẫn duy trì  sản xuất ổn định những sản phẩm truyền thống; các doanh nghiệp tăng cường đầu tư  công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm đa dạng hoá sản phẩm tạo cho nghề chế biến hải sản của Thái Thụy thực sự phát triển sôi động. Riêng khối doanh nghiệp đóng góp khoảng 62% giá trị chế biến toàn huyện.

 

Theo chân cán bộ phòng Công thương huyện, chúng tôi đến Công ty CP Thuỷ sản thương mại Diêm Điền, cây “đại thụ” trong làng chế biến hải sản ở Thái Thụy. Ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay Công ty vẫn duy trì sản xuất sản phẩm nước mắm Diêm Điền. Phải trực tiếp nếm thử vị của nó, mới hiểu tại sao sản phẩm đặc trưng gia truyền này của quê biển mấy chục năm qua vẫn chiếm được niềm tin của khách hàng. Sản xuất  theo phương thức thủ công truyền thống: cá tươi đem về ủ muối, phơi dưới ánh nắng mặt trời sau 1 đến 2 năm đem ra kéo, rút, lọc kết hợp dây chuyền đóng chai hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đến nay nước mắm Diêm Điền vẫn được khẳng định được thương hiệu của mình, từng bước chiếm lĩnh thị trường hầu hết các tỉnh phía Bắc.

 

Bình quân mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 3 triệu lít, 5 vạn chai với 15 chủng loại sản phẩm từ 10 đến 50 độ đạm. Doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ các doanh nghiệp trong tỉnh, mà nhiều doanh nghiệp từ các địa phương khác trên cả nước cũng chọn Thái Thụy là điểm đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản.

 

Điển hình như công ty Thiên Lý (Hà Nội) năm 2001 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải hiện đang tổ chức sản xuất 2 dàn máy, công suất 170 tấn cá nguyên liệu/ngày. Nhiều ngư dân phấn khởi bộc bạch: huyện tiếp nhận dự án, dân chúng tôi có hai cái lợi vừa bán được cá vừa có thêm  việc làm.

 

Nhớ lại thời điểm năm 2001, 1 kg cá chượp ngư dân đánh bắt về chỉ bán được từ 500 đến 800 đồng/kg, có khi ế phải đổ đi nhưng khi đi vào sản xuất, nhà máy đã mua với giá tối thiểu 2.000 đồng/kg, hiện nay lên tới 5.500đồng/kg cũng chẳng có cá mà mua. Từ năm 2009 đến nay chế biến được gần 7.000 tấn bột cá, doanh thu đạt 124 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 45 công nhân với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Đầu tư vào địa bàn huyện từ tháng 8/2007 với số vốn khoảng 3 triệu USD công ty TNHH Rich Beauty (Đài Loan) là đơn vị duy nhất ở Miền Bắc chế biến tôm cá đông lạnh xuất khẩu sản phẩm trực tiếp sang thị trường Nhật Bản. Năm 2009, công ty chế biến 1.400 tấn tôm, cá các loại, doanh thu đạt 5,6 triệu USD. 6 tháng đầu năm nay chế biến gần 800 tấn, doanh thu 3 triệu USD tạo công ăn việc làm cho từ 600 đến 700 lao động nông thôn.

 

Những minh chứng thực tế trên khẳng định: chế biến hải sản ở Thái Thụy đã và đang tạo được những bước đột phá mới. Từ chỗ chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ trong dân thì nay, hải sản chế biến của Thái Thụy đã trở thành sản phẩm hàng hoá đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

 

Nhiều mặt hàng mới ra đời như: cá khô tẩm gia vị, tôm cá đông lạnh, sứa.... tiêu thụ ở hầu hết thị trường các tỉnh trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong số mặt hàng mới, chế biến sứa xuất khẩu phát triển rất mạnh bởi có nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn, thu hút nhiều lao động tham gia đánh bắt và chế biến  nên đã góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho ngư dân ven biển.

 

Nếu như trước đây, địa phương chỉ có duy nhất sản phẩm sứa ngâm sú vẹt truyền thống của bà con , giá trị thấp, đến nay các doanh nghiệp, cơ sở đã năng động đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng chế biến sản phẩm sứa ăn liền, sứa khô đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc và cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng... với sản lượng tiêu thụ mỗi năm gần 2.000 tấn. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2010, giá trị chế biến hải sản đạt 143 tỷ đồng, chiếm gần 32% giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện.

 

Nhiệm kỳ 2010-2015, Thái Thụy vẫn xác định: tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh ven biển để phát triển kinh tế, trong đó chế biến hải sản vẫn là một trong những mũi nhọn được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay ngành này đang gặp  khó khăn rất lớn do thiếu nguồn nguyên liệu; nhiều cơ sở, nhà máy hoạt động không hết công suất. Yêu cầu đặt ra là huyện cần xây dựng giải pháp tổng thể phát triển kinh tế biển bền vững, đầu tư mạnh cho lĩnh vực nuôi trồng, đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển nhưng phải gắn với việc bảo đảm an ninh sinh thái tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, thúc đẩy nghề chế biến phát triển ổn định, bền vững.

                                Nguyễn Hình.

  • Từ khóa