Thứ 2, 29/07/2024, 09:24[GMT+7]

An Bình Chủ động phòng chống lụt bão

Thứ 3, 28/08/2012 | 10:03:05
2,827 lượt xem
Là một trong 12 xã duyên giang của huyện Kiến Xương, trong những năm qua, An Bình luôn chú trọng công tác phòng chống lụt bão (PCLB). Hàng năm, xã chủ động triển khai sớm công tác PCLB, từ đó lên phương án chuẩn bị vật tư và nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão xảy ra.

Thi công hạng mục xây rãnh tiêu nước ở công trình xử lý khẩn cấp kè Bình Trật II đoạn từ Km 36+390 đến Km36+600 (An Bình, Kiến Xương).

Ông Bùi Duy Đông - Chủ tịch UBND xã cho biết: việc triển khai công tác PCLB ở An Bình luôn nhận được sự đồng thuận từ xã đến thôn, xóm. Hầu hết mỗi người dân đều tự giác chấp hành mọi sự phân công từ cấp trên. Bên cạnh đó, hệ thống sông trục và kênh mương của địa phương cũng được bố trí hợp lý cho việc tiêu úng. Cùng với những thuận lợi, công tác PCLB ở An Bình còn gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến tình trạng xuống cấp của các công trình PCLB.

Kè Bình Trật 2, đoạn từ  Km36+390 đến Km36+600 đê Hữu Trà Lý được xây dựng từ lâu, đến nay nhiều đoạn kè bị hư hỏng nặng, mái kè bị sạt lở đứng, sâu từ 1-1,5m, đỉnh cung sạt cách chân đê phía sông từ 8-10m, đường lạch sâu chuyển dần vào chân đê đã làm xói lở chân đê, gây sạt lở, xô tụt toàn bộ bãi, lấn dần vào chân đê, không bảo đảm an toàn cho đoạn đê trong mùa mưa bão.

Trước thực trạng xuống cấp của công trình, bước vào mùa mưa bão năm 2012, Bộ NN&PTNT đã quyết định đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp với tổng nguồn vốn 2,8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương do Công ty cổ phần xây dựng Hải Phong (Thành phố Thái Bình) thi công. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 5/7 bao gồm các hạng mục: gieo đá tạo mái, thả lồng đá lưới thép, lát cơ, lát mái xây khung rầm bằng đá hộc và xây rãnh tiêu nước. Dự kiến đến ngày 28/8, công trình sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng.

Ông Lê Ngọc Thạo - Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện cho biết: công trình xử lý khẩn cấp kè Bình Trật II có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là một trong những trọng điểm thuộc loại xung yếu của huyện. Công trình hoàn thành sẽ giúp Kiến Xương chủ động hơn trong việc ứng phó khi bão, lũ xảy ra. Ngoài kè Bình Trật II từ Km36+390 đến Km36+600, An Bình còn có 400 m kè, đoạn từ Km36+600 đến Km37 cũng cần thiết phải được tu bổ sửa chữa. Đối với đê, An Bình có 2,3 km đê, từ Km35+400 đến Km37+700, mặt đê được rải đá láng nhựa từ năm 1995 nên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhựa và đá dăm không còn kết dính gây nên hiện tượng lồi lõm, nhiều hố sâu.

Bên cạnh tình trạng xuống cấp của các công trình PCLB, An Bình còn gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực bởi ở địa phương hiện nay chỉ còn người già và trẻ em, lực lượng thanh niên hầu hết đều đi làm ăn xa; vật tư phục vụ cho điếm canh gác đê còn thiếu…

Khắc phục khó khăn, An Bình đã chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, sẵn sàng ứng phó khi có bão, lũ xảy ra. Ngay từ đầu tháng 5, xã đã tổ chức hội nghị triển khai đề án PCLB đến các ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở thôn, đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB, đội giao thông hỏa tốc, đội cấp cứu phòng chống thảm họa thiên tai và giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể.

Đến nay, An Bình đã thành lập 1 đội xung kích gồm 60 người, 1 đội cừ sách gồm 50 người, 1 đội tiếp vận gồm 60 người, 1 tổ cứu thương gồm 9 người, đồng thời chuẩn bị các loại vật tư: 6 m3 đá, 6 m3 cát vàng và 500 kg rơm rạ. Bên cạnh đó, các thôn trong toàn xã cũng chuẩn bị được 2.400 bao tải và 2.000 cây tre. Ngoài ra, còn thành lập đội giải tỏa, khơi thông dòng chảy gồm 10 người và chuẩn bị 1 trạm bơm nhằm bảo đảm kịp thời cho việc tiêu úng trong mùa mưa bão.

Việc chuẩn bị tốt cho công tác PCLB ở An Bình bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mặc dù là xã đầu nguồn, thuộc vùng úng trũng của huyện Kiến Xương, song qua hai lần chịu ảnh hưởng cơn bão số 4 và số 5 vừa qua, trên địa bàn xã đã không xảy ra ngập úng, lúa mùa vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trong thời gian tới, An Bình tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã diễn biến và mức độ ảnh hưởng của các cơn bão để nhân dân chủ động ứng phó. Xã cũng tăng cường kiểm tra hệ thống giao thông thủy lợi, rà soát thân đê, mặt đê, kịp thời báo cáo khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, để công tác PCLB thực sự đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa giúp An Bình tu bổ và sửa chữa các công trình PCLB, tăng thù lao cho nhân công trực và gác điếm canh đê, đồng thời tổ chức khai thác cát hợp lý tránh hiện tượng sạt lở chân đê, bảo vệ an toàn các công trình PCLB.

                                                   Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa