Thứ 2, 29/07/2024, 07:20[GMT+7]

Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ mùa, chuẩn bị kế hoạch gieo trồng cây vụ đông năm 2012

Thứ 5, 30/08/2012 | 15:44:17
1,473 lượt xem
Ngày 27/8/2012, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ mùa, chuẩn bị kế hoạch gieo trồng cây vụ đông năm 2012.

 Toàn văn như sau:

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000ha lúa mùa cực sớm ở các huyện: Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Vũ Thư… đã và đang trổ bông; trên 15.000ha lúa mùa cấy đầu tháng 7 trổ bông trước ngày 5/9 và gần 40.000ha trổ bông trước ngày 10/9/2012; lúa mùa của cả tỉnh cơ bản trổ bông trước 20/9, có khoảng trên 2.000ha trổ bông sau 20/9/2012.

Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết từ nay đến cuối vụ còn diễn biến phức tạp và rất thuận lợi cho các đối tượng dịch bệnh phát sinh và gây hại. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật: Trưởng thành của sâu cuốn lá nhỏ ra rộ từ ngày 20-26/8, sâu non nở rộ từ ngày 28/8 đến 2/9/2012, với mật độ phổ biến từ 30 - 50 con/m2, nơi cao 80 - 100 con/m2 ;cá biệt 100 - 200 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ ra rộ trùng với thời điểm hình thành bộ lá công năng của cây lúa, vì vậy nếu bị gây hại sẽ làm chậm sinh trưởng và làm giảm đáng kể năng suất lúa mùa.

Mặt khác: Sâu đục thân gây hại làm thui đòng và gây bông bạc trên lúa; rầy các loại có mật độ cao, diễn biến phức tạp, là nguồn lây truyền virus gây bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa từ nay đến cuối vụ… Các đối tượng  dịch hại trên đang có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa mùa, nhất là đối với trà lúa trổ bông sau 20/9. Để đảm bảo kết quả sản xuất vụ Mùa và kế hoạch gieo trồng cây màu vụ Đông năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết liệt công tác phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy và các loại sâu bệnh hại khác cho các trà lúa mùa, không để bất cứ diện tích lúa nào bị sâu bệnh gây hại; trước mắt, tập trung chỉ đạo các địa phương huy động nông dân ra đồng phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của rầy, bệnh lùn sọc đen, cùng các loại sâu, bệnh hại khác, phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát động đợt trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 29/8 đến 2/9/2012 (các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và vùng phía Bắc huyện Đông Hưng phun thuốc từ đầu lịch); kết hợp phun trừ sâu cuốn lá nhỏ với phòng trừ sâu đục thân cho trà lúa trổ bông trước ngày 5/9; phòng trừ bệnh bạc lá cho diện tích bị bệnh và các chân ruộng lúa tốt, lá xanh đen, thừa đạm; theo dõi, trừ rầy tại các vùng có bệnh lùn sọc đen và đặc biệt chú ý cho diện tích lúa trỗ sau 25/9/2012, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn;

- Rà soát diện tích lúa trổ bông trước ngày 10/9/2012, quỹ đất làm cây vụ Đông ưa ấm, ưa lạnh, mở rộng diện tích cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ và lợi thế của địa phương; chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm, kịp thời cho nông dân gieo trồng cây vụ Đông, đảm bảo diện tích cây vụ Đông theo kế hoạch;

- Các địa phương tạm hoãn các cuộc họp, tham quan chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh; địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt, để các loại sâu, bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đó chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các đơn vị có liên quan đảm bảo đủ số lượng các loại thuốc đặc hiệu, đảm bảo chất lượng; cử cán bộ kỹ thuật tăng cường cho các huyện, thành phố để trực tiếp cùng các địa phương kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, thời gian và loại thuốc phòng trừ, đảm bảo việc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa vụ Mùa đạt hiệu quả cao; áp dụng các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất; chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn cụ thể đối tượng, diện tích cần phun trừ, thời gian phòng trừ, loại thuốc và kỹ thuật sử dụng; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình xây dựng chương trình tuyên truyền cho nông dân biết và thực hiện.

3. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém phẩm chất lưu hành trên thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sự phát triển của sâu, bệnh để nâng giá thuốc ảnh hưởng đến nông dân.

4. Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình cụ thể, tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trừ sâu cuốn lá và các loại sâu, bệnh gây hại lúa mùa từ nay đến cuối vụ; chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, thị trấn tăng thời lượng, tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp vụ Mùa năm 2012.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm túc Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012; đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, vận động việc thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc và kịp thời phòng trừ sâu, bệnh, chuột hại trên lúa mùa và cho cây vụ Đông, bảo vệ sản xuất.

6. Các đồng chí Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành: Dành thời gian thường xuyên đi kiểm tra đôn đốc cơ sở thực hiện các biện pháp chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.


 

  • Từ khóa