Thứ 2, 29/07/2024, 07:28[GMT+7]

Đông Minh Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững 

Thứ 6, 07/09/2012 | 08:07:44
1,250 lượt xem
Giai đoạn 2005 - 2010, xã Ðông Minh (Tiền Hải) đạt tổng giá trị sản xuất bình quân 114 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng 13,7%/năm. Trong cơ cấu kinh tế, giá trị trồng trọt, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 14,5%, kinh tế biển chiếm 67,3%. Tuy nông nghiệp có bước phát triển song còn nhiều thách thức đặt ra cho Ðảng bộ và nhân dân nơi đây.

Vùng nuôi ngao ven biển xã Ðông Minh (Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm

Ðông Minh xác định mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới  là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với tỷ trọng nông nghiệp cao (tính cả nuôi trồng thủy sản)  nên xã ưu tiên tập trung đầu tư cho lĩnh vực này. Nhiều năm qua, nhờ đầu tư cải tạo đất bằng phương pháp thủy lợi, thực hiện cuộc cách mạng cơ cấu giống, thay cho các giống dài ngày là 100% giống thuần và tổ hợp lai ngắn ngày (trong đó  45% là giống chất lượng cao), áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh lúa nên Ðông Minh đã đưa năng suất lúa xấp xỉ 70 tạ/ha (vụ xuân 2012 đạt 71 tạ/ha, sản lượng gần 2.000 tấn). Ðây là mức bình quân của huyện và thuộc loại khá so với các xã ven biển.

Tuy không phải thế mạnh, nhưng xã cũng từng bước  mở thêm được một số mô hình gia trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, góp phần phát triển ổn định chăn nuôi, thực hiện tốt công tác thú y, hàng năm đạt số lượng 1.200 - 1.500 con gia súc, 24.000 - 26.000 con gia cầm. Nhận thức kinh tế biển là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp nói riêng, cơ cấu kinh tế nói chung nên xã đã sớm quy hoạch 496 ha đầm, bãi đưa vào nuôi trồng 355 ha ngao giống và ngao thương phẩm cho nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm.

Trong đó có hơn 185 ha chuyển đổi từ cánh đồng muối hiệu quả kinh tế thấp, cho giá trị thu nhập tăng 7 - 8 lần so với làm muối. Ðối với các loại con nuôi khác như tôm, cua, cá..,  với diện tích 141 ha cũng đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Từ nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ trở thành tỷ phú. Tuy vậy, Ðảng bộ và chính quyền Ðông Minh vẫn nhận thức được rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cũng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cũng chậm, sản xuất cây vụ đông chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Phó bí thư Huyện ủy Tiền Hải Nguyễn Văn Giang trong một lần về làm việc với xã cũng nhận xét: Trong nông nghiệp Ðông Minh chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa nên giá trị kinh tế chưa cao, trong khi nhiều xã khác đã quy vùng và có cánh đồng mẫu.

Nguyên nhân do Ðông Minh là một trong số 21 xã còn lại của huyện chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa. Mà muốn dồn điền đổi thửa phải quy hoạch được hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, trong khi tính đến ngày 21/8 vừa qua, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, xã mới được phê duyệt quy hoạch chung, còn quy hoạch giao thông thủy lợi đang chờ thỏa thuận. Hệ thống thủy lợi chưa hoàn thành gây ảnh hưởng không nhỏ đến chủ động tưới tiêu trong trồng trọt, đặc biệt vụ đông do là vùng nhiễm mặn, thuộc miền biển nên nhân dân vốn không mặn mà với trồng cây vụ đông, nay thiếu nước dễ sinh nản chí. Ngoài ra còn tác động bất lợi cho kiểm soát môi trường nuôi thủy hải sản. Ðông Minh đã từng bị “đại tang ngao” do ô nhiễm nguồn nước và gần đây nhất tháng 6/2012 xã có 5,56 ha nuôi tôm sú  của 55 hộ bị chết cũng chủ yếu vì lý do trên.

Nói về hướng đi bền vững cho nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã Vũ Ðức Thiện cho biết, trước mắt trong thời gian 4 tháng cuối năm, Ðông Minh phấn đấu hoàn thành dồn điền đổi thửa theo tiến độ của huyện, đảm bảo giao ruộng cho nông dân trong vụ tới. Ngay trong tháng 8, khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng sẽ tổ chức phóng tuyến, chỉnh trang đồng ruộng... Cùng với đó quy hoạch cho được vùng sản xuất lúa tập trung, lựa chọn bộ giống phù hợp để sản xuất hàng hóa, quy vùng chăn nuôi dần hạn chế hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Ðẩy mạnh kinh tế biển trên cơ sở quy hoạch của tỉnh và kết hợp giữa nuôi trồng, khai thác và đánh bắt, kiểm soát dịch bệnh từ khâu con giống đến chăm sóc. Có kế hoạch giữ gìn bảo vệ môi trường nuôi thả, riêng HTX Hải Châu sẽ tìm, tạo nguồn vốn thực hiện dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng chuyển đổi.

Từ nay đến cuối năm, thời gian không dài mà khối lượng công việc của Ðông Minh là rất lớn, vừa phải phòng chống bão, lụt, vừa chăm sóc bảo vệ lúa mùa, tiến hành thu hoạch tôm sú, chuẩn bị đầm ao thả cua giống và cua thương phẩm... Tuy đất nông nghiệp của xã không nhiều nhưng dồn điền đổi thửa lại rất phức tạp do đụng chạm đến lợi ích của nhiều người, xã còn có hai HTX với định mức ruộng của xã viên khác nhau... Khi chúng tôi đặt vấn đề khó khăn này ra, cả đồng chí Chủ tịch và đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã đều khẳng định, dù thế nào Ðảng bộ và nhân dân trong xã vẫn đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Bởi đó là hướng đi duy nhất để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Ðó còn là danh dự của một xã mà Ðảng bộ và chính quyền nhiều năm trong sạch, vững mạnh, cũng là  việc làm thiết thực để hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phan Lợi  

  • Từ khóa