Thứ 2, 29/07/2024, 07:30[GMT+7]

Báo động ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp

Thứ 3, 11/09/2012 | 11:02:55
2,615 lượt xem
Hiện toàn tỉnh còn 291 kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu, với diện tích 52.366m2; trong đó diện tích có mức độ ô nhiễm rất nặng là: 5.728 m2, ô nhiễm nặng: 8.693m2 cần phải xử lý.

Nông dân Quỳnh Phụ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thì: Trung bình mỗi năm tỉnh ta sử dụng gần 550.000 tấn phân bón hữu cơ, 210.000 tấn phân bón vô cơ và trên 620 tấn hóa chất BVTV các loại; góp phần hỗ trợ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Việc sử dụng thuốc BVTV được phối hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng trừ khác trong hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp bảo vệ cây trồng như: dùng giống kháng sâu bệnh, biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học... Nếu thuốc hóa học được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đem lại lợi ích to lớn trong sản xuất nông nghiệp như: Đẩy lùi tác hại của sâu, bệnh, cỏ dại và các sinh vật gây hại khác đối với cây trồng và nông sản một cách nhanh chóng; đảm bảo cho các giống tốt phát huy được các đặc tính ưu việt; giúp cây trồng tận dụng được các điều kiện thuận lợi của các biện pháp thâm canh. Cây trồng sẽ cho năng suất và phẩm chất nông sản cao, thu lãi nhiều cho nông dân.

Tuy nhiên, do ý thức chủ quan nên việc sử dụng “nông dược” quá nhiều, tràn lan, bừa bãi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, không khí, đất ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, sinh vật có ích khác… Do vậy, thuốc BVTV là con dao hai lưỡi, sử dụng đúng đắn, biết phối hợp với các biện pháp phòng trừ khác thì thuốc là một vũ khí lợi hại không thể thiếu trong một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đem lại lợi ích cho nông dân. Ngược lại, nếu ỷ lại vào thuốc BVTV, dùng không đúng kỹ thuật sẽ để lại những hậu quả tai hại trước mắt và lâu dài. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận được xả thẳng ra môi trường thông qua các kênh, sông trục tiêu của 2 hệ thống thủy lợi Bắc và Nam, gây ô nhiễm môi trường mặt nước, đất; cùng với đó hầu hết lượng vỏ bao thuốc BVTV chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường.

Với mức độ lạm dụng phân bón, thuốc BVTV tràn lan như hiện nay và việc tùy tiện xả chất thải chưa qua xử lý thì khó có thể phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt, lâu dài và đặt trong tổng thể, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường; gắn với trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và mọi người dân theo nguyên tắc "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương, cũng như cán bộ nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật.

Thế nhưng, một bộ phận bà con nông dân vẫn đơn giản nghĩ vỏ chai, túi đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường, không có hại nên việc vứt bỏ chúng ở đâu cũng không quan trọng. Khi được hỏi vì sao vứt bỏ vỏ thuốc trừ sâu ngay tại ruộng, ông Nguyễn Văn Trung, thôn Phố Lầy, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) bộc bạch: Tôi cũng đã được tuyên truyền và biết tác hại của túi đựng thuốc đối với môi trường sống nhưng vì vội quá nên tiện tay “xả thẳng” ra bờ ruộng. Hằng năm, chỉ riêng huyện Quỳnh Phụ cũng đã phải  "gánh" một lượng lớn thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ.

Theo anh Nguyễn Văn Nhiễm- Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện thì bình quân 1 vụ lúa phun 3 - 4 lần thuốc trừ sâu bệnh, 1 lần thuốc trừ cỏ và 1 đến 2 lần thuốc dưỡng, tương đương trên 2,5 lít thuốc các loại/ha. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ qua cây trồng chỉ 20% - 30%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước. Cây lúa bây giờ gần như được "tắm" trong thuốc hóa học. Từ giai đoạn ngâm ủ đã có thuốc, gieo sạ xong là thuốc trừ sâu, rầy, rồi thuốc trừ nấm bệnh… Trong chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, hàng năm tỉnh luôn dành nguồn kinh phí để khắc phục ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu trên địa bàn, nhưng nguồn kinh phí vẫn còn rất hạn chế. Từ năm 2008 đến nay, Thái Bình mới chỉ thực hiện 3 dự án về xử lý thuốc BVTV tồn lưu, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ 2 dự án.

Là tỉnh nông nghiệp, Thái Bình phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới, với nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp Thái Bình trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, trong đó cần tập trung rà soát, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về môi trường; hướng dẫn các quy định về quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường nông nghiệp; kiểm soát ô nhiễm và cảnh báo dịch bệnh trong các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp; phục hồi, cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ… Cùng với đó, toàn xã hội, đặc biệt là người nông dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc BVTV, hóa chất nông nghiệp đối với môi trường.

 

                                                Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa