Thứ 2, 29/07/2024, 07:19[GMT+7]

Thành phố tăng cường bảo vệ lúa mùa cuối vụ

Thứ 5, 13/09/2012 | 10:00:04
1,040 lượt xem
Vụ lúa mùa năm 2012, các xã, phường trên địa bàn Thành phố đã gieo cấy được 2.650ha, trong đó nhóm giống chất lượng cao chiếm khoảng 32%, còn lại là lúa năng suất cao.

Nông dân Phường Hoàng Diệu- Thành phố phòng sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa. Ảnh Thành Tâm

Tính đến ngày 10/ 9, có khoảng 100ha trà sớm đã trỗ bông; dự kiến diện tích còn lại sẽ trỗ đại trà trong khoảng từ 10- 20/ 9, trà muộn nhất cũng trỗ trước 30/ 9. Nhìn chung các trà lúa, giống lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao, khóm nhiều dảnh hữu hiệu hứa hẹn sẽ cho vụ mùa bội thu cả về năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, hầu hết diện tích lúa mùa của Thành phố đang xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại, nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

Đáng chú ý nhất là sâu cuốn lá nhỏ với mật độ trứng trung bình từ 50- 100 quả/ m2, nơi cao từ 120- 150 quả/ m2, cục bộ từ 180- 240 quả/ m2; lứa sâu non tuổi 1 và tuổi 2 đã nở rộ từ 28/8- 2/ 9 đe dọa phá hoại bộ lá đòng và lá công năng. Do điều kiện thời tiết liên tục có mưa nên nhiều diện tích đã xuất hiện bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn với tỷ lệ trung bình từ 5- 10%, nơi cao từ 20- 30% tập trung ở tầng lá dưới. Bên cạnh đó, sâu đục thân hai chấm cũng sẽ phát sinh gây hại nặng trên trà lúa trỗ bông sau ngày 20/ 9, nếu không phun trừ tốt sẽ gây bạc bông từ 5- 10%, nơi cao từ 20- 30%. Ngoài ra, hiện nay trên đồng ruộng còn xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại khác như: rầy các loại với mật độ từ 100- 150 con/ m2, nơi cao từ 300- 500 con/ m2; bệnh khô vằn xuất hiện rải rác với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 5- 10%, nơi cao từ 20- 30% số dảnh bị hại…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình sâu bệnh hại như trên, Thành phố chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng coi việc phòng trừ sâu bệnh là nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Việc phòng trừ được thực hiện theo phương châm phòng là chính, trừ tập trung và triệt để. Quá trình phòng trừ phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng nhằm kiểm soát dịch bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Đồng thời chỉ đạo bộ phận thuỷ nông tổ chức điều tiết nước hợp lý, không để ruộng khô tạo điều kiện cho lúa làm đòng, trỗ bông tập trung và tăng hiệu lực của thuốc. Tuyệt đối không bón phân đơn, ngừng bón các loại phân qua lá và các chất kích thích sinh trưởng. Tiến hành chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá cho 100% diện tích lúa mùa bằng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo. Đối với sâu đục thân hai chấm yêu cầu phun cho toàn bộ diện tích lúa trỗ sau ngày 20/ 9, thời điểm phun từ lúc lúa bắt đầu trỗ, lúa trỗ đến đâu phun trừ ngay tới đó. Rầy các loại nếu kiểm tra thấy ổ có mật độ từ 500 con/ m2 trở lên cần tổ chức phun trừ ngay.

Ngoài ra, cán bộ BVTV và bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nếu phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại khác như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô văn…thấy đến ngưỡng cần phun trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu.

Vũ Mạnh 

  • Từ khóa