Thứ 2, 29/07/2024, 07:33[GMT+7]

Chi cục Thú y góp phần phát triển ổn định chăn nuôi

Thứ 6, 14/09/2012 | 14:01:16
1,135 lượt xem
Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản là hết sức quan trọng và Chi cục Thú ý đã làm khá tốt vai trò này.

Xử lý tình huống phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại cuộc diễn tập khống chế và tiêm phòng bao vây ổ dịch cúm gia cầm. Ảnh: Ngọc Linh

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh được khống chế, kiểm soát chặt chẽ nên chăn nuôi phát triển khá ổn định, các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn nhanh.

Trong điều kiện chăn nuôi hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là biện pháp phòng bệnh chủ động, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Xác định được điều này, ngay từ đầu năm Chi cục Thú y đã triển khai thành chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy, các lọai bệnh do hệ thống thú y trực tiếp tiêm phòng đại trà đã đạt được kết quả khá cao, như tiêm vắc xin dịch tả là 334.960 liều, tụ dấu 222.144 liều, phó thương hàn 134.445 liều…Ngoài các đợt tiêm phòng chính, trong tháng 7 và 8/2012, các huyện, thành phố vẫn tiếp tục tiêm phòng bổ sung các bệnh “đỏ” cho đàn lợn và vắc xin lở mồm long móng cho đàn lợn nái, lợn đực giống, trâu, bò, dê nuôi mới…Lượng vắc xin do Chi cục cung ứng cho các địa phương là gần 40 nghìn liều, gồm 22.500 liều vắc xin dịch tả, 3.300 liều phó thương hàn, 8.500 liều tụ dấu lợn và 2.650 liều vắc xin lở mồm long móng gia súc.

Cùng với việc tiêm vắc xin, Chi cục thực hiện khá chặt chẽ việc giám sát dịch bệnh. Nhiều ca bệnh gia súc, gia cầm đã được Phòng kỹ thuật nghiệp vụ của Chi cục và rrạm thú y các huyện, thành phố kiểm tra, xác minh kịp thời ngay sau khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ cơ sở. Cụ thể, việc giám sát cúm gia cầm, Chi cục đã triển khai thực hiện ở 3 huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, tổng số mẫu Swabs đã lấy là 60 mẫu tại 3 chợ của các huyện này; kết quả các mẫu xét nghiệm đều âm tính. Đối với giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm tại chợ theo hợp đồng với dự án VAHIP, Chi cục lấy 1.080 mẫu Swabs ở chợ Sóc (xã Vũ Quý), chợ Thông (xã Hòa Bình Vũ Thư) và chợ Đề Thám (Thành phố). Kết quả quả xét nghiệm có 40/216 mẫu dương tính cúm A, 4/216 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5, 1 mẫu dương tính với cúm gia cầm subtype N1.

Trước thực trạng này, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát. Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức khử trùng tiêu độc phòng dịch và được các địa phương thực hiện khá tốt trong tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng; tổng lượng hóa chất đã sử dụng là 25.404 kg, vôi bột 223.795 kg; diện tích được phun hóa chất, rắc vôi bột là 53.398.601 m2.. Do thực hiện tốt các nội dung trên, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp lợn ốm nghi mắc bệnh tai xanh. Đối với dịch cúm gia cầm, Chi cục Thú y cùng với các địa phương đã phát hiện và xử lý kịp thời 2 ổ dịch cúm tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Bình Minh, Nam Bình (Kiến Xương) với số gia cầm phải tiêu hủy là 1.440 con. Đặc biệt, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc ở 9 xã, thuộc 5 huyện đã được Chi cục Thú y hỗ trợ các địa phương xác minh kịp thời nguyên nhân gây bệnh và tham mưu các biện pháp xử lý, như khoanh vùng, lập chốt kiểm dịch, quản lý điều trị gia súc ốm…

Đồng thời, Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường xuống cơ sở để hướng dẫn, giám sát chống dịch; hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý buôn bán, vận chuyển, giết mổ trong vùng dịch và ký cam kết thực hiện “5 không”, điều tra mở rộng địa bàn. Với các biện pháp xử lý kịp thời, dịch lở mồm long móng đã được khống chế, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, Chi cục duy trì khá nề nếp, bảo đảm đúng quy trình, tính đến ngày 20/8 đã kiểm tra và cấp 4.283 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển cho 339.166 con lợn con, 64.271 lợn thịt và lợn choai, trên 8 triệu con gia cầm. Gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận chủ yếu nhập vào các cơ sở giết mổ để tiêu thụ ở Hà Nội, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc…

Để bảo đảm việc kiểm dịch có hiệu quả trước diễn biến dịch bệnh trong và ngoài tỉnh, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT trình tỉnh thành lập 4 chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông quan trọng, như cầu Nghìn, bến Hiệp, cầu Tân Đệ, cầu Triều Dương. Sau 2 tháng hoạt động, các chốt kiểm dịch đã kiểm tra được 826 phương tiện vận chuyển 42.953 con lợn, 1.576 con trâu bò, 745.085 con gia cầm…;vệ sinh tiêu độc được 764 phương tiện; xử lý 9 trường hợp vi phạm, tiêu hủy 6 con lợn bệnh chuyển từ tỉnh ngoài vào…

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, đồng thời tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm vào những tháng cuối năm sẽ nhiều hơn…vì vậy dịch bệnh rất dễ phát sinh và lây lan, do đó các địa phương cần thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin vụ thu đông. Theo kế hoạch, thời gian tiêm vắc xin đại trà sẽ bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 5/10/2012, gồm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; tiêm vắc xin lở mồm long móng, dịch tả cho đàn lợn…Đồng thời sẽ tiếp tục tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới đến tuổi tiêm phòng và tiêm sót ở đợt chính vào trung tuần các tháng 10, 11, 12/2012.

                                     Nguyên Bình

  • Từ khóa