Thứ 7, 04/01/2025, 16:37[GMT+7]

Hội Nông dân Quỳnh Sơn: Đồng hành cùng nông dân làm giàu

Thứ 5, 20/09/2012 | 14:15:34
2,143 lượt xem
Thế mạnh của xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ) là sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc đa dạng hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp được địa phương đặc biệt quan tâm, giúp người dân có cuộc sống ổn định. Với vai trò là một đoàn thể gắn kết, tập hợp nông dân, những năm qua Hội Nông dân xã đã có nhiều biện pháp "trợ lực" cho hội viên vượt khó và làm giàu chính đáng.

Mô hình VAC của anh Nguyễn Quý Sơn

Là xã thuần nông, rất ít nghề phụ nhưng đời sống của người dân Quỳnh Sơn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 04 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Tỉnh uỷ đi vào cuộc sống. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình trang trại, gia trại làm ăn có hiệu quả, trong số đó phải kể đến những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của các hội viên nông dân. Với nhiều cách làm thiết thực như: hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, xây dựng các câu lạc bộ cùng nhau làm giàu, nhân rộng các mô hình kinh tế; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật thông qua chương trình tập huấn hàng năm.

Đối với người nông dân, muốn làm giàu ngay tại địa phương thì yếu tố vốn là quan trọng nhất. Xác định được nhu cầu thiết thực đó, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho hội viên vay vốn với số tiền trên 7 tỷ đồng. Tuy số tiền vay không lớn, mỗi hộ chỉ được vay 20 - 30 triệu đồng nhưng đó chính là động lực, là tiền đề để nông dân bứt phá đi lên.

Cùng với đó, Hội còn vận động, tuyên truyền hội viên tương trợ về vốn, cho vay quỹ hội với lãi suất thấp. Khi đã được tiếp cận nguồn vốn thì khó khăn còn lại đối với nhiều nông dân chỉ quen với đồng ruộng là cách thức làm giàu, cũng như việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, BCH Hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… giúp nông dân có kiến thức để phát triển kinh tế. Có vốn, kiến thức nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như: xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh… ngay tại địa phương. Và họ đã trở thành những triệu phú, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động trong và ngoài xã, góp phần thay đổi diện mạo của quê hương Quỳnh Sơn.

Anh  Đỗ Văn Vinh- Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: Quỳnh Sơn hiện có 10 trang trại và trên 100 gia trại do hội viên nông dân là chủ. Những trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC, nuôi gà ri... mỗi năm cũng cho thu nhập từ một đến vài trăm triệu đồng và Quỳnh Sơn cũng là “thủ phủ” của giống gà ri được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Mặc dù bận mải với công tác xã hội nhưng anh Đỗ Văn Vinh cũng là một trong những tấm gương thoát nghèo vươn lên làm giàu trong xã. Ngay sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu đất 2 lúa úng trũng,  năng suất thấp chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, anh Vinh cùng gia đình đã mạnh dạn làm đơn nhận thầu trên 1.000 m2 ruộng để nuôi gà ri.

Anh chia sẻ: Do nhu cầu nuôi gà ri phát triển mạnh nhưng con giống rất thiếu nên anh đã đầu tư mua gà vừa nở về gột giống bán cho bà con trong và ngoài xã. Do vốn ít cộng với chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu anh chỉ nuôi 500 con, sau đó tăng dần lên 1.000, rồi 5.000... đến nay trong vườn nhà anh luôn có trên 1 vạn con gà giống và từ 3.000 - 4.000 gà thịt. Quy trình nuôi gà thịt của anh Vinh theo kiểu bán công nghiệp, vừa chuồng vừa thả. Với gà con, anh nuôi ở chuồng ấp có phủ bạt che gió xung quanh, thắp đèn suốt đêm để sưởi ấm vào mùa mưa rét. Với gà trưởng thành sau 20 ngày sẽ được chuyển sang khu chuồng ao. Ban ngày, đàn gà được thả rong trên nền đất cát khoanh vùng bằng lưới để chân chúng chắc khỏe và không bị lây bệnh từ môi trường. Đặc biệt là lịch tiêm phòng cho gà được anh theo dõi rất kỹ.

Anh Vinh chia sẻ: “Nghề nuôi gà nản nhất là dịp cận tết, bởi lúc đó thời tiết lạnh, gà dễ bệnh và bỏ ăn nên chậm lớn, thậm chí tỷ lệ gà chết khá nhiều. Nhưng nếu chăm sóc, tiêm phòng cẩn thận thì khi vượt qua được là lời to”. Với mô hình nuôi gà ri, mỗi năm cũng cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Hay mô hình VAC của anh nông dân Nguyễn Quý Sơn, từ 5.000 m2 đất lúa kém hiệu quả, sau gần 10 năm khai phá, đến nay mỗi tháng trang trại của anh xuất bán gần 3 tấn lợn, 500 kg cá. Lợi nhuận mỗi năm đạt trên 400 triệu đồng. Với cách làm giàu hiệu quả, bền vững anh vinh dự được tôn vinh gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức tháng 8/2012.

Thông qua các phong trào của Hội, trọng tâm là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa