Thứ 2, 29/07/2024, 07:35[GMT+7]

Thái Thụy Cần tháo "nút thắt" trong phát triển CN-TTCN

Thứ 5, 20/09/2012 | 14:21:12
1,223 lượt xem
Thời gian gần đây, cùng với các ngành kinh tế khác, hoạt động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của Thái Thụy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Lĩnh vực vận tải biển của Thái Thụy hiện đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế và phát triển quá "nóng" thời gian qua.

Năm 2006 giá trị sản xuất CN-TTCN của Thái Thụy đạt 298 tỷ đồng, năm 2007 đạt 390 tỷ đồng, năm 2012 giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 940 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2011 và tăng 215% so với năm 2006. Trên địa bàn huyện đã có nhiều dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng như: dự án xây dựng Trung tâm điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đang thi công phần móng; dự án xây dựng Nhà máy Amonitrat đến nay  đã san lấp xong mặt bằng, chuẩn bị xây dựng.

Từ năm 2005 đến nay, Thái Thụy tiếp nhận 2 đơn vị đóng tàu vào đầu tư là Công ty CP Đại Dương và Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền với hoạt động chính là đóng mới và sửa chữa tàu. Giai đoạn từ 2006-2010, mỗi năm 2 doanh nghiệp đóng mới từ 5 đến 10 tàu trọng tải từ 2.000 đến 5.200 tấn, doanh thu đạt bình quân từ 400 đến 600 tỷ đồng/đơn vị/năm, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động với mức thu nhập 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách trên 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay ngành công nghiệp đóng tàu gặp rất nhiều khó khăn: trong 2 năm 2010-2011 cả 2 doanh nghiệp chỉ đóng được 10 tàu; 9 tháng năm 2012 thì không đóng mới được tàu nào, chỉ tập trung sửa chữa nhỏ. Lĩnh vực vận tải biển từ năm 2004 đến 2009 là thế mạnh, mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển của Thái Thụy với 200 công ty, 400 tàu, năng lực vận tải 1.200.000 tấn, sở hữu số tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng, hoạt động khắp hải phận trong nước và quốc tế, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động với mức thu nhập 5 đến 25 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

Nhưng từ năm 2010 đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ đọng thuế và đã có 60 đơn vị tạm dừng hoạt động hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Số công ty thực chất đang hoạt động còn 160 với 300 tàu, nhưng trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng thanh toán gốc và lãi vay ngân hàng, một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản.

Ngành chế biến hải sản thời gian qua cũng phát triển chậm do khai thác gặp khó, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định. Toàn huyện hiện có 8 doanh nghiệp chế biến hải sản thì 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 1 doanh nghiệp đã giải thể; 100 cơ sở chế biến tập trung và 4 làng nghề hoạt động cầm chừng. Giá trị sản xuất từ chế biến hải sản chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Việc phát triển nghề và làng nghề  đã được Thái Thụy quan tâm, đầu tư với 26 làng nghề và 1 xã nghề Thụy Dân được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Tuy nhiên, ngoài một số làng nghề truyền thống: An Tiêm (Thụy Dân), Lai Triều (Thụy Dương), An Định (Thụy Văn), Lục Bắc, Lục Nam, Kim Bàng (Thái Xuyên)… vẫn duy trì sản xuất ổn định, số còn lại phát triển chậm, không ổn định, thiếu bền vững. Trong đó, 7 làng nghề suy giảm, không đạt tiêu chuẩn để UBND tỉnh cấp đổi bằng lần 1. Nếu như giai đoạn 2005-2008, thu nhập từ các làng nghề toàn huyện chiếm 18% giá trị sản xuất CN-TTCN, tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động thì từ năm 2009 đến nay thu nhập của làng nghề chỉ còn chiếm tỷ trọng từ 10 đến 12%, thu hút khoảng 8.000 lao động tham gia.

Nguyên nhân lĩnh vực CN-TTCN của Thái Thụy gặp khó khăn thời gian qua là do cả doanh nghiệp và các làng nghề phải "chống đỡ" trước suy thoái kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường có nhiều biến động, phải cạnh tranh quyết liệt… Quy mô sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực tài chính của các đơn vị còn yếu, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến và các thông tin kinh tế còn chậm, thiếu kiến thức, thông tin thị trường, thông tin đối tác giao dịch và kinh nghiệm, năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất của Nhà nước đã ban hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó tiếp cận, nhất là các chính sách tín dụng ưu đãi. Sản phẩm của một số làng nghề chưa thích ứng kịp với cơ chế thị trường, bị nhiều ngành nghề khác cạnh tranh, nhất là về giá trị ngày công nên khó thu hút được lao động tham gia dẫn đến mai một. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của Thái Thụy còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại thiếu vốn đầu tư, hoặc đã đầu tư nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công chậm. Huyện cũng chưa có chính sách hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn, giải quyết các thủ tục hành chính còn chậm nên chưa tạo môi trường hấp dẫn để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện tại, địa phương đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp: Thụy Hà, Mỹ Xuyên, Thụy Hải, Thái Thọ, Thụy Phong, Thụy Tân… nhưng sức thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào còn thấp.

Để gỡ khó cho lĩnh vực CN-TTCN nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, Thái Thụy cũng đã đưa ra nhiều giải pháp: đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch, khai thác tối đa nguồn vốn  xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kinh tế, ban hành cơ chế khuyến khích ưu đãi đầu tư vào địa bàn. Rà soát, đánh giá lại hoạt động của các làng nghề, doanh nghiệp tìm biện pháp hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho người lao động, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết sản xuất để tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét cho một số doanh nghiệp còn khả năng hoạt động tái cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ, ưu tiên tập trung cho trả nợ gốc để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định…

Như vậy, giải pháp đã có, vấn đề còn lại chỉ là quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và chính bản thân mỗi doanh nghiệp. Nhưng trong điều kiện có nhiều yếu tố khách quan tác động, nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay liệu CN-TTCN Thái Thụy có vượt qua thách thức, trụ vững trước "suy thoái" và phát triển ổn định hay không vẫn còn là một ẩn số, phải đợi một thời gian nữa mới có câu trả lời.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa