Thứ 2, 29/07/2024, 07:26[GMT+7]

Hòe - Cây dược liệu quý giúp tăng thu nhập

Thứ 6, 21/09/2012 | 10:00:48
3,104 lượt xem
Tại hội thảo “Ðịnh hướng một số cây trồng tại vườn nông hộ” do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức, cây hòe được các đại biểu quan tâm thảo luận về giá trị nói chung, giá trị kinh tế nói riêng và thống nhất là một trong những loại cây định hướng để bà con nông dân thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình.

Rặng hòe được trồng ven đường làng ở Tân Hòa (Vũ Thư), vừa cho bóng mát, vừa cho thu nụ hoa có giá trị kinh tế cao.

Hòe là cây thân gỗ, cao có thể lên đến 15 mét, thân thẳng, chỏm lá tròn, cành cong queo, lá kép, cụm hoa hình chùy ở đầu cành, tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Ðài hoa hình chuông, màu vàng xám. Quả hòe loại đậu, không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt. Nụ hoa hình trứng, có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 - 6mm, rộng 1 - 2mm màu vàng xám. Hoa chưa nở dài từ 4 - 10mm, đường kính 2 - 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng, mùi thơm, vị hơi đắng. Hòe trồng cây lấy nụ hoa và quả làm thuốc chữa được nhiều bệnh, song chủ yếu dược liệu dùng nụ hoa. Nụ hoa hoè tính hơi lạnh, có nhiều công dụng như hạ mỡ máu, chống viêm, chống co thắt và chống loét, chống tiêu chảy, cao huyết áp, đau mắt; tác dụng tốt với hệ tim mạch, chữa các chứng chảy máu như chảy máu cam, ho ra huyết, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu...

Cây hòe phân bố ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều ở làng quê Thái Bình, tập trung nhiều nhất ở các huyện Thái Thụy, Vũ Thư. Tuy nhiên, do ưu điểm dễ trồng, hiếm khi nhiễm sâu bệnh và mất mùa nên có nhiều người quê Thái Bình đi kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên, đem hòe vào trồng làm bóng mát cho cây cà phê cũng phát triển rất tốt, cho thu nhập cao.

Theo bác Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy), ngay từ những năm 1960 - 1970, các gia đình trồng hòe đã gom hòe bán cho cửa hàng dược liệu để xuất khẩu với giá vài ngàn đồng một kilôgam. Khoảng năm 2006 - 2008, giá một kilôgam nụ hòe khô là 20.000 đến 30.000 đồng. Hai năm 2010 - 2011 giá một kilôgam hòe tăng dần cao từ 80.000 đồng đến 180.000 đồng và trên 200.000 ngàn đồng một kilogam. Nhiều nhà trồng hoè làm cây lưu niên, bóng mát, cây giống, cho thu mỗi năm khoảng 30 đến 70 kg nụ, bán được trên chục triệu đồng, đem lại hiệu quả kinh tế khá mà không tốn công đầu tư. Về hiệu quả xã hội, nếu cây hòe phát triển còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, từ khâu thu hoạch, chế biến, phơi sấy, bảo quản đến khâu thu mua lẻ... lao động phổ thông, thậm chí cụ già, trẻ nhỏ đều có thể làm được.

Cây hòe có nhiều ưu điểm như thế nhưng hiện chỉ tập trung ở một số địa phương có truyền thống trồng từ vài chục năm nay, số lượng nhân rộng không nhiều. Rải rác ở các xã trong tỉnh, nhiều gia đình có hòe trồng ngẫu nhiên từ xưa song có sao thu vậy, không có ý thức trồng mới và quy hoạch trồng thành cây hàng hóa. Lý do chủ yếu  do đầu ra của hòe thương phẩm bấp bênh. Những nơi tập trung trồng nhiều hòe như một số xã ở Vũ Thư, Thái Thụy thì có cơ sở thu mua, sơ chế, còn lại lượng hòe rải rác trong dân hầu như phụ thuộc vào những người thu gom lẻ, giá cả cũng phụ thuộc vào thương lái. Nhiều khi người trồng bức xúc vì bị thương lái ép giá, thu nhập không xứng đáng với công sức.

Thiết nghĩ để cây hòe có thể trở thành cây hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dược phẩm rất cần có sự liên kết “bốn nhà” và sự quan tâm định hướng của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội trong đó có Hội Nông dân, Hội Làm vườn. Có định hướng rõ ràng, đầu ra ổn định, tin rằng cây hòe sẽ ngày càng xuất hiện nhiều trên đồng đất Thái Bình, phát huy tính năng là cây dược liệu quý trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần giúp bà con nông dân giảm nghèo, làm giàu.

Hà Dung


  • Từ khóa