Thứ 3, 03/09/2024, 15:25[GMT+7]

Nông dân xã Nam thịnh Với phong trào tiến quân ra biển

Thứ 6, 21/09/2012 | 10:31:16
1,154 lượt xem
Nam Thịnh (Tiền Hải) có chiều dài bờ biển gần 7km với hơn 1.000 ha bãi bồi tự nhiên ven biển, lại có cảng cá nên thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng và tiêu thụ thuỷ hải sản. Vốn cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, nắm bắt được nghị quyết của Đảng bộ các cấp khuyến khích phát triển kinh tế biển và gần đây, Đảng và Nhà nước còn có chủ trương hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện, lưới nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản xa bờ, là thời cơ thuận lợi để nông dân Nam Thịnh tiến quâ

Tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Nam Thịnh (Tiền Hải).

Nam Thịnh có 950/ 1.788 hộ tham gia phát triển kinh tế khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, trong đó phần lớn là nông dân. Nghề đi biển khai thác đánh bắt thủy sản thường xuyên có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng và tài sản do ảnh hưởng bão, gió. Trong khi phương tiện, ngư cụ lưới nghề chưa đồng bộ, giá xăng dầu ngày một tăng, giá sản phẩm thiếu ổn định  làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Nuôi trồng chính của Nam Thịnh là con ngao nhưng thiếu tự chủ con giống, có khi không đảm bảo, khâu dịch bệnh nếu xảy ra chưa có thuốc trị và khả năng kiểm soát thấp. Từ năm 2006 đến nay, nông dân xã Nam Thịnh đã mua sắm được 320 tàu, thuyền lớn nhỏ, trong đó có 6 đôi tàu xa bờ và có 30 - 40 tàu đánh bắt khai thác trung bờ.

Cùng với tàu thuyền,  nông dân trong xã đầu tư tiền vốn sắm mới phương tiện và lưới nghề hiện đại phù hợp với thời vụ, từng ngư trường, kết hợp khoa học kỹ thụât với kinh nghiệm của nghề biển. Vì vậy lĩnh vực khai thác đánh bắt thuỷ sản xa bờ và trung bờ có đà phát triển, hiệu quả và sản lượng khai thác mỗi ngày một tăng, hàng năm sản lượng đạt 2.700 tấn tôm, cá các loại, giá trị đạt 25 tỷ đồng. Nhiều nông dân giàu lên từ khai thác thuỷ sản, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ năm như các ông Phan Văn Quyền (hiện có 2 đôi tàu xa bờ), Bùi Văn Long,  Bùi Văn Cư, Bùi Văn Tỵ... Mang lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình, họ còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em trong xã với thu nhập ổn định trung bình từ 3.500.000đ/tháng/ lao động.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh có 1.200 ha bãi bồi ven biển tự nhiên, nhanh nhạy với cơ chế thị trường nông dân xã Nam Thịnh dám nghĩ, dám làm, đầu tư tiền vốn, sức lao động cải tạo bãi bồi để nuôi ngao xuất khẩu. Từ đặc điểm đầm bãi, nông dân chủ yếu nuôi loại ngao trắng, lấy giống từ miền Nam ra do ngao trắng sống bãi cát bồi, chịu được nóng, độ mặn cao lại dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng ngao xuất khẩu toàn xã đạt 12 nghìn tấn/ năm, giá trị 150 tỷ đồng/năm. Nuôi ngao xuất khẩu là một nghề thu nhập chính, nhiều gia đình hội viên nông dân giàu lên rõ rệt. Có hội viên nông dân thu lãi từ 500 triệu- 1 tỷ động/năm, giúp đỡ cho hàng chục gia đình trong xã có thu nhập ổn định, điển hình như các ông Bùi Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Vinh, Vũ Văn Hạm, Trần Văn Công, Trần Văn Thuỷ, Bùi Mạnh Hà.

Nghề thả ngao xuất khẩu còn thu hút được nhiều lao động trong xã và địa phương lân cận. Về Nam Thịnh vào những tháng thu hoạch chính (từ tháng 11 cho đến tháng 4 âm lịch), mỗi ngày có hàng nghìn lao động thu hoạch ngao, tiền công từ 150- 200 nghìn đồng/ người/ngày. Cứ 1.000 tấn ngao xuất khẩu phải trả công người thu hoạch và vận chuyển vào đất liền 1 tỷ đồng. Nếu một năm Nam Thịnh thu hoạch 10- 12.000 tấn thì trả công người lao động (cả trông coi)  khoảng 12 đến 15 tỷ đồng/ năm. 

Từ phong trào làm kinh tế biển, đời sống người dân Nam Thịnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động (không kể mùa vụ).  Nhiều nông dân xã Nam Thịnh được đi báo cáo điển hình trong hội nghị những cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất kinh doanh của Trung ương, tỉnh và huyện.

Ông Trần Văn Xương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thịnh tâm sự, những người nông dân nơi đây luôn nhận thức rõ có được như hôm nay là nhờ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước mở đường cho họ. Các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện như cho vay vốn mở rộng sản xuất, phổ biến khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất, tạo mọi thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm ...

Tuy nhiên, để người nông dân Nam Thịnh tiếp tục gắn bó, phát triển khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản bền vững cần có một cơ chế hỗ trợ tốt hơn nữa như tăng vốn vay khoảng 40-50% trị giá phương tiện tàu thuyền (hiện cho vay khoảng 15- 20% giá trị; trong 5 đôi tàu xa bờ, Nhà nước mới cho vay 2 đôi), thông tin kịp thời về ngư trường khai thác theo mùa vụ, hỗ trợ máy móc thông tin liên lạc hiện đại. Trong nuôi ngao, các ngân hàng nên cho vay tăng vốn và thời gian dài hơn,  quản lý chặt chẽ nguồn giống và đảm bảo cho môi trường thuỷ sản,  nâng cấp nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại cảng Lân...  

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa