Thứ 2, 29/07/2024, 07:23[GMT+7]

Phấn đấu thắng lợi kép trong sản xuất vụ đông năm 2012

Thứ 2, 01/10/2012 | 07:26:30
1,395 lượt xem
Để khuyến khích các địa phương sản xuất vụ đông, hiện tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các huyện, thành phố đạt và vượt về diện tích, giá trị cây trồng. Theo đó, các huyện, thành phố đã thể hiện quyết tâm khá cao, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông là 41.299 ha, tăng 799 ha so với kế hoạch phân bổ của tỉnh; đồng thời bố trí các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu tư thấp.

Nông dân xã Hồng Phong (Vũ Thư) gieo trồng cây màu vụ đông trên vùng bãi sông Hồng. Ảnh: NGỌC LINH

Hiện nay, lúa mùa trong tỉnh  cơ bản đã trỗ xong, đồng thời hàng trăm héc ta trà cực sớm đã bắt đầu thu hoạch và trồng được trên 1 nghìn ha bí xanh, rau màu các loại. Theo Đề án sản xuất vụ đông của UBND tỉnh, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 40 nghìn ha; trong đó ngô 6.500 – 7000 ha, đậu tương trên 8 nghìn ha, khoai tây 4.500 – 5000 ha….Để khuyến khích các địa phương sản xuất vụ đông, hiện tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các huyện, thành phố đạt và vượt về diện tích, giá trị cây trồng. Theo đó, các huyện, thành phố đã thể hiện quyết tâm khá cao, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông là 41.299 ha, tăng 799 ha so với kế hoạch phân bổ của tỉnh; đồng thời bố trí các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu tư thấp.

Theo diễn biến về lúa mùa hiện nay thì quỹ đất dành cho cây vụ đông ưa ấm khá dồi dào, đạt 40 nghìn ha. Như vậy, các địa phương không còn lo lắng về diện tích để gieo trồng đậu tương, ngô, dưa, bí và rau màu các loại, mà chủ yếu tập trung vào công tác chỉ đạo để bà con nông dân thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, khi thu hoạch lúa mùa đến đâu làm đất trồng màu ngay đến đó, nhất là cây đậu tương cần phủ nhanh diện tích bằng phương pháp làm đất tối thiểu để kết thúc gieo trồng trước ngày 10/10.

Đồng thời các loại cây trồng như ngô, bí, dưa… hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm bầu để kéo dài thời gian cây sống trong bầu, hoặc rẽ lúa đặt bầu. Hiện nhiều địa phương đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, vì vậy cần xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu và áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư. Đồng thời gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao tỷ trọng hàng nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng, bảo đảm ổn định sản xuất lâu dài. Theo kế hoạch của các huyện, thành phố thì các loại cây trồng được bố trí là những cây có giá trị kinh tế cao, đầu tư thấp và tận dụng được tối đa quỹ đất dành cho vụ đông. Cây đậu là cây ưa ấm, dễ làm, chi phí thấp, tốn ít công lao động, có tác dụng cải tạo và cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất.

Tuy nhiên, để thực hiện được 8.220 ha như kế hoạch, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất đậu tương quy mô lớn gắn với xây dựng nhà máy sấy; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật gieo trồng; giống DT84 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương phải gieo xong trước ngày 30/9, giống DT12 hoặc giống có thời gian sinh trưởng tương đương gieo xong trước ngày 10/10. Đối với ngô phải bảo đảm trỗ cờ, phun râu trước ngày 20/11; các vùng đất bãi ven sông, đất chuyên màu nên tranh thủ gieo sớm, thời vụ gieo hạt vào bầu từ 5 - 10/9 và đặt bầu ra ruộng ngay sau khi nước rút, sử dụng giống LVN10, LVN4, LVN98…; ngô trồng trên đất hai lúa phải đặt bầu ra ruộng trước ngày 30/9, muộn nhất là ngày 5/10, nếu ngô làm trên bầu lâu và đưa ra ruộng muộn cần làm bầu to hơn.

Ngoài ra, các địa phương cần mở rộng diện tích ngô chất lượng để bán tươi, như giống HN88, MX2, MX4, ngô đường. Cây khoai tây, các huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch khá cao là 5.050 ha. Đây là cây ưa lạnh, quỹ đất sản xuất lớn, thời vụ trồng không khắt khe, có thể kéo dài từ 20/10 đến 20/11; trồng được trên đất thịt nhẹ, thịt trung bình và đất có địa hình vàn, vàn cao. Để mở rộng được diện tích khoai tây, bà con nông dân nên áp dụng theo phương pháp làm đất tối thiểu; đồng thời phải rà soát lại toàn bộ lượng giống đang bảo quản trong kho lạnh và có kế hoạch chuẩn bị giống sớm trước 20/9… Để bảo đảm diện tích, giá trị cây trồng vụ đông theo kế hoạch đề ra, ngoài cơ chế chính sách của tỉnh, các huyện, thành phố đã có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích các tập thể, cá nhân, hộ nông dân đầu tư mở rộng diện tích. Điển hình như Quỳnh Phụ hỗ trợ thuốc diệt chuột, giống bí đỏ hoặc ngô cho một số xã trồng mô hình từ 10 – 15 ha; hỗ trợ cho bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở các xã, thị trấn hoàn thành vượt mức kế hoạch huyện giao. Vũ Thư hỗ trợ 100% giống đậu tương gốc trồng vụ hè thu làm giống cho vụ đông; hỗ trợ 2,8 triệu đồng/ ha khoai tây trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu; hỗ trợ 100% kinh phí mua 14 bộ giàn máy sấy đậu tương loại 1 tấn/ mẻ để thí điểm sấy đậu tương cho 14 xã có diện tích trồng từ 100 ha trở lên…

Hiện một số địa phương đang tổ chức sản xuất như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Đông Hưng, với diện tích đã gieo trồng trên 1 nghìn ha. Thời gian tổ chức sản xuất vụ đông đại trà đã đến gần, vì vậy các huyện, thành phố cần chuẩn bị tốt nhân lực, máy móc, vật tư, giống… để thu hoạch lúa mùa nhanh, gọn đến đâu gieo trồng cây vụ đông đến đó. Đồng thời phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để phòng mưa úng đầu vụ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, kém chất lượng bảo đảm không gây thiệt hại cho nông dân. Các HTX DVNN chủ động phối hợp với các đơn vị của ngành nông nghiệp để bố trí chương trình tập huấn kỹ thuật, phổ biến các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện đến tận cơ sở để khuyến khích nông dân sản xuất, góp phần cho vụ đông giành thắng lợi cả về diện tích và giá trị cây trồng.

                                                Bình Minh

 

  • Từ khóa